Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế gỡ khó cho 11 dự án BOT giao thông

Bộ Xây dựng vừa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho 11 dự án BOT giao thông.

Bộ Xây dựng vừa có văn bản báo cáo Thủ tướng cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc cho 11 dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) thua lỗ. Trong đó, có đề xuất bổ sung quy định cho phép dùng vốn Nhà nước hỗ trợ trong giai đoạn khai thác.

Cụ thể, thực hiện kết luận của Chính phủ, Bộ đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các địa phương rà soát tổng thể các dự án BOT đang gặp khó khăn, xây dựng danh mục gồm 11 dự án có vướng mắc lớn, bao gồm 8 dự án do Bộ quản lý và 3 dự án của địa phương.

Bộ Xây dựng đã tổ chức đàm phán với nhà đầu tư, ngân hàng tín dụng để thống nhất về giải pháp tháo gỡ (dự kiến bố trí vốn Nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng 6 dự án, bổ sung vốn Nhà nước hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng 5 dự án), xác định trách nhiệm chia sẻ của các bên và hoàn chỉnh Đề án tháo gỡ vướng mắc dự án BOT giao thông.

Năm 2024, khi soạn thảo Luật PPP (đối tác công tư) sửa đổi, Bộ Xây dựng đề xuất bổ sung hai chính sách, bố trí vốn Nhà nước để chấm dứt hợp đồng sớm và hỗ trợ vốn trong giai đoạn khai thác để tiếp tục hợp đồng. Tuy nhiên, Luật PPP sửa đổi (Luật số 57/2024/QH15) chỉ chấp thuận chính sách đầu tiên, còn chính sách hỗ trợ trong giai đoạn khai thác chưa được đưa vào luật.

Bộ Xây dựng đề xuất cơ chế gỡ khó cho 11 dự án BOT giao thông- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Bộ Xây dựng cho rằng, với các dự án chấm dứt hợp đồng, đã đủ cơ sở pháp lý để triển khai; cơ quan có thẩm quyền sẽ xác định giá trị vốn Nhà nước và trình cấp có thẩm quyền bố trí vốn thanh toán.

Đối với các dự án cần bổ sung vốn Nhà nước trong giai đoạn khai thác, do Luật PPP sửa đổi chưa quy định, cần trình Quốc hội ban hành nghị quyết hoặc bổ sung vào luật để có cơ sở thực hiện.

Ngày 9/4/2025 Bộ Xây dựng tiếp tục chủ trì, phối hợp với NHNN tổ chức họp đàm phán với các bên có liên quan. Kết quả đàm phán đến nay cho thấy, đối với nhóm 5/11 dự án bố trí vốn Nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng, cơ bản các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng thống nhất cơ chế chia sẻ rủi ro.

Đối với nhóm 6/11 dự án bố trí vốn Nhà nước thanh toán để chấm dứt hợp đồng, một số nhà đầu tư đề xuất chỉ giảm một phần lợi nhuận; tất cả các tổ chức tín dụng đề nghị không hồi tố khoản lãi vay nhà đầu tư đã thanh toán cho ngân hàng, giảm một phần lãi vay, chưa phù hợp với Thông báo số 270/TB-VPCP.

Đáng chú ý, Chính phủ đã có Tờ trình số 169/TTr-CP ngày 5/4/2025 gửi Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị điều chỉnh chương trình lập pháp năm 2025, trong đó có nội dung sửa đổi Luật Đấu thầu và Luật PPP.

Nếu Luật PPP sửa đổi được bổ sung quy định về vốn Nhà nước hỗ trợ giai đoạn khai thác, Bộ Xây dựng cho rằng sẽ có đủ điều kiện để tháo gỡ vướng mắc không chỉ với 11 dự án hiện tại mà còn với các dự án BOT tương tự trong tương lai.

Bộ Xây dựng đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung quy định "vốn Nhà nước tham gia, hỗ trợ dự án BOT giai đoạn khai thác" trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu thầu, Luật PPP để trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Bộ này cam kết sẽ phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để hoàn chỉnh dự thảo Luật, đồng thời tiếp tục cập nhật, hoàn thiện Đề án tháo gỡ vướng mắc và trình Chính phủ xem xét thông qua.

Mai Linh (t/h)

Phạm Thị Tâm

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bo-xay-dung-de-xuat-co-che-go-kho-cho-11-du-an-bot-giao-thong-205250423020636115.htm