Ngày 2/11, ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt - LPBank đã ký kết hợp tác toàn diện với Học viện Bóng đá và Câu lạc bộ (CLB) Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Với sự đồng hành của LPBank, đại diện tập đoàn này cũng công bố đổi tên Học viện và CLB thành Học viện Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai và CLB Bóng đá LPBank - Hoàng Anh Gia Lai. Đây là bước đi cụ thể hóa thỏa thuận hợp tác toàn diện đã ký giữa HAGL và LPBank vào ngày 23/10 trước đó.
Ngoài ra, LPBank sẽ hỗ trợ nguồn lực tài chính ổn định cho Học viện và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai.
Chia sẻ về hợp tác này, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - Chủ tịch tập đoàn HAGL chia sẻ: “Tôi làm bóng đá bằng mọi giá và mong muốn Học viện Bóng đá và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tồn tại mãi mãi, cũng như ngày càng lớn mạnh. Nhưng, tôi năm nay đã 62 tuổi, 10 năm tới thì 72 tuổi. Thực sự, không có ông già 72 tuổi nào đủ sức điều hành một đội bóng đá. Tôi đã trăn trở, suy nghĩ rất nhiều và may mắn gặp được anh Thuỵ. Anh Thuỵ là người em cũng là người bạn chí cốt, và anh Thuỵ cũng còn rất trẻ”.
Do đó, HAGL đã thống nhất cao trong nội bộ để đi đến hợp tác chiến lược với LPBank về mọi mặt trong thể thao. “Để Học viện Bóng đá và CLB Bóng đá Hoàng Anh Gia Lai tồn tại phải có người trẻ, đam mê và phải có tiền”, bầu Đức nhấn mạnh.
Như vậy, với những khó khăn đang bủa vây lấy tập đoàn HAGL (HAG) trong những năm gầy đây, bầu Đức đã phải chấp nhận "bán tên" câu lạc bộ để có thể tiếp tục với niêm đam mê bóng đá. Trong một chia sẻ với báo chí trước đây, vị Chủ tịch này từng cho biết đã từng chi ra đến trên dưới 2.000 tỷ đồng để đầu tư cho bóng đá.
Điều này trái ngược hoàn toàn với những tham vọng lớn cách đây 15-16 năm của ông Đoàn Nguyên Đức với bóng đá - thời điểm mà cả HAGL lẫn vị doanh nhân này đang ở đỉnh cao. Vào năm 2008, các tờ báo của Anh từng đưa tin rằng bầu Đức đang có ý định mua 20% cổ phần của Arsenal - một trong những CLB bóng đá lớn nhất và giá trị nhất tại ANh. Thông tin này thực sự đã tạo nên một cơn địa chấn lớn trên thị trường chứng khoán, cũng như bóng đá tại Anh và Việt Nam đầu năm 2008.
Sau khi ký thỏa thuận hợp tác toàn diện cùng Arsenal vào tháng 3/2007, xây dựng Học viện bóng đá HAGL-Arsenal JMG, ký hợp đồng quảng cáo trên sân Emirates, bầu Đức muốn tiến xa hơn bằng việc mong muốn có tiếng nói trong các vấn đề liên quan đến đội bóng nước Anh.
Cách tốt nhất để thực hiện điều này là sở hữu một lượng cổ phần của Arsenal. Vào tháng 11/2007, trong chuyến công du sang Anh, bầu Đức đã gặp chủ tịch của Arsenal thời điểm đó là Peter Hillwood để bày tỏ ý định mua 20% cổ phần đội bóng. Lời đề nghị khiến BLĐ đội bóng hết sức ngỡ ngàng nhưng phía CLB nước Anh rất nghiêm túc với việc này khi biết được tiềm lực của bầu Đức.
Tại thời điểm đó, CLB bóng đá Arsenal được định giá khoảng 1 tỷ USD. Điều này có nghĩa nếu muốn sở hữu 20% cổ phần của Arsenal bầu Đức sẽ phải chi ra 200 triệu USD.
Cũng tại cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên của HAGL vào năm 2008, khi được hỏi về nguồn tiền ở đâu mà công ty có thể mua được cổ phần của Arsenal, ông Đoàn Nguyên Đức đã chia sẻ rằng kế hoạch mua cổ phần của Arsenal là hoàn toàn có thật. Ông đã ký kết hợp đồng với một công ty chứng khoán để nơi này chịu trách nhiệm toàn bộ việc tìm hiểu, nghiên cứu các yếu tố pháp lý đầu tư gián tiếp ra nước ngoài và lên kế hoạch cụ thể giúp ông sớm thực hiện ý định mua 20% cổ phần của Arsenal.
Còn việc không đưa kế hoạch mua bán này vào báo cáo Đại hội, ông Đức giải thích rằng việc mua bán này là việc riêng của cá nhân ông, không liên quan đến hoạt động của HAGL nên không đưa vào báo cáo. Bầu Đức còn nhấn mạnh số tiền mua cổ phần Arsenal cũng không phải có nguồn gốc từ số cổ phiếu ông đang sở hữu mà ông lấy từ những nguồn cố định khác của ông.
Theo ông Đức, sở dĩ việc mua cổ phần Arsenal do ông thực hiện một mình mà không kéo HAGL vào là bởi cuộc đầu tư này có yếu tố mạo hiểm, có thể gặp rủi ro và nếu có thì chỉ cá nhân ông gánh chịu. Vị doanh nhân này cũng tiết lộ thông tin nhiều đại gia muốn hùn vốn với ông mua cổ phần Arsenal nhưng ông không đồng ý.
Hai hình ảnh cho thấy sự đi xuống của HAGL
Từ việc lên kế hoạch mua cổ phần của Arsenal đến việc bán tên của CLB bóng đá HAGL để có thể thêm nguồn tài trợ cho câu lạc bộ cho thấy sự đi xuống của bầu Đức cũng như tập đoàn HAGL sau 15 năm. Giai đoạn 2006-2011 từng là thời đỉnh cao của doanh nghiệp khi thắng lớn với bất động sản.
Tuy nhiên, sau đó việc mở rộng liên tục ở các ngành nghề khác, đầu tư ồ ạt ra nước ngoài và từ bỏ bất động sản đã khiến HAGL "lao dốc". Tính đến thời điểm 30/9 năm nay, công ty này vẫn còn đang lỗ lũy kế hơn 2.640 tỷ đồng.
Ngoài ra, doanh nghiệp này cũng đang mắc kẹt với những khoản nợ vay của mình. Ví dụ, công ty liên tục thông báo chậm trả gốc và lãi của lô trái phiếu trị giá 6.000 tỷ đồng đã phát hành từ năm 2016.
Để có thể tiếp tục phát triển công ty cũng như có nguồn tiền trả nợ, thậm chí bầu Đức cũng đã quyết định bán hàng loạt tài sản của mình như dự án Hoàng Anh Myanmar, các dự án thủy điện, HAGL Agrico (HNG), HAGL Resrot Đà Lạt và Quy Nhơn. Mới đây nhất, công ty này đã khách sạn Hoàng Anh Gia Lai ngay số 1 Phù Đổng, Thành phố Pleiku, Gia Lai. Đây được coi là bất động sản "đắc địa" còn lại của bầu Đức.
Tuy nhiên, có một thứ mà ông Đoàn Nguyên Đức vẫn chưa động đến đó chính là Học viện và CLB bóng đá HAGL. Việc đổi tên để có thêm kinh phí hoạt động như mới đây có thể xem là một nước đi bắt buộc của vị doanh nhân này để có thể tiếp tục thỏa mãn đam mê bóng đá, cũng như có thêm nguồn kinh phí cho CLB hoạt động.
Trọng Hiếu