Bức xúc phí hoa hồng, tài xế Uber tự đặt 'luật rừng', đề xuất mức giá cao hơn ít nhất 50%, từ chối những khách muốn thanh toán bằng ứng dụng

Khách hàng ban đầu phản đối việc trả giá cao hơn, song giờ đây đã dần quen với điều này.

Charles làm tài xế Uber ở Nairobi đã gần 5 năm. Thời gian trở lại đây, thu nhập khá khó khăn bởi giá xăng cao bắt đầu ăn mòn.

Thế rồi vào tháng 5, người đàn ông này đã tìm ra giải pháp. Tổ chức tài xế trực tuyến Kenya (OOD) — một liên minh đăng ký với khoảng 15.000 thành viên — đã bắt đầu lưu hành biểu đồ giá cước đề xuất với mức giá cao hơn ít nhất 50% so với giá cước chính thức của Uber. Nó cho phép tài xế gọi xe yêu cầu mức giá tốt hơn từ khách hàng.

Charles hiện tính phí hành khách theo biểu đồ của OOD, ưu tiên những khách hàng chọn phương thức thanh toán thay thế như tiền mặt hoặc dịch vụ ngân hàng di động. Ông chủ động từ chối những khách hàng muốn thanh toán bằng ứng dụng Uber.

Biểu đồ giá cước được ép nhựa, dán phía sau ghế lái. Mặc cả không phải là điều mới mẻ đối với các tài xế ở Kenya, song bảng thẻ giá cước đã phần nào chính thức hóa chi phí.

Charles cho biết ban đầu, khách hàng phản đối việc trả giá cao hơn, song giờ đây, khi bảng giá của OOD đã trở nên phổ biến trên khắp Nairobi, họ đã quen dần với điều này. Justin Nyaga, chủ tịch của OOD, tin rằng đây là một hình thức phản kháng “đầy tính hòa bình” nhằm chống lại Uber.

“Chúng tôi đã cố gắng nói chuyện với Uber về việc điều chỉnh giá, nhưng vô ích, vì vậy chúng tôi quyết định tự mình giải quyết vấn đề để thúc đẩy họ thảo luận về các điều khoản của chúng tôi”, ông nói với Rest of World .

Trong một tuyên bố gửi đến Rest of World , Imran Manji, giám đốc Uber khu vực Đông và Nam Phi, cho biết việc yêu cầu thanh toán vượt quá mức giá ước tính của ứng dụng là vi phạm nguyên tắc. “Chúng tôi khuyến khích tất cả hành khách báo cáo những trường hợp như vậy. Hiện chúng tôi đang xem xét các trường hợp”, Manji cho biết.

Theo báo cáo năm 2023 của Fairwork chuyên nghiên cứu nền tảng, tài xế Uber trên toàn cầu luôn phàn nàn về thu nhập thấp. Mark Graham, giám đốc Fairwork cho biết có vẻ như động lực của các tài xế taxi Kenya đến từ mong muốn kiếm sống một cách đàng hoàng.

“Cuối cùng, những tài xế này cần phải trả phí nhiên liệu và bảo hiểm”, Graham nói. “Họ cũng phải nuôi gia đình và thường là trụ cột chính trong nhà. Nếu thấy Uber không đưa ra mức thu nhập công bằng, việc cùng nhau đứng lên đảm bảo quyền lợi là điều dễ hiểu”.

Vào tháng 9 năm 2022, việc chính phủ Kenya xóa bỏ trợ cấp nhiên liệu đã khiến giá xăng đạt mức cao kỷ lục. Ngay cả sau khi trợ cấp được áp dụng trở lại 1 năm sau đó, chi phí nhiên liệu tại Kenya vẫn rất cao.

Bức xúc phí hoa hồng, tài xế Uber tự đặt 'luật rừng', đề xuất mức giá cao hơn ít nhất 50%, từ chối những khách muốn thanh toán bằng ứng dụng - Ảnh 1.

Nyaga cho biết giá cước của Uber không theo kịp mức tăng chi phí này và điều đó khiến tài xế khó có thể trang trải cuộc sống. Khi Uber vào Kenya vào tháng 1 năm 2015, 1 lít xăng có giá 94,06 shilling (73 xu). Tháng này, giá đã tăng gần gấp đôi.

Tài xế taxi Kenya đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình trong 2 năm qua, yêu cầu Uber giảm phí hoa hồng. Tháng 10/2022, công ty quyết định hạ từ mức 25% xuống 18%.

“Uber thường xuyên cập nhật giá để đảm bảo tài xế tiếp tục có cơ hội tối đa hóa thu nhập khi lái xe trên ứng dụng Uber và đồng thời, vẫn duy trì mức giá phải chăng cho hành khách”, một phát ngôn viên của Uber cho biết với Rest of World. Uber đã tăng giá cước lần cuối vào ngày 19 tháng 8, người phát ngôn cho biết.

“Điều này được thực hiện sau khi xem xét cẩn thận các điều kiện thị trường cũng như sau khi nhận được phản hồi từ tài xế”.

Bảng giá OOD có lợi cho tài xế, nhưng hành khách ngày càng cảm thấy thất vọng.

Duncan Ndung'u, một doanh nhân ở Nairobi thường xuyên sử dụng Uber để đưa con đi học, chia sẻ với Rest of World rằng anh thường dành vài phút trước mỗi chuyến đi để đàm phán căng thẳng với tài xế.

“Khi tôi yêu cầu, tài xế sẽ hỏi tôi có muốn trả nhiều hơn mức ứng dụng đề xuất không, và khi tôi từ chối, tôi phải yêu cầu 2-3 lần trước khi tìm được người sẵn sàng đưa đón tôi. Thật tốn thời gian”, Ndung'u nói. “Không gì khiến tôi bực bội hơn việc dành thời gian thương lượng với tài xế”.

Ông cho biết xếp hạng Uber của mình đã giảm trong những ngày gần đây. Việc ông từ chối đáp ứng yêu cầu của tài xế có thể là một trong những lý do.

Tại thành phố ven biển Mombasa, một số người đã chuyển sang các ứng dụng như Little Cab và Yego, nơi tính giá cao hơn cho hành khách nhưng đổi lại, tài xế không phải chia nhiều hoa hồng. Sự thay đổi diễn ra sau khi công đoàn không thể thuyết phục Uber thay đổi các chính sách về giá. Vào tháng 6 năm 2023, 600 tài xế ở Mombasa được cho là đã ký thỏa thuận với Yego - công ty hứa hẹn giảm hoa hồng để mạng lợi cho tài xế.

Được biết, Uber lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận hàng năm vào ngày 7/2/2024. Đây được coi là cột mốc quan trọng đối với công ty cung cấp dịch vụ gọi xe và đồ ăn nhanh có trụ sở tại San Francisco, vốn nổi tiếng “chảy máu” tiền mặt trong quá trình tăng trưởng bằng mọi giá.

“Với sự nghiêm ngặt về chi phí và cách tiếp cận phân bổ vốn cân bằng, chúng tôi đã có vị thế tốt để duy trì lợi nhuận”, Giám đốc điều hành Dara Khosrowshahi cho biết trong bài phát biểu. “Kỳ vọng sẽ ngày càng cao hơn”.

Uber được thành lập vào năm 2009, nổi lên trong thời kỳ lãi suất thấp giúp vốn đầu tư mạo hiểm được luân chuyển tự do. Dưới phong cách lãnh đạo có phần thô bạo của đồng sáng lập và Giám đốc điều hành lúc bấy giờ là Travis Kalanick, công ty chi rất nhiều tiền lôi kéo tài xế và khách hàng tham gia ứng dụng dịch vụ ô tô theo yêu cầu. Điều này giúp dịch vụ cho thuê xe trở nên dễ tiếp cận hơn, đi kèm với tính năng mới tiện lợi và riêng tư chỉ trong vài phút.

Theo: Rest of World, WSJ

Vũ Anh

C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/buc-xuc-phi-hoa-hong-tai-xe-uber-tu-dat-luat-rung-de-xuat-muc-gia-cao-hon-it-nhat-50-tu-choi-nhung-khach-muon-thanh-toan-bang-ung-dung-205240509150459253.htm