Bỏ làng lên phố, tôi mắc nợ hơn 1 tỷ đồng trong khi lương chỉ hơn 10 triệu/tháng: Bị chặn mua vé tàu, nhận điện thoại đòi nợ như cơm bữa

Cuộc sống đô thị quá khắc nghiệt!

Qin Huangsheng từng mơ về một cuộc sống tốt đẹp hơn khi rời làng lên thành phố làm công nhân nhà máy ở tuổi 16. Thế nhưng giờ đây, khi đã ở độ tuổi ngoài 40, người phụ nữ này vẫn ôm khoản nợ lên tới 40.000 USD (hơn 1 tỷ đồng), trong khi lương cơ bản chỉ 400 USD/tháng (hơn 10 triệu). Chủ nợ đang săn lùng cô. Cô thậm chí còn bị chặn mua vé tàu cao tốc.

Đây chỉ một trong những hình phạt mà chính phủ đang đặt ra với những công dân nợ xấu như Qin Huangsheng. Phía Bắc Kinh còn tịch thu tiền lương, hạn chế họ nhận các công việc bên trong bộ máy chính phủ hay mua các hợp đồng bảo hiểm đắt tiền, đi du lịch…Nếu không tuân thủ, những người này có thể sẽ bị bắt giữ.

Theo WSJ, số người nằm trong danh sách đen công khai của chính phủ đã tăng gần 50% kể từ cuối năm 2019 lên 8,3 triệu. Không giống như ở Mỹ, Trung Quốc không cho phép hầu hết người dân tuyên bố phá sản để xóa nợ.

Được biết, nợ hộ gia đình đã tăng 50% trong 5 năm qua lên khoảng 11 nghìn tỷ USD. Con số này thấp hơn 17,5 nghìn tỷ USD mà người Mỹ đang nợ, song vẫn được coi là một khoản tiền khổng lồ.

Trong bối cảnh giá nhà giảm, nguy cơ giảm phát trở nên cố hữu và tỷ lệ thất nghiệp là một thách thức dai dẳng, Trung Quốc muốn khuyến khích người dân chi tiêu nhiều hơn, song điều này lại vô hình chung khiến họ thêm mắc nợ. Nỗi lo bị trừng phạt đang khiến nhiều gia đình hận trọng hơn khi chi tiêu. Một loạt các công ty phương Tây như Apple, Estée Lauder và General Motors đều ghi nhận doanh số bán hàng sụt giảm.

Bùng nổ nhà ở kéo dài ở Trung Quốc được cho là nguyên nhân chính dẫn đến sự gia tăng nợ cá nhân, khi ngày càng nhiều người phải đi vay để mua nhà. Một số gánh thêm nợ để mua bất động sản nhằm mục đích đầu tư, đôi khi để trống. Khi thời kỳ bùng nổ đã qua, họ mắc kẹt trong những khoản nợ không thể trả nổi.

Nhiều nhà kinh tế cho rằng một cuộc khủng hoảng tài chính kiểu Mỹ khó có thể xảy ra ở Trung Quốc. Sự kiểm soát của nhà nước đối với hệ thống ngân hàng đồng nghĩa với việc chính phủ có thể hấp thụ các khoản lỗ và bơm ngược vốn trong trường hợp khẩn cấp. Nợ hộ gia đình phần lớn cũng đã giảm trong 2 năm qua, do nhiều người ưu tiên sử dụng tiền mặt trả nợ thay vì mua sắm hoặc đầu tư vào cổ phiếu.

Tuy nhiên, sự phổ biến của các khoản nợ cá nhân vẫn là vấn đề lớn đối với giới lãnh đạo Trung Quốc. Amir Sufi, nhà kinh tế của Đại học Chicago, cho biết: “Sự bùng nổ nợ hộ gia đình có xu hướng dẫn đến kết quả kinh tế vĩ mô tồi tệ, ngay cả khi không xảy ra khủng hoảng tài chính”.

Trong nhiều năm, Trung Quốc cố gắng nâng cao chi tiêu cá nhân để giảm bớt sự phụ thuộc vào cơ sở hạ tầng và tăng trưởng bất động sản. Các ngân hàng đã phát hành hàng chục triệu thẻ tín dụng mới mỗi năm, với số dư chưa thanh toán tăng 50% từ năm 2018 đến năm 2023 lên hơn 1 nghìn tỷ USD. Các ứng dụng công nghệ như Alipay và WeChat cũng bắt đầu giúp người tiêu dùng đảm bảo khoản vay khi hệ thống thanh toán kỹ thuật số trở nên phổ biến.

Bỏ làng lên phố, tôi mắc nợ hơn 1 tỷ đồng trong khi lương chỉ hơn 10 triệu/tháng: Bị chặn mua vé tàu, nhận điện thoại đòi nợ như cơm bữa - Ảnh 1.

Hiện tại, đại lục ưu tiên bảo vệ các chủ nợ - thường là các tổ chức nhà nước có quyền lực - thay vì giúp đỡ cá nhân đang gặp khó khăn. Các chuyên gia cho rằng giới chức cần trở nên công bằng hơn bằng cách buộc các chủ nợ và con nợ cùng chia sẻ rủi ro.

Quay trở lại với câu chuyện của Qin Huangsheng.

Khi mới 16 tuổi, Qin bắt xe buýt từ vùng nông thôn miền nam Trung Quốc lên Đông Quản. Cha mẹ cô, đều là nông dân, không đủ khả năng giúp con gái tham gia kỳ thi tuyển sinh trung học. Cô thề sẽ tự thân vận động và tìm được việc trong các nhà máy sản xuất dép và đồ trang sức.

Vài năm sau, Qin có được chiếc thẻ tín dụng đầu tiên và xuống tiền mua một chiếc máy tính tự học đánh máy. Sự nghiệp thăng hoa và cuối cùng thôi thúc cô gái trẻ chuyển đến thành phố Quảng Châu để tiếp tục phát triển.

Đến năm 2010, Qin quản lý đấu thầu cho một công ty cung cấp thiết bị phòng cháy chữa cháy phục vụ dự án bất động sản. Số tiền hoa hồng béo bở kiếm được trong thời kỳ bùng nổ nhà đất khiến Qin vui mừng khôn tả.

Khi lĩnh vực bất động sản chậm lại, Qin đổi hướng đầu tư 150.000 USD tiền tiết kiệm của mình cho liên doanh phát triển phần mềm giúp các chủ doanh nghiệp nhỏ thu thập dữ liệu WeChat.

Tuy nhiên, khó khăn sau đó khiến cô phải gánh khoản nợ tương đương hàng chục nghìn USD. Những cuộc điện thoại từ chủ nợ đã trở thành cơm bữa. Không có lựa chọn phá sản, Qin nhận ra công việc mới chính là cách duy nhất giúp mình thoát khỏi rắc rối.

“Chỉ cần tôi còn sống, tôi có thể làm việc chăm chỉ để kiếm lại tiền”, Qin nói.

Tuy nhiên, hành trình này lại gặp những khó khăn không ngờ. Năm 2021, khi đang chuẩn bị cho chuyến công tác tới Thượng Hải, Qin nhận ra rằng cô đã mất khả năng tiếp cận đường sắt cao tốc vì nợ xấu.

Hiện nay, Qin đang làm việc tại một cửa hàng ở Phật Sơn, phía nam Quảng Châu, bán các loại thuốc cổ truyền Trung Quốc với mức lương cơ bản khoảng 400 USD/tháng. Tiền còn nợ trong thẻ tín dụng lên tới 40.000 USD.

Qin tự nhủ cần phải lạc quan, hy vọng rằng nhu cầu về thuốc sẽ tăng cao khi dân số Trung Quốc già đi, từ đó mở ra cơ hội kiếm tiền. Cô cho biết chức năng trên tài khoản của mình đã bị đóng băng nhiều lần kể từ năm 2022. Bản thân cũng không dám kể với bố mẹ vì sợ mọi người lo lắng.

“Nếu họ biết sự thật, họ sẽ không thể ngủ được”, cô nói.

Theo: WSJ

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bo-lang-len-pho-toi-mac-no-hon-1-ty-dong-trong-khi-luong-chi-hon-10-trieuthang-bi-chan-mua-ve-tau-nhan-dien-thoai-doi-no-nhu-com-bua-20512933.htm