CTCP Lilama 45.1 (MCK: L45) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán năm 2023 với doanh thu thuần đạt 45,8 tỷ đồng, giảm 43% so với năm trước và lãi gộp 16,2 triệu đồng.
Năm 2023, chi phí tài chính và chi phí quản lý doanh nghiệp của L45 đều được tiết giảm lần lượt về còn 2,3 tỷ đồng và 4,9 tỷ đồng.
Kết quả, L45 báo lỗ sau thuế 8,6 tỷ đồng, đánh dấu năm thứ 2 liên tiếp doanh nghiệp này báo thua lỗ (năm trước lỗ 25,6 tỷ đồng).
Tại ngày 31/12/2023, L45 có tổng tài sản đạt 521 tỷ đồng, giảm 7 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, lượng tiền mặt và tiền gửi ngân hàng giảm từ 9,7 tỷ đồng về còn 959,3 triệu đồng.
Các khoản phải thu ngắn hạn tăng 7,6%, lên 171,1 tỷ đồng; hàng tồn kho giảm nhẹ 3%, xuống còn 256 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, tổng nợ phải trả của L45 ghi nhận ở mức 518,7 tỷ đồng, trong đó, nợ vay tài chính là 119,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính năm 2022 của Lilama 45.1, đơn vị kiểm toán đã nêu ý kiến kiểm toán ngoại trừ đối với một số vấn đề. Sang năm 2023, các vấn đề này vẫn chưa được Công ty khắc phục triệt để. Điều này khiến cho đơn vị kiểm toán tiếp tục đưa ý kiến kiểm toán ngoại trừ cho Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 của Công ty.
Cụ thể, tại thời điểm 1/11/2023 và 31/12/2023, liên quan đến nội dung đã trình bày tại Thuyết minh số 4 - Phải thu ngắn hạn của khách hàng Công ty chưa thực hiện trích lập dự phòng khoản công nợ Phải thu ngắn hạn của khách hàng đã quá hạn thanh toán với giá trị lần lượt là 86,5 tỷ đồng và 71,8 tỷ đồng; tại thuyết minh số 5- Trả trước cho người bản ngắn hạn, Công ty đang theo dõi số dư các khoản trả trước cho người bán số tiền 1 tỷ đồng. Đây là khoản ứng trước cho các dự án, công trình đã tồn đọng. Bằng các thủ tục kiểm toán đã thực hiện và hồ sơ hiện có của Công ty, đơn vị kiểm toán chưa thể xác định được khả năng thu hồi của 2 khoản mục này. Do đó, kiểm toán không thể xác định được những điều chỉnh cần thiết (nếu có) đối với Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 của Công ty.
Tiếp theo, liên quan đến nội dung đã trình bày tại Thuyết minh số 7 - Hàng tồn kho, đơn vị kiểm toán đã thực hiện các thù tục kiểm toán cần thiết, tuy nhiên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán để khẳng định được tính chính xác và đánh giá tổn thất của chi phí sản xuất kinh doanh dở dang của Công ty tại thời điểm 1/1/2023 và 31/12/2023 với tổng số tiền lần lượt là 230,35 tỷ đồng và 236,98 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết liên quan đến khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" cũng như những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 của Công ty.
Về khoản mục tài sản dở dang dài hạn, đơn vị kiểm toán đã thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết, tuy nhiên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán để khẳng định được tính chính xác và đánh giá tổn thất của chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Công ty tại thời điểm 01/01/2023 và 31/12/2023 với cùng số tiền 41,2 tỷ đồng.
Liên quan đến nội dung đã trình bày tại Thuyết minh số 10 - Chi phí trả trước dài hạn, đơn vị kiểm toán đã thực hiện các thủ tục kiểm toán cần thiết, tuy nhiên không thể thu thập được đầy đủ bằng chứng kiểm toán để khẳng định được tính chính xác của chi phí trả trước dài hạn của Công ty tại thời điểm 1/1/2023 và 31/12/2023 với cùng số tiền 29,9 tỷ đồng. Do đó, đơn vị kiểm toán không thể xác định được các điều chỉnh cần thiết liên quan đến khoản mục "Chi phí trả trước dài hạn" cũng như những ảnh hưởng (nếu có) đối với Báo cáo tài chính cho năm tài chính kết thúc ngày 31/12/2023 của Công ty.
Trong năm 2023, Công ty đang ghi nhận một phần chi phí lãi vay khoản vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh TP. HCM vào khoản mục "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang", số tiền 6,73 tỷ đồng và chưa ghi nhận phần chi phí lãi vay còn lại số tiền 2,26 tỷ đồng. Điều này khiến cho chỉ tiêu "Chi phí tài chính" và chỉ tiêu "Tổng lợi nhuận kế toán trước thuế" trên Báo cáo kết quả kinh doanh năm 2023 của Công ty đang phản ánh cao hơn thực tế số tiền 8,99 tỷ đồng. Đồng thời, trên Bảng Cân đối kế toán tại ngày 31/12/2023, chỉ tiêu "Chi phí sản xuất kinh doanh dở dang" đang phản ánh cao hơn thực tế số tiền 6,73 tỷ đồng, chỉ tiêu "Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối" đang phản ánh cao hơn và chỉ tiêu "Phải trả khác" đang phản ánh thấp hơn số tiền lần lượt là 8,99 tỷ đồng và 2,26 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, nợ ngắn hạn của Công ty vượt quá tài sản ngắn hạn với số tiền là 90 tỷ đồng, lỗ lũy kế là 48,56 tỷ đồng, nợ phải trả gấp 217,6 lần vốn chủ sở hữu. Giá trị khoản vay đã quá hạn thanh toán là 119,4 tỷ đồng. Công ty chưa đạt được thỏa thuận mới đáng kể nào về việc giãn nợ. Công ty cũng chưa thu xếp được nguồn tài chính để thanh toán cho các khoản vay đến hạn trong điều kiện hoạt động như hiện tại. Các dấu hiệu trên cho thấy sự tồn tại của yếu tố dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
Liên quan đến các vấn đề bị kiểm toán nêu ý kiến ngoại từ, Lilama 45.1 đã cho biết, trong năm 2023, Công ty đã giải quyết những tồn đọng của các năm cũ và đang thực hiện các biện pháp tích cực để thu hồi các khoản công nợ, tuy nhiên chưa thể thu hồi do các đối tác cũng gặp nhiều khó khăn về tài chính ảnh hưởng hệ lụy của tình hình dịch bệnh Covid-19 các năm qua. Trong đó khoản phải thu về khoản bị chiếm đoạt tài sản là 20 tỷ đồng đối với Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Phú Bình.
Các khoản phải thu khác là số dư công nợ của các CBCNV đã từng làm việc tại Công ty nhưng hiện đã nghỉ việc hoặc chuyển công tác nên chưa thực hiện công tác đối chiếu và thu hồi.
Về hàng tồn kho, Công ty đang đẩy mạnh công tác quyết toán giá trị thực hiện các dự án để xử lý chi phí sản xuất kinh doanh dở dang còn tồn đọng, tuy nhiên chưa thể xử lý triệt để trong thời gian ngắn. Trong đó một số công trình đã hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng, đã thanh quyết toán hợp đồng và hết doanh thu nhưng vẫn còn treo chi phí SXKD dở dang rất lớn trên sổ sách kế toán, chưa được kết chuyển giá vốn xác định kết quả sản xuất kinh doanh, đây cũng được coi như một khoản lỗ tiềm ẩn.
Đối với khoản chi phí xây dựng cơ bản dở dang của Công ty, trong đó chỉ phí đầu tư Nhà máy thuỷ điện Sardeung là 39,9 tỷ đồng. Dự án nhà máy thủy điện Sardeung đã có văn bản thu hồi dự án theo quyết định số 776/QĐ-UBND ngày 11/04/2016 của UBND tỉnh Lâm Đồng. Hiện nay UBND tỉnh Lâm Đồng có chủ trương hoàn trả số tiền 30,8 tỷ đồng bằng nguồn thu từ việc các hộ dân sẽ trả lại tiền bồi thường giải tỏa. Công ty đang làm việc với UBND tỉnh Lâm Đồng, UBND huyện Lâm Hà và các đơn vị có liên quan để thu hồi giá trị 30,8 tỷ đồng bằng nguồn thu từ việc các hộ dân sẽ trả lại tiền bồi thường giải tỏa. Công ty đã làm việc với huyện Lâm Hà lập tổ thu hồi và đo vẽ để trả lại các hộ dân. Chi phí hoạt động của tổ được trích từ chi phí thu hồi. Theo chủ trương của UBND tỉnh Lâm Đồng, thống nhất hoàn trả lại cho Công ty số tiền đã chi trả bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án thủy điện SarDeung; tỉnh đã ra các Văn bản chỉ đạo, giao cho UBND huyện Lâm Hà lập phươngán thu hồi lại số tiền bồi thường, giải phóng mặt bằng mà trước đây các hộ dân đãnhận nhưng vẫn ở lại canh tác, sinh sống để trả lại cho Công ty cổ phần LILAMA 45.1. Hiện tại, Công ty vẫn đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng cùng huyện Lâm Hà để triển khai thực hiện công tác thu hồi lại số tiền nói trên.
Đối với khoản chi phí trả trước dài hạn của Công ty, trong đó khoản chi phí công cụ dụng cụ xuất dùng cho các dự án 13,4 tỷ, Công ty sẽ phân bổ tiếp chi phí này vào các dự án mới của Công ty. Riêng khoản tiền lãi phạt chậm nộp thuế; tiền thuế thuê đất là 27,3 tỷ, khoản này cũng được coi là khoản lỗ tiềm ẩn trong tương lai.
Đối với khoản lãi vay, lãi phạt gốc, lãi phạt lãi thuộc khoản vay vốn lưu động của Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - chi nhánh TP. HCM trong giai đoạn từ 01/01/2023 - 31/12/2023, do chưa có số liệu đối chiếu nên L45 chưa ghi nhận hạch toán trong năm, đây được coi là khoản lỗ tiềm ẩn trong tương lai.
Hà Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bi-kiem-toan-neu-y-kien-ngoai-tru-lilama-451-l45-noi-gi-20511941.htm