Trong danh sách tỷ phú thế giới năm 2023 của Forbes, Việt Nam có 6 đại diện bao gồm: Chủ tịch Hội đồng quản trị Vingroup Phạm Nhật Vượng, CEO VietJet Air Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Hội đồng quản trị Hòa Phát Trần Đình Long, Chủ tịch Hội đồng quản trị Techcombank Hồ Hùng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Thaco Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng quản trị Masan Nguyễn Đăng Quang.
Đây đều là những doanh nhân đang vận hành các tập đoàn lớn với hệ sinh thái bao phủ nhiều ngành nghề. Những doanh nhân đứng đầy danh sách tỷ phú đa phần có một điểm chung là ít trực tiếp nắm giữ cổ phiếu, thay vào đó họ chuyển giao cổ phần sang các công ty đầu tư riêng.
Sau đó, thông qua những công ty đầu tư riêng để nắm giữ cổ phần gián tiếp tại tập đoàn của bản thân, việc này có thể giúp các doanh nhân có được nhiều lợi ích trong việc quản lý khoản đầu tư. Đây cũng là trường hợp phổ biến trên thế giới khi rất nhiều doanh nhân nước ngoài cũng sử dụng cách này để quản lý tài sản của mình.
Người đứng đầu danh sách người giàu nhất Việt Nam là Chủ tịch HĐQT VinGroup Phạm Nhật Vượng. Bên cạnh phần sở hữu trực tiếp của cá nhân, hiện phần lớn cổ phần của ông Vượng tại Vingroup được nắm giữ thông qua CTCP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Hiện nay, Tập đoàn Đầu tư Việt Nam là cổ đông lớn nhất tại Vingroup, với 32,57% tổng số cổ phần, tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ 17,87%, Công ty cổ phần Quản lý và đầu tư bất động sản VMI nắm 6,29% và bà Phạm Thu Hương (vợ ông Phạm Nhật Vượng) nắm 4,39%.
Tập đoàn Đầu tư Việt Nam được thành lập từ ngày 6/11/2007, có địa chỉ đăng ký kinh doanh tại Số 7, đường Bằng Lăng 1, KĐT sinh thái Vinhomes Riverside, Phường Việt Hưng, Quận Long Biên, Thành phố Hà Nội, Việt Nam.
Khác với Tập đoàn Đầu tư Việt Nam, VMI mới chỉ được ông Phạm Nhật Vượng thành lập vào giữa năm 2022. Ông Vượng đã góp hơn 243 triệu cổ phiếu VIC – tương đương khoảng 16.200 tỷ đồng vào VMI (theo thị giá trung bình 50 phiên tính đến 13/9/2022).
Theo đó, ông Phạm Nhật Vượng sẽ là cổ đông chính, chiếm 90% cổ phần của VMI và công ty này cũng sẽ trở thành cổ đông lớn của Tập đoàn Vingroup. Ông Phạm Nhật Vượng cam kết với giới truyền thông là sẽ duy trì đầu tư cũng như nắm quyền kiểm soát lâu dài trong công ty VMI.
Hay như ông chủ của Masan Group (HoSE: MSN) là tỷ phú USD Nguyễn Đăng Quang. Tại Masan Group, ông Quang chỉ sở hữu trực tiếp 18 cổ phiếu MSN nhưng ông lại sở hữu gián tiếp hàng trăm triệu cổ phiếu Masan thông qua hai pháp nhân là Công ty Cổ phần Masan (Masan Corp, MIC) và Công ty TNHH MTV Xây dựng Hoa Hướng Dương - công ty do Masan Corp sở hữu 100% vốn.
Masan Corp và Hoa Hướng Dương đang nắm giữ tổng cộng 44,63% cổ phần của Masan Group (tính đến ngày 31/12/2022). Ông Nguyễn Đăng Quang hiện là Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Tổng Giám đốc tại Masan Corp. Ngoài ra, nhiều chức danh lãnh đạo chủ chốt của Masan Corp cũng là người nằm trong ban điều hành của Masan Group.
Bạn thân của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang kiêm ông chủ của Techcombank (HoSE: TCB) - tỷ phú Hồ Hùng Anh cũng không trực tiếp sở hữu quá nhiều cổ phần tại ngân hàng này mà cổ đông lớn nhất hiện nay của Techcombank đang là Masan Group – nơi ông Hùng Anh đang là cổ đông.
Song, những thành viên trong gia đình ông Hồ Hùng Anh đang nắm giữ khoảng 600 triệu cổ phiếu TCB, trên tổng cộng khoảng 3,52 tỷ cổ phiếu TCB đang lưu hành, tương đương 17% vốn điều lệ của ngân hàng Techcombank, lớn hơn cả cổ đông lớn nhất là Massan.
Nữ tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo hiện cũng đang sở hữu gián tiếp cổ phần của CTCP Hàng không Vietjet (HoSE: VJC) qua Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny và Sovico Group.
Sovico Group do vợ chồng tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo khởi nghiệp từ thập niên 90 của thế kỷ trước. Tập đoàn này có vốn điều lệ 9.600 tỷ đồng, hình thành hệ sinh thái đa ngành từ tài chính, ngân hàng, hàng không, bất động sản đến công nghiệp.
Trong lĩnh vực ngân hàng, Sovico hiện là cổ đông lớn nhất nắm giữ 14,36% vốn HDBank (bao gồm cả HD Saison và HDBS). Trong ngành hàng không, Sovico cũng là cổ đông sáng lập góp vốn trực tiếp 7,59% vào hãng bay Vietjet.
Đối với Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny, công ty này được thành lập vào tháng 11/2016 với vốn điều lệ vỏn vẹn 1 tỷ đồng. Đến tháng 1/2017, ĐHCĐ Vietjet Air đã thông qua phương án phát hành 22.388.060 cổ phần riêng lẻ (tương đương 7,46% số cổ phần đang lưu hành) cho trực tiếp nhà đầu tư là Công ty TNHH Đầu tư Hướng Dương Sunny.
Với mức giá phát hành là 84.600 đồng/cổ phiếu, Hướng Dương Sunny đã phải chi ra 1.894 tỷ đồng để hoàn thành thương vụ trên.
Đến nay, công ty Hướng Dương Sunny đang sở hữu 154 triệu cổ phần tại Vietjet, tương đương 28,57% vốn điều lệ của doanh nghiệp và bà Phương Thảo hiện chỉ sở hữu trực tiếp 47 triệu cổ phần, tương đương 8,76% vốn.
Tại CTCP Ô tô Trường Hải (Thaco) của tỷ phú Trần Bá Dương, cổ đông lớn nhất tính đến năm 2018 là Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Trân Oanh với hơn 1 tỷ cổ phần, tương ứng 60,58% vốn của doanh nghiệp.
Ngoài làm Chủ tịch tại Thaco, ông Trần Bá Dương cũng là Chủ tịch HĐQT của Trân Oanh - công ty mẹ của Thaco. Bên cạnh đó, người đại diện theo pháp luật cho Trân Oanh là bà Viên Diệu Hoa - vợ của ông Trần Bá Dương.
Tại CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico, HoSE: HNG) cũng ghi nhận bóng dáng của Trân Oanh khi ghi nhận liên tục nhận chuyển nhượng cổ phần từ Chủ tịch Trần Bá Dương, đến nay công ty này cũng đang nắm giữ 54,9 triệu cổ phần, tương đương 4,96% vốn của HNG.
Trong khi nhiều doanh nhân khác lựa chọn góp vốn thông qua công ty trung gian thì Chủ tịch HĐQT CTCP Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG) Trần Đình Long là người hiếm hoi vẫn trực tiếp sở hữu toàn bộ số cổ phiếu của mình, tương đương 1,5 tỷ cổ phiếu HPG và chiếm 26,08% vốn tại doanh nghiệp này.
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cac-cong-ty-dau-tu-cat-giau-tai-san-cua-ty-phu-viet-2051880.htm