Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc: Thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế

Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, để khơi thông dòng vốn đầu tư công, yếu tố then chốt vẫn là đơn giản hóa thủ tục ở tất cả các bước, các khâu liên quan đến dự án.

bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-thuc-day-canh-tranh-binh-dang-giua-cac-thanh-phan-kinh-te-1707281907.PNG
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Nhân dịp Tết Giáp Thìn 2024, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã chia sẻ với Đời sống và Pháp luật (ĐS&PL) về kết quả đạt được trong năm 2023 và những cơ hội, thách thức đối với nền kinh tế nước nhà trong thời gian tới.

“Quả ngọt” điều hành ngân sách năm 2023

- ĐS&PL: Xin Bộ trưởng chia sẻ về chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân, khơi thông nội lực của nền kinh tế trong năm 2023?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Với vai trò và trách nhiệm của mình, Bộ Tài chính đã chủ động nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền và ban hành theo thẩm quyền nhiều giải pháp trong lĩnh vực tài chính với tổng quy mô hỗ trợ khoảng 200.000 tỷ đồng trong năm 2023.

Trong số đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Quốc hội giảm 2% thuế suất thuế VAT từ ngày 1/7/2023 đến hết ngày 31/12/2023 đối với hầu hết các mặt hàng đang áp dụng mức thuế suất thuế VAT 10%. Dự kiến số tiền thuế được giảm khoảng 24.000 tỷ đồng.

Một chính sách tiêu biểu khác là Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 12 gia hạn thời hạn nộp thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2023 đối với doanh nghiệp, tổ chức và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh. Theo đó, dự kiến số tiền thuế, tiền thuê đất được xem xét gia hạn là hơn 110.000 tỷ đồng.

Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ nêu trên thể hiện sự đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân của Bộ Tài chính trong bối cảnh nguồn thu NSNN bị ảnh hưởng lớn nhưng vẫn phải đảm bảo nhu cầu chi cho các hoạt động thường xuyên, đảm bảo nguồn vốn cho đầu tư phát triển.

Tôi cho rằng đây là một dấu ấn đặc biệt quan trọng, thể hiện rõ vai trò tích cực, hiệu quả của chính sách tài khóa trong ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế.

Nhờ đó, ước thu NSNN năm 2023 vượt khoảng 5% so với dự toán. Dù số thuế miễn giảm nhưng thu ngân sách năm nay vượt khoảng 9 - 10% so với dự toán Quốc hội giao. Đáng chú ý, cả ngân sách Trung ương và ngân sách địa phương đều vượt thu so với dự toán.

Giải quyết các điểm nghẽn

- ĐS&PL: Đầu tư công tiếp tục là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong năm 2023, tuy nhiên, tỉ lệ giải ngân không được như kỳ vọng. Bộ trưởng có suy nghĩ thế nào về tình trạng này cũng như kiến nghị các giải pháp?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2023, tổng vốn đầu tư công nguồn NSNN được đưa vào nền kinh tế nhiều nhất trong các năm vừa qua với 711.684 tỷ đồng, tăng 22,1% so với năm 2022.

Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng việc giải ngân vốn đầu tư công trong thời gian qua chưa được như kỳ vọng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Trong đó, có tình trạng mâu thuẫn, chồng chéo, áp dụng thiếu thống nhất một số quy định pháp luật.

Đặc biệt, còn tình trạng cán bộ, công chức, viên chức, có biểu hiện né tránh, sợ trách nhiệm. Tình trạng thiếu đất, cát và nguyên nhiên vật liệu thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến kết quả giải ngân chưa được như kỳ vọng.

Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, tạo động lực phát triển kinh tế, tôi cho rằng yếu tố then chốt vẫn là hoàn thiện các các quy định của pháp luật theo hướng đồng bộ, phù hợp với thực tế, tăng cường phân cấp đi đôi với kiểm tra, giám sát, đơn giản hóa thủ tục ở tất cả các bước, các khâu liên quan đến dự án đầu tư công.

bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-thuc-day-canh-tranh-binh-dang-giua-cac-thanh-phan-kinh-te-2-1707282174.PNG
Để khơi thông dòng vốn đầu tư công, yếu tố then chốt vẫn là đơn giản hóa thủ tục.

- ĐS&PL: Với vai trò là Tư lệnh ngành, Bộ trưởng có dự báo thế nào về tình hình kinh tế đất nước năm 2024 và để đạt mục tiêu tăng trưởng mà Quốc hội đề ra, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục tham mưu gì cho Chính phủ trong công tác điều hành?

- Bộ trưởng Hồ Đức Phớc: Năm 2024, nền kinh tế - xã hội có những thách thức đan xen, dự báo khó khăn sẽ nhiều hơn thuận lợi. Vấn đề khó khăn đặt ra cho năm 2024 là phải sử dụng chính sách tài khóa hợp lý để vừa thúc đẩy kinh tế, vừa đảm bảo giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Vì vậy, mức độ nới lỏng cần được tính toán, cân nhắc thận trọng để đạt được đa mục tiêu nói trên, trong đó mục tiêu ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát vẫn được coi là mục tiêu ưu tiên hàng đầu.

Để đạt được các mục tiêu đề ra, chúng tôi sẽ triển khai quyết liệt một số nhóm giải pháp. Trước hết, thường xuyên theo dõi, dự báo đúng tình hình kinh tế thế giới và trong nước, không để bị động, bất ngờ. Tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thu NSNN, tăng cường quản lý thu, phấn đấu hoàn thành dự toán thu được giao ở mức cao nhất đảm bảo nguồn lực thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Quản lý chi NSNN chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng NSNN; tiếp tục cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia,… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn.

Đảm bảo sự vận hành ổn định, an toàn của thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế.

ĐS&PL: Xin cảm ơn Bộ trưởng đã dành thời gian chia sẻ.

Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024.

Tú Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bo-truong-bo-tai-chinh-ho-duc-phoc-thuc-day-canh-tranh-binh-dang-giua-cac-thanh-phan-kinh-te-2059407.htm