Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm

Tại dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính đề nghị giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân đối với khoản lãi tiền gửi tiết kiệm.

Tại Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế) đã gửi xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương và người dân, Bộ Tài chính đề nghị tiếp tục giữ nguyên quy định về miễn thuế thu nhập cá nhân (TNCN) đối với lãi tiền gửi tiết kiệm như quy định hiện hành.

Theo Bộ Tài chính, quy định miễn thuế này nhằm khuyến khích người dân gửi tiết kiệm, đảm bảo nguồn vốn cho nền kinh tế, đồng thời hỗ trợ người về hưu, người tàn tật có nguồn thu ổn định.

Chính sách này cũng giúp ngân hàng huy động được nguồn vốn dài hạn phục vụ tăng trưởng tín dụng và đầu tư phát triển kinh tế. Việc duy trì quy định này được xem là biện pháp quan trọng nhằm giữ ổn định hệ thống tài chính và bảo vệ quyền lợi của người dân.

Bộ Tài chính đề xuất tiếp tục miễn thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 22/11/2024, Bộ Tài chính đã có công văn số 12738/BTC-CST lấy ý kiến rộng rãi trên Cổng thông tin Chính phủ. Ngày 22/1/2025, Bộ tiếp tục có công văn số 930/BTC-CST gửi Bộ Tư pháp xin ý kiến thẩm định. Ngày 12/2/2025, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp thẩm định đề nghị xây dựng luật.

Bộ Tài chính cũng tham khảo kinh nghiệm quốc tế, cho thấy nhiều quốc gia như Thái Lan, Trung Quốc, Hàn Quốc đánh thuế thu nhập cá nhân đối với lãi tiền gửi tiết kiệm. Tuy nhiên, Bộ cho rằng nếu áp dụng thuế này tại Việt Nam, có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến tâm lý người gửi tiền, làm suy giảm lượng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng, từ đó tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống tài chính quốc gia.

Thực hiện nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Bộ Tài chính đã tiến hành rà soát, đánh giá tổng thể Luật Thuế TNCN và nghiên cứu lập hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Thuế TNCN (thay thế) để báo cáo Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội xem xét sửa đổi, bổ sung theo Chương trình xây dựng luật của Quốc hội, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam, cũng như thông lệ quốc tế.

Nhiều nội dung sau khi được cấp có thẩm quyền thông qua sẽ góp phần giảm nghĩa vụ thuế cho người nộp thuế, đảm bảo phù hợp với định hướng cải cách hệ thống chính sách thuế nói chung, thuế thu nhập cá nhân nói riêng được xác định trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng và Nhà nước.

Cụ thể như điều chỉnh tăng mức giảm trừ gia cảnh đối với người nộp thuế phù hợp với sự thay đổi về mức sống, chỉ số giá và các chỉ số kinh tế vĩ mô trong giai đoạn vừa qua và dự báo cho giai đoạn tới đây;

Sửa đổi, bổ sung về các khoản đóng góp từ thiện, nhân đạo được giảm trừ cũng như các khoản giảm trừ đặc thù khác khi xác định thu nhập tính thuế để thể chế hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong việc thúc đẩy sự phát triển các lĩnh vực như y tế, giáo dục;

Điều chỉnh các mức thuế suất cũng như khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế của Biểu thuế lũy tiến từng phần;

Bổ sung các quy định về miễn, giảm thuế nhằm thực hiện chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước đối với một số lĩnh vực ưu tiên, về thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển kinh tế - xã hội…

Bộ Tài chính cũng đang xem xét việc cải tiến thủ tục kê khai, quyết toán thuế TNCN để giảm bớt gánh nặng hành chính, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho cá nhân và doanh nghiệp trong quá trình thực hiện nghĩa vụ thuế.

Bộ Tài chính khẳng định, việc duy trì miễn thuế TNCN với lãi tiền gửi tiết kiệm và các cải cách thuế lần này nhằm bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong chính sách thuế, đồng thời phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội hiện nay. Sau khi có ý kiến chính thức từ các bộ, ngành và địa phương, Bộ sẽ hoàn thiện hồ sơ và trình Chính phủ trước khi báo cáo Quốc hội xem xét thông qua.

Khánh Hân (t/h)

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bo-tai-chinh-de-xuat-tiep-tuc-mien-thue-doi-voi-lai-tien-gui-tiet-kiem-205250221100844694.htm