CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội tiền thân là Tổ hợp dịch vụ Vận tải – Vật tư nông nghiệp và Xây dựng Xuân Thuỷ do cố Chủ tịch Trần Văn Cường thành lập từ năm 1984.
Đầu những năm 2000, đón đầu chủ trương BOT, cố Chủ tịch Trần Văn Cường trở thành một trong số ít nhà quy hoạch, phát triển BĐS phía Bắc bằng việc triển khai dự án Khu đô thị tại Hải Dương, Nam Định, Hà Nội và Hà Tây (cũ).
Công ty chính thức hoạt động theo mô hình Tập đoàn với tên Công ty TNHH Tập đoàn Nam Cường từ tháng 12/2007 và đến tháng 8/2009 cổ phần hóa, đổi tên thành CTCP Tập đoàn Nam Cường Hà Nội như hiện tại.
Năm 2010, sau khi chủ tịch thời bấy giờ là ông Trần Văn Cường qua đời, vợ của ông là bà Lê Thị Thúy Ngà tiếp quản tập đoàn từ đó đến hiện nay.
Cùng với đó, con gái của ông Cường và bà Ngà là Trần Thị Quỳnh Ngọc cũng bắt đầu tham gia vào các hoạt động kinh doanh của gia đình từ năm 2010.
Được biết, Trần Thị Quỳnh Ngọc sinh năm 1990 và có 8 năm tu nghiệp tại Anh ngành Địa lý Kinh tế. Cô được biết đến là một người yêu thích thiên nhiên, nghệ thuật và những hoạt động xã hội. Nhưng dưới những lời khuyên và sự ảnh hưởng từ bố, Quỳnh Ngọc đã chọn đi theo con đường bất động sản. Bà Quỳnh Ngọc nổi tiếng khi trở thành Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn Nam Cường khi mới ở tuổi 20.
Tháng 4/2014, doanh nghiệp của bà Ngà lọt top 20 gia đình kinh doanh hàng đầu tại Việt Nam, theo Forbes Việt Nam.
Tại lần thay đổi đăng ký doanh nghiệp vào tháng 12/2016, Nam Cường có vốn điều lệ 4.500 tỷ đồng. Trong đó, bà Ngà sở hữu đến 94% (4.320 tỷ đồng) và bà Ngọc nắm 3% (135 tỷ đồng).
Dưới sự lèo lái của 2 “nữ tướng”, Nam Cường tiếp tục vững vàng đi qua những thách thức, củng cố tiềm lực. Bên cạnh việc duy trì và đảm bảo những quy hoạch đô thị được vạch ra từ thời ông Trần Văn Cường để tạo lập nên những khu đô thị có quy hoạch chuẩn mực, đồng bộ, đáng sống, Nam Cường giai đoạn này cũng để lại nhiều công trình thực sự tạo dấu ấn mạnh mẽ.
Trong những thành quả của Tập đoàn dưới thời Chủ tịch Lê Thị Thúy Ngà không thể không nhắc đến những công trình biểu tượng như: Khách sạn 4 sao hiện đại ở Nam Định, Công viên Thiên văn học - công viên chủ đề Thiên văn học đầu tiên tại Đông Nam Á, những trục đường khai mở, hiện đại.
Trong đó, Công viên Thiên Văn học – công viên chủ đề đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á được khởi công vào tháng 7/2017 tại KĐT Dương Nội, với tổng diện tích là 12 ha, trong đó diện tích mặt nước là 6 ha. Dự án nằm ở nút giao giữa đường Ngô Thì Nhậm kéo dài và Lê Quang Đạo kéo dài. Đây là công trình cộng đồng phi lợi nhuận, được Nam Cường đầu tư trở thành địa điểm tham quan, vui chơi có giá trị cao cả về mặt tri thức lẫn giải trí của khu vực Hà Đông nói riêng, Hà Nội nói chung.
Mới đây nhất, ngày 19/7/2022, Tập đoàn Nam Cường đã tổ chức Lễ động thổ dự án Khu đô thị du lịch sinh thái Đảo Ngọc – Hải Dương có diện tích hơn 50,2 ha. Dự án nằm trong Phân khu B, Khu Thương mại – Du Lịch – Văn hoá và Đô thị mới phía Tây thành phố Hải Dương. Trước đó, tháng 5/2022, Tập đoàn Nam Cường đã tổ chức Lễ động thổ Dự án khu nghỉ dưỡng tại phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Đây là dự án nghỉ dưỡng hỗn hợp, tiêu chuẩn quốc tế, có tổng mức đầu tư ước tính gần 700 tỷ đồng.
Bên cạnh lĩnh vực chính là bất động sản, Nam Cường Group cũng tham gia đầu tư BOT giao thông khi góp 55% vốn tại Công ty TNHH BOT Đường 188 – chủ đầu tư dự án BOT đường 188 đoạn An Thái – Mạo Khê (Hải Dương – Quảng Ninh), tổng chiều dài 14,74 km.
Theo công bố trên website, Tập đoàn Nam Cường Hà Nội hiện có 9 công ty con gồm: CTCP Xây dựng và Thương mại Đông Hải, CTCP Phát triển Hạ tầng Đô thị Evergreen, CTCP Thiết bị và Vật tư Nam Cường, Công ty TNHH Thí nghiệm và Kiểm định Công trình NDT, CTCP Đầu tư và Xây dựng Đô thị, Công ty TNHH Quản lý và Dịch vụ Khu đô thị Nam Cường, CTCP Du lịch Dịch vụ Nam Cường, Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển Nam Cường Phú Quốc, và CTCP Sàn Bất động sản Nam Cường.
Trải qua nhiều thăng trầm, với những thách thức từ thị trường, cho đến nội tại doanh nghiệp, hay những thay đổi về chính sách, nhưng đến nay, Nam Cường vẫn giữ vị thế nhà quy hoạch, phát triển bất động sản, với chiến lược phù hợp, tiềm lực bền vững.
Năm 2022, Nam Cường báo lãi sau thuế 1.168 tỷ đồng. Mặc dù giảm 29% so với năm 2021 nhưng đây vẫn là con số mơ ước của các doanh nghiệp bất động sản trong bối cảnh thị trường khó khăn.
Nửa đầu năm 2023, tập đoàn này lãi sau thuế gần 195 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của Nam Cường tại ngày 30/6/2023 đạt mức 7.887,7 tỷ đồng.
Hà Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/bong-hong-quyen-luc-dua-tap-doan-nam-cuong-vung-buoc-tao-lap-gia-tri-rieng-20514716.htm