Cổ phần hóa các Cienco: Cienco 5 bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cổ phần hóa

Cienco 5 thực hiện công tác cổ phần hóa từ năm 2014 theo chỉ đạo của Bộ GTVT. Tuy nhiên, cổ phần hóa Cienco 5 còn vướng nhiều sai phạm liên quan đến xác định giá trị doanh nghiệp, dẫn đến làm giảm giá trị vốn nhà nước hơn 63,6 tỷ đồng.

Ngày 22/11/2024, Thanh tra Chính phủ đã công bố văn bản số 2414/TB-TTCP thông báo Kết luận thanh tra việc tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp cổ phần hóa sang kinh doanh đất, xây dựng nhà ở giai đoạn 2011 - 2021 tại Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT).

Đáng chú ý, kết luận thanh tra chỉ ra nhiều sai phạm liên quan đến công tác thực hiện cổ phần hóa tại 15 tổng công ty do Bộ GTVT quyết định thành lập, trong đó có Tổng công ty Xây dựng Công trình Giao thông 5 (Cienco5). 

Cienco 5 thực hiện cổ phần hóa như thế nào?

Năm 2014, Bộ Giao thông vận tải tiến hành cổ phần hóa hàng loạt doanh nghiệp họ Cienco, trong đó Cienco 5 là một trong những doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa.

Tại bản công bố thông tin bán đấu giá cổ phiếu lần đầu năm 2014, số vốn nhà nước cần bán bớt tại Cienco 5 được xác định bằng tổng số vốn nhà nước tại doanh nghiệp trừ phần vốn nhà nước tương ứng 35% vốn điều lệ, số vốn nhà nước cần bán bớt là hơn 284,5 tỷ đồng, tương ứng hơn 28,45 triệu cổ phần.

Ngày 24/3/2014, Cienco 5 đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO). Theo kế hoạch ban đầu, doanh nghiệp dự kiến IPO 14,2 triệu cổ phần, tương đương 32,38% vốn điều lệ. Tuy nhiên, kết thúc phiên đấu giá Cienco 5 mới chỉ phát hành thành công hơn 1,9 triệu cổ phần cho 8 nhà đầu tư, trị giá hơn 19,2 tỷ đồng.

Cổ phần hóa các Cienco: Cienco 5 bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cổ phần hóa- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Năm 2015, Cienco 5 tiếp tục đưa ra đấu giá 10,176 triệu cổ phần, giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần, giá khởi điểm của cả lô cổ phần là hơn 101,86 tỷ đồng. Trong đợt đấu giá này, có 3 nhà đầu tư đủ điều kiện tham giam giá đấu giá gồm Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát, Công ty Cổ phần Đầu tư Nam Trí, Công ty Cổ phần Đầu tư Hạ tầng kỹ thuật TP. Hồ Chí Minh (CII).

Theo báo cáo tài chính riêng năm 2018 của Đầu tư Hải Phát ghi nhận khoản chi phí phải trả dài hạn cho Công ty Cổ phần Đầu tư Hải Phát Thủ Đô hơn 202,2 tỷ đồng. Đây là khoản đầu tư theo hợp đồng số 342/2015/HĐ-UQ, ủy quyền cho Đầu tư Hải Phát mua cổ phần các Tổng công ty kinh doanh nghề xây dựng công trình giao thông đã được cổ phần hóa phát hành thông qua các hình thức hợp pháp mà pháp luật cho phép. Số cổ phần ủy quyền mua tối đa là 10,176 triệu cổ phần mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần, tổng giá trị chuyển nhượng tối đa không quá 210 tỷ đồng. Số cổ phần này trùng khớp với số cổ phần mà Cienco 5 đã bán đấu giá năm 2015.

Cơ cấu cổ đông tại ngày 31/10/2019 có các cổ đông sở hữu từ 5% cổ phần tại Cienco 5 gồm Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sở hữu 17,56 triệu cổ phần, tương đương 40% vốn; Đầu tư Hải Phát sở hữu hơn 16,98 triệu cổ phần, tương đương 38,68% vốn; Đầu tư Hải Phát Thủ Đô sở hữu hơn 6,8 triệu cổ phần, tương đương 15,5% vốn tại Cienco 5.

Năm 2020, SCIC thực hiện bán đấu giá công khai toàn bộ 7,56 triệu cổ phần của Cienco 5, tương đương 40% vốn điều lệ. Mức giá khởi điểm là 19.300 đồng/cổ phần, được tính theo phương pháp tài sản và phương pháp tỷ số bình quân. Phiên đấu giá được tổ chức tại Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX).

Mục đích của SCIC về việc chuyển nhượng vốn tại Cienco 5 nhằm cơ cấu danh mục đầu tư theo chủ trương thoái vốn đầu tư của SCIC tại các doanh nghiệp mà nhà nước không cần giữ cổ phần.

Ngày 20/3/2020, phiên đấu giá diễn ra thu hút sự quan tâm của 2 nhà đầu tư tổ chức, khối lượng cổ phần đăng ký mua đạt 35,12 triệu cổ phần, gấp 2 lần khối lượng cổ phần chào bán. Mức giá đặt mua cao nhất là 19.500 đồng/cổ phần, ngược lại mức giá đặt mua thấp nhất là 19.400 đồng/cổ phần.

Kết thúc phiên đấu giá, SCIC đã bán hết toàn bộ 17,56 triệu cổ phần cho 1 nhà đầu tư tổ chức với giá đấu thành công bình quân 19.500 đồng/cổ phần. Tổng giá trị cổ phần bán được đạt hơn 342 tỷ đồng.

Ngày 22/4/2020, Đầu tư Hải Phát thông qua chủ trương chuyển nhượng 23,18% vốn điều lệ Cienco 5 cho Đầu tư Hải Phát Thủ Đô khi số cổ phần này đủ điều kiện chuyển nhượng theo quy định của phát luật. Theo đó, tại ngày 31/12/2020, tỷ lệ sở hữu vốn của Đầu tư Hải Phát tại Cienco 5 giảm xuống còn 15,5%.

Theo công bố thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp ngày 29/1/2021, vốn điều lệ của Cienco 5 được nâng từ 439 tỷ đồng với 40% nguồn vốn ngân sách nhà nước và 60% nguồn vốn tư nhân, lên mức 539 tỷ đồng với 100% nguồn vốn tư nhân, tương đương 53,9 triệu cổ phần phổ thông.

Đến thời điểm ngày 13/9/2022, vốn điều lệ của Cienco 5 đang ở mức 596,015 tỷ đồng, 100% là nguồn vốn tư nhân, ông Nguyễn Văn Phương, Chủ tịch Hội đồng quản trị và ông Lê Quang Vinh, Tổng Giám đốc cùng là Người đại diện theo pháp luật của công ty. Cùng thời điểm này, ông Nguyễn Văn Phương đang giữ chức vụ Phó Chủ tịch HĐQT tại Đầu tư Hải Phát, 

Tính đến thời điểm ngày 30/9/2024, Đầu tư Hải phát vẫn đang sở hữu 15,5% vốn điều lệ tại Cienco 5, tương đương giá trị vốn hơn 113,5 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cổ phần hóa tại Cienco 5

Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, khi thực hiện công tác cổ phần hóa Cienco 5 phê duyệt Đầu tư Nam Trí tham gia đầu tư chiến lược khi chưa đảm bảo hồ sơ tiêu trí lựa chọn, có năng lực hoạt động trong lĩnh vuẹc xây dựng mới được thời gian 5 năm, chưa có nhiều uy tín, thương hiệu trong ngành, kinh nghiệm quản trị và điều hành các dự án xây dựng, cũng như hồ sơ năng lực về nhân sự, máy móc thi công của công ty rất hạn chế, nhiều máy móc thiết bị phải đi thuê.

Theo báo cáo tài chính năm 2011, Đầu tư Nam Trí ghi nhận vốn chủ sở hữu 10 tỷ đồng, nợ phải trả 214 tỷ đồng, chiếm 94,6% tổng nguồn vốn; năm 2012 ghi nhận vốn chủ sở hữu 45 tỷ đồng, nợ phải trả 167 tỷ đồng chiếm 78% tổng nguồn vốn. Do đó chưa đáp ứng yêu cầu về lựa chọn nhà đầu tư chiến lược.

Cổ phần hóa các Cienco: Cienco 5 bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm trong cổ phần hóa- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Đồng thời, khi xác định giá trị doanh nghiệp Cienco 5 đã không đưa công nợ của Công ty Xây dựng Công trình Giao thông 506 vào giá trị doanh nghiệp, trong khi công ty này chưa có quyết định của Tòa án tuyên bố phá sản và cũng không làm rõ nguyên nhân để xử lý làm giảm giá trị vốn nhà nước khi xác định giá trị doanh nghiệp tại thời điểm 30/6/2013 với số tiền hơn 56,7 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng Điều 15 Nghị định số 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ và điểm c khoản 2.2 Điều 9 Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ tài chính.

Cienco5 khi xử lý tài chính, có một số thiết bị quản lý đã xử lý thanh lý, hủy khi mới đưa vào sử dụng, không đưa vào danh mục thiết bị đang dùng để xác định giá trị doanh nghiệp với nguyên giá gần 373,4 triệu đồng và giá trị còn lại hơn 264,2 triệu đồng.

Khi xử lý tài chính để chính thức chuyển sang công ty cổ phần, Bộ GTVT và Cienco5 đã không xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân đối với việc phát sinh chênh lệch giảm giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần với giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại thời điểm xác định giá trị doanh nghiệp của Công ty 529 là 29,87 tỷ đồng, Công ty 508 là 23,99 tỷ đồng là chưa thực hiện đúng với quy định tại khoản 4 điều 21 Nghị định 59/2011/NĐ-CP ngày 18/7/2011 của Chính phủ.

Cienco 5 thực hiện xác định giá trị doanh nghiệp khi 3 công ty con gồm Công ty TNHH MTV 508, Công ty Xây dựng và Sản xuất vật liệu Giao thông 529, Công ty TNHH MTV Xây dựng công trình 507 do Tổng công ty chiếm 100% vốn điều lệ chưa được phê duyệt giá trị doanh nghiệp là chưa thực hiện đúng với quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính.

Đồng thời, khi chuyển thành công ty cổ phần Cienco5 đã không đánh giá lại khoản đầu tư tài chính vào Công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng và Thương mại 577 là chưa thực hiện đúng với quy định tại điểm a khoản 3 Điều 10 Thông tư số 202/2011/TT-BTC ngày 30/12/2011 của Bộ Tài chính, qua tính toán làm giảm vốn nhà nước hơn 6,6 tỷ đồng.

Thanh tra Chính phủ nhận định, để xảy ra tồn tại nêu trên, trách nhiệm thuộc về Bộ GTVT, Ban chỉ đạo cổ phần hóa, Cienco 5 và Công ty Tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp.

Về việc quản lý sử dụng đất đai khi thực hiện cổ phần hóa, Cienco5 có cơ sở nhà đất số 77 Nguyễn Du, phường Thạch Thang, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng vi phạm Điều 67 Luật đất đai năm 2003, Điều 126 Luật đất đai năm 2013 và đã được Thanh trá Chính phủ nêu tại kết luận thanh tra só 2852/KL-TTCP ngày 2/11/2012 nhưng đến nay UBND thành phố Đà Nẵng và Cienco 5 chưa thực hiện, trách nhiệm này thuộc về UBND thành phố Đà Nẵng, Cienco5, Bộ GTVT.

Liên quan đến việc thoái vốn nhà nước, Cienco5 đã lựa chọn Đầu tư Hải Phát chưa đáp ứng tiêu chí của nhà đầu tư tham gia đấu giá có hợp đồng kinh tế từ 500 tỷ đồng trở lên là không thực hiện đúng với quy định tại Quyết định số 3678/QĐ-BGTVT ngày 15/10/2015 của Bộ GTVT, trách nhiệm này thuộc về Cienco5.

Trên cơ sở Kết luận thanh tra, Tổng Thanh tra Chính phủ kiến nghị Bộ GTVT xem xét trách nhiệm, bồi thường thiệt hại (nếu có) và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với việc giảm vốn, mất vốn nhà nước khi cổ phần hóa, thoái vốn. Trong đó, có cổ phần hóa làm giảm, mất vốn nhà nước tại Cienco5. Cụ thể, khi xử lý tài chính để cổ phần hóa làm giảm vốn nhà nước 63,6 tỷ đồng, gồm Công ty 506 là 56,99 tỷ đồng và tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Thương mại 577 là 6,6 tỷ đồng.

Đồng thời, UBND các tỉnh thành phố phối hợp cùng với Cienco5 để khẩn trương rà soát để hoàn thiện thủ tục pháp lý đối với những nhà đất có tồn tại nêu lên ở kết luận thanh tra.

Việc xử lý các nội dung kiến nghị nêu trên, các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị liên quan hoàn thành trong thời hạn 6 tháng kể từ ngày công khai Kết luận điều tra.

Khánh Hân

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cac-cienco-co-phan-hoa-cienco-5-bi-thanh-tra-chinh-phu-chi-ra-nhieu-sai-pham-trong-co-phan-hoa-205241121101503268.htm