Cả thế giới tranh nuôi nhưng chỉ Việt Nam tạo nên ngành công nghiệp tỷ đô từ "mỏ vàng" này - chiếm 95% thị phần toàn cầu

Mặt hàng này của Việt Nam chiếm hơn 95% thị phần xuất khẩu toàn cầu trong 2 thập kỷ.

Cả thế giới tranh nuôi nhưng chỉ Việt Nam tạo nên ngành công nghiệp tỷ đô từ "mỏ vàng" này - chiếm 95% thị phần toàn cầu  - Ảnh 1.

Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, tháng 5/2025, kim ngạch xuất khẩu cá tra Việt Nam đạt 189 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 5 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu cá tra đạt 829 triệu USD, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2024.

Cá tra mã HS03 chiếm 97,4% tỷ trọng trong tổng cá tra Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường, đạt 808 triệu USD, tăng 10%. Trong đó, cá tra phile đông lạnh mã 0304 tăng mạnh 11%, tiếp tục là động lực xuất khẩu chính. Cá tra chế biến mã HS 06 tuy chỉ chiếm 2,6% nhưng tăng trưởng mạnh mẽ 64% - cho thấy tiềm năng gia tăng giá trị qua chế biến sâu.

Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), trong 2 thập kỷ qua, cá tra Việt Nam đã vươn lên trở thành mặt hàng thủy sản xuất khẩu chủ lực, chiếm hơn 95% thị phần cá tra thương mại toàn cầu. 

Mặc dù hiện nay nhiều quốc gia như Ấn Độ, Bangladesh, Indonesia, Ai Cập và Trung Quốc cũng phát triển nuôi loài cá da trơn này, nhưng cá tra Việt Nam vẫn là lựa chọn ưu tiên của các nhà nhập khẩu lớn trên thế giới. Đây không chỉ là sự lựa chọn từ thói quen, mà là kết quả của một chuỗi giá trị hoàn thiện, tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế và sự đồng bộ trong chiến lược ngành hàng.

VASEP cho biết, tùy theo biến động thị trường, sản lượng cá tra thương phẩm Việt Nam mỗi năm đạt khoảng 1,5 - 1,7 triệu tấn, với kim ngạch xuất khẩu trung bình từ 1,6 - 2,3 tỷ USD/năm. Việt Nam hiện cung ứng hơn 90% cá tra phile đông lạnh cho toàn thế giới. Trong khi, sản lượng của các nước khác như Ấn Độ (khoảng 300.000 - 400.000 tấn/năm), Bangladesh hay Ai Cập chủ yếu phục vụ thị trường nội địa hoặc xuất thô sang các thị trường dễ tính.

Điều này khẳng định vị thế không thể thay thế của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành hàng cá tra.

Không chỉ giới hạn trong sản phẩm phile đông lạnh, Việt Nam đã phát triển danh mục sản phẩm từ cá tra cực kỳ đa dạng: cá tra cắt khúc, viên cá, chả cá, cá tra cuộn, cá nướng đóng gói, cá hấp đông lạnh, dầu cá tra, collagen cá tra,... Các sản phẩm phụ phẩm như da cá, bong bóng, mỡ cá cũng được tận dụng tối đa để phục vụ ngành chế biến thức ăn chăn nuôi, dược phẩm và mỹ phẩm.

Việc tận dụng phụ phẩm đã giúp tăng thêm 15–20% giá trị gia tăng cho mỗi tấn cá tra chế biến – một lợi thế rõ ràng so với các nước đối thủ vốn vẫn còn bán thô hoặc chưa tận dụng hết tiềm năng từ một con cá.

Hiện, hàng trăm vùng nuôi và nhà máy chế biến cá tra tại Việt Nam đã được cấp chứng nhận ASC (Aquaculture Stewardship Council), BAP (Best Aquaculture Practices), GlobalG.A.P, ISO 22000, HACCP, BRC... giúp sản phẩm dễ dàng thâm nhập vào các thị trường khó tính như EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và các hệ thống siêu thị quốc tế như Carrefour, Costco, Metro, Whole Foods,...

Nhờ quy trình nuôi thâm canh, kiểm soát thức ăn chặt chẽ, công nghệ hiện đại và quy mô sản xuất lớn, giá thành sản xuất cá tra Việt Nam ổn định ở mức rất cạnh tranh, trong khi vẫn đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm.

VASEP nhận định, trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu khốc liệt, cá tra Việt Nam vẫn vững vàng dẫn đầu nhờ một ngành công nghiệp được đầu tư bài bản, hiện đại và bền vững. Từ nuôi trồng đến chế biến, kiểm soát chất lượng và chính sách hỗ trợ – tất cả đã tạo nên thương hiệu “Cá tra Việt Nam” uy tín, khó thay thế trên bản đồ thủy sản thế giới.

Minh Ngọc

Nguyễn Đức Hải

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ca-the-gioi-tranh-nuoi-nhung-chi-viet-nam-tao-nen-nganh-cong-nghiep-ty-do-tu-mo-vang-nay-chiem-95-thi-phan-toan-cau-205250702182430382.htm