Bộ Công Thương có đề xuất mới về nguyên tắc xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện

Theo dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện, giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.

bo-cong-thuong-co-de-xuat-moi-ve-nguyen-tac-xac-dinh-gia-phat-dien-hop-dong-mua-ban-dien-antt-1703990291.jpg
Bộ Công Thương có đề xuất mới về nguyên tắc xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện. Ảnh minh hoạ.

Hiện, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến của nhân dân đối với dự thảo Thông tư quy định phương pháp xác định giá phát điện, hợp đồng mua bán điện.

Trong dự thảo Thông tư nêu rõ nguyên tắc xác định giá phát điện. Theo đó, giá phát điện của nhà máy điện được xây dựng trên cơ sở các khoản chi phí hợp lý của Chủ đầu tư trong toàn bộ đời sống kinh tế dự án; tỷ suất sinh lợi nội tại về tài chính (IRR) không vượt quá 12%.

Giá phát điện của nhà máy điện, bao gồm các thành phần sau:

Giá hợp đồng mua bán điện: Do hai bên thoả thuận và được xây dựng theo phương pháp quy định tại Điều 4 của Thông tư này.

Giá đấu nối đặc thù: Do hai bên thỏa thuận và được xác định theo phương pháp quy định tại Điều 8 Thông tư này.

Giá phát điện chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng, thuế tài nguyên nước, tiền cấp quyền khai thác tài nguyên nước, phí dịch vụ môi trường rừng, phí bảo vệ môi trường đối với chất thải rắn và đối với nước thải công nghiệp (áp dụng đối với nhà máy nhiệt điện) và các khoản thuế, phí, các khoản thu bằng tiền khác theo quy định của Nhà nước (trừ các khoản thuế, phí đã được tính trong phương án giá phát điện).

Giá hợp đồng mua bán điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở

Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong khung giá phát điện Năm cơ sở của nhà máy điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện để so với khung giá phát điện Năm cơ sở được tính toán trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.

Trường hợp Năm cơ sở của nhà máy điện không có khung giá phát điện, giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng để so với khung giá phát điện của năm gần nhất của loại hình nhà máy điện đó;

Đối với các dự án đã khởi công nhưng chưa ký kết hợp đồng mua bán điện trước thời điểm thông tư này có hiệu lực:

Giá hợp đồng mua bán điện phải nằm trong khung giá phát điện năm đàm phán hợp đồng mua bán điện, trong đó giá hợp đồng mua bán điện của nhà máy nhiệt điện để so với khung giá phát điện được tính toán quy đổi trên cơ sở các thành phần chi phí tương ứng với thành phần chi phí tính toán khung giá phát điện.

Giá tạm thời để ký hợp đồng mua bán điện

Trong quá trình đàm phán giá phát điện theo các quy định, trường hợp chưa thỏa thuận được về giá phát điện để ký hợp đồng mua bán điện, Bên mua và Bên bán thỏa thuận thống nhất giá tạm thời để áp dụng cho đến khi Bên mua và Bên bán thỏa thuận được mức giá phát điện chính thức, trình Cục Điều tiết điện lực kiểm tra, báo cáo Bộ Công Thương quyết định.

Giá tạm thời để ký hợp đồng mua bán điện không vượt quá khung giá phát điện do Bộ Công Thương ban hành.

Hà Anh (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bo-cong-thuong-co-de-xuat-moi-ve-nguyen-tac-xac-dinh-gia-phat-dien-hop-dong-mua-ban-dien-2057596.htm