'Báu vật quốc gia' bị hỏi mua với giá 5.000 tỷ Yên, Nhật Bản đau đầu không biết nên bán hay giữ

Nhật Bản đang đứng trước lựa chọn khó khăn.

Tại Nhật Bản, các cửa hàng tiện lợi rất được ưa chuộng vì bán đủ thứ trên đời, từ cơm hộp đến bánh bao hấp. Đầu bếp nổi tiếng Anthony Bourdain từng ví von chúng như một thứ mà ông không thể từ bỏ.

Đối với nhiều người, hơn 55.000 cửa hàng tiện lợi (konbini) hiện đang hoạt động tại xứ sở hoa anh đào là một phần không thể thiếu trong cuộc sống. Họ đổ xô đến nơi được mệnh danh là "báu vật quốc gia" mỗi ngày để mua thực phẩm, gửi bưu kiện và thanh toán hóa đơn.

Chuỗi konbini lớn nhất Nhật Bản, 7-Eleven, là một trong những cái tên nổi tiếng nhất. Không khó hiểu nếu chúng trở thành tâm điểm của một thương vụ thâu tóm trị giá hàng tỷ USD.

Bằng chứng là hồi tuần trước, Seven & I (công ty đứng sau chuỗi cửa hàng tiện lợi 7-Eleven) vừa nhận được đề xuất mua lại từ gã khổng lồ cửa hàng tiện lợi Alimentation Couche-Tard (Canada). Seven & I hiện đã lập một hội đồng để đánh giá đề nghị này và đang cân nhắc có nên chấp nhận đề xuất mua lại hay không. Các chi tiết như lượng cổ phần và cách thức mua lại không được tiết lộ.

Hiện vốn hóa của Seven & I rơi vào khoảng 4.600 tỷ yen (31,1 tỷ USD). Điều này đồng nghĩa nếu muốn mua lại 100%, công ty Canada nói trên sẽ phải bỏ ra ít nhất 5.000 tỷ yen. Nikkei Asia cho rằng đây sẽ là thương vụ M&A lớn nhất của một doanh nghiệp nước ngoài với công ty Nhật Bản.

Tuy nhiên, vị thế của các cửa hàng 7-Eleven đồng nghĩa với việc Nhật Bản sẽ không muốn chia tay chúng, bất chấp những áp lực trong việc thể hiện sự cởi mở với các vụ mua lại từ nước ngoài. Hiroaki Watanabe, một nhà phân tích bán lẻ độc lập, cho biết 7-Eleven là một trong những doanh nghiệp bán lẻ truyền thống tốt nhất thế giới.

Trên thực tế, 7-Eleven khởi đầu là một chuỗi cửa hàng tiện lợi của Mỹ, do Southland Corporation điều hành, tại Dallas vào năm 1927. Công ty mở cửa hàng đầu tiên tại Nhật Bản vào năm 1974 và bán các mặt hàng phổ biến của Mỹ, chẳng hạn như bánh hamburger. Thành công ngay lập tức được ghi nhận và chỉ trong vòng 2 năm, 7-Eleven đã mở rộng lên 100 cửa hàng. Năm 2005, 7-Eleven trở thành công ty do Nhật Bản sở hữu hoàn toàn thông qua một công ty mẹ có tên Seven & I.

Ngày nay, Seven & I có hơn 21.000 cửa hàng 7-Eleven tại Nhật Bản; hoạt động tại 20 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tại Mỹ, Seven & I đã và đang tìm cách tái tạo trải nghiệm cửa hàng tiện lợi Nhật Bản, chẳng hạn như bán mì ramen.

Ngược lại với các cửa hàng konbini của Nhật Bản, cửa hàng tiện lợi ở Bắc Mỹ chỉ bán đồ ăn nhẹ đóng gói, đồ uống, thậm chí là xăng. Đồ ăn nóng đôi khi chỉ là những chiếc xúc xích đơn giản.

'Báu vật quốc gia' bị hỏi mua với giá 5.000 tỷ Yên, Nhật Bản đau đầu không biết nên bán hay giữ- Ảnh 1.

Couche-Tard, có trụ sở tại Quebec, điều hành nhiều cửa hàng tiện lợi như vậy tại Mỹ dưới thương hiệu Circle K. Công ty điều hành hơn 16.000 cửa hàng và trạm xăng ở Bắc Mỹ và Châu Âu.

Giống như Seven & I, nhà bán lẻ Canada này muốn tìm kiếm sự tăng trưởng hơn nữa ở nước ngoài. Vào năm 2021, họ cố gắng mua lại công ty điều hành cửa hàng tạp hóa Carrefour của Pháp song không thành.

Nhật Bản từ lâu đã nằm trong tham vọng toàn cầu của Couche-Tard. Nếu thành công, đây sẽ trở thành thương vụ mua lại lớn nhất đối với một công ty Nhật Bản. Seven & I hiện đã thành lập một ủy ban đặc biệt độc lập để xem xét lời đề nghị này.

Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, công cuộc mua lại Seven & I có thể trở nên khó khăn do chính phủ Nhật Bản giám sát rất chặt chẽ. Sự khác biệt lớn trong cách Couche-Tard và Seven & I vận hành cũng sẽ tác động đến quyết định chấp nhận bán mình.

Các nhà điều hành konbini Nhật Bản nổi tiếng với sự phát triển nhanh chóng các sản phẩm mới — chẳng hạn như hàng hóa theo chủ đề chỉ có trong mùa hoa anh đào. Một cửa hàng tiện lợi điển hình ở Nhật Bản cung cấp khoảng 3.000 sản phẩm và 70% trong số đó sẽ được thay thế hàng năm, theo ông Watanabe, nhà phân tích.

Ông cũng cho biết phần lớn lợi nhuận hoạt động của Seven & I đến từ các cửa hàng tiện lợi tại Nhật Bản và Couche-Tard sẽ cần đưa ra một đề xuất hấp dẫn cho thấy cách công ty có thể cải thiện hoạt động kinh doanh cốt lõi.

"Tất cả phụ thuộc vào giá cả và tôi đoán việc đồng yên yếu đã khiến thương vụ trở nên hấp dẫn hơn. Với bất kỳ mức giá nào trên 7 nghìn tỷ yên, ban quản trị Seven & I sẽ khó từ chối", ông Amir Anvarzadeh, chiến lược gia tại công ty tư vấn đầu tư Asymmetric Advisors (Singapore), nhận xét. "Ban quản trị Seven & i có thể sẽ phản đối điều này nếu giá đề xuất thấp".

"Tôi không nghĩ Seven & i muốn bán và nếu không có lời đề nghị bằng tiền mặt hấp dẫn, tôi nghĩ khả năng xảy ra điều gì đó là khá mong manh", một chuyên gia khác tên Kato nhận định.

Cửa hàng 7-Eleven đầu tiên tại Nhật Bản mở cửa vào năm 1974 tại một khu phố yên tĩnh ven vịnh phía đông Tokyo. Mỗi sáng thứ sáu, nơi đây tấp nập nhân viên văn phòng, sinh viên và phụ huynh dắt theo con nhỏ.

Sakura Kobayashi, 23 tuổi, làm việc trong khu phố, thường ghé đây để mua salad và cơm nắm — một đặc sản ở các cửa hàng tiện lợi Nhật Bản. Cô cho biết các món ăn tại 7-Eleven có hương vị vô cùng quen thuộc.

Bên ngoài một cửa hàng 7-Eleven ở trung tâm Tokyo, Yuta Matsumura, một nhân viên văn phòng 26 tuổi, đã mua bánh kếp kem để tráng miệng. Anh cho biết mình thường ghé thăm 7-Eleven ít nhất 3 lần một tuần, đôi khi để mua bữa trưa như cơm thịt bò.

Đồ ngọt mới là thứ chính thu hút Matsumura.

“Chúng không quá ngọt, như người Nhật chúng tôi thích”, anh nói. “Món tráng miệng của 7-Eleven là ngon nhất”.

Theo: Nikkei Asia

Vũ Anh

C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bau-vat-quoc-gia-bi-hoi-mua-voi-gia-5000-ty-yen-nhat-ban-dau-dau-khong-biet-nen-ban-hay-giu-205242608094526158.htm