Các quả đấm thép trong tay Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước: Nắm giữ khối tài sản hàng triệu tỷ đồng, tổng doanh thu chiếm tới 20% GDP cả nước, vẫn có 2 đơn vị lỗ chục nghìn tỷ

Trước đó, tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Nhìn lại và Hướng tới” phía CMSC cho biết, tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước.

Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC) là cơ quan thuộc Chính phủ; được Chính phủ giao thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ và phần vốn nhà nước đầu tư tại công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên theo quy định của pháp luật.

Cụ thể, CMSC trực tiếp làm đại diện chủ sỡ hữu vốn nhà nước tại 19 doanh nghiệp bao gồm 7 tập đoàn lớn là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex); Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem); Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN); Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN); Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG); Tập đoàn Công nghiệp than khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT).

Cùng với đó là 11 tổng công ty bao gồm: Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Tổng Công ty Viễn thông MobiFone; Tổng Công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba); Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines); Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR); Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC); Tổng Công ty Cảng Hàng không (ACV); Tổng Công ty Cà phê Việt Nam (Vinacafe); Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2); Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood 1) và Tổng Công ty Lâm nghiệp Việt Nam (Vinafor).

Đây đều là những tập đoàn, những tổng công ty lớn hàng đầu cả nước.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, giá trị tổng tài sản hợp nhất của 17/19 Tập đoàn, Tổng công ty thuộc CMSC trừ Mobifone và VEC lên tới gần 2,39 triệu tỷ đồng, trong đó, chỉ riêng tổng tài sản của PVN đã hơn 1 triệu tỷ đồng. 

Trước đó, tại Tọa đàm “Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp: “Nhìn lại và Hướng tới” phía CMSC cho biết, tính riêng trong năm 2022, tổng doanh thu hợp nhất 19 tập đoàn, tổng công ty đạt 1,87 triệu tỷ đồng chiếm 20% GDP cả nước. Tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 103.309 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hợp nhất đạt 227.990 tỷ đồng.

photo-1720374990706

Tổng doanh thu thuần hợp nhất 17/19 doanh nghiệp đạt khoảng 1,77 triệu tỷ đồng, chủ yếu đến từ PVN với gần 517.000 tỷ và EVN hơn 500.000 tỷ. Ngoài ra, 2 doanh nghiệp khác cũng có doanh thu thuần hơn 100.000 tỷ đồng là Petrolimex (khoảng 274.000 tỷ) và Vinacomin (gần 142.000 tỷ).

photo-1720375023800

Trong số các doanh nghiệp CMSC làm đại diện chủ sở hữu, PVN là doanh nghiệp có quy mô lớn nhất. Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của PVN vượt mức hơn 1 triệu tỷ đồng, tăng 2,4% so với hồi đầu năm và là doanh nghiệp duy nhất không phải ngân hàng có quy mô tài sản vượt mốc 1 triệu tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu của PVN ở mức 532.000 tỷ.

Năm 2023, PVN ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 517.000 tỷ, giảm gần 8% so với cùng kỳ. Phần lớn doanh thu đến từ hoạt động thương mại và phân phối, chiếm 41% doanh thu chưa loại trừ nội bộ và hoạt động chế biến dầu khí, chiếm gần 26%. Lợi nhuận trước thuế gần 56.390 tỷ đồng, giảm 26% so với năm 2022.

Ngoại trừ PVN, có 1 doanh nghiệp khác có mức lợi nhuận trước thuế ở mức trên 10.000 tỷ đồng là ACV với 10.620 tỷ, sau đó là Vinacomin lãi 8.000 tỷ. Hầu hết các doanh nghiệp còn lại báo có lãi trước thuế trong năm 2023 khoảng vài nghìn tỷ đồng, trong đó Petrolimex, Vinachem, VRG Group và VNPT lãi trong khoảng 3.700 - 4.700 tỷ;...

photo-1720402845916

 Đáng chú ý, EVN và Vietnam Airlines báo lỗ. Cụ thể, trong năm vừa rồi, EVN lỗ trước thuế 25.565 tỷ đồng và Vietnam Airlines lỗ 5.362 tỷ đồng. 

Đối với Vietnam Airlines, tuy lợi nhuận đã cải thiện so với mức lỗ gần 11.000 tỷ đồng của năm 2022. Nhưng đây đã là năm thứ 4 liên tiếp doanh nghiệp hàng không này lỗ. Tính đến ngày 31/12/2023, lỗ lũy kế của Vietnam Airlines đã lên hơn 41.000 tỷ đồng. 

Sang năm 2024, hãng hàng không này đặt mục tiêu doanh thu đạt gần 106.000 tỷ đồng, tăng 13,6% so với cùng kỳ năm trước. Nếu hoàn thành kế hoạch, đây sẽ là mức doanh thu kỷ lục mà doanh nghiệp này đạt được trong lịch sử. Vietnam Airlines cũng dự kiến sẽ lãi sau thuế hơn 4.233 tỷ đồng trong năm 2023, trong đó lợi nhuận công ty mẹ sẽ ở mức 105 tỷ đồng. 

Đối với EVN, dù đạt doanh thu kỷ lục với 500.719 tỷ đồng, tăng 8,1% so với năm trước nhưng EVN lỗ trước thuế 25.565 tỷ đồng trong năm 2023, trong khi cùng kỳ năm ngoái lỗ trước thuế 18.613 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân thực trạng này, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, dù nỗ lực tiết giảm chi phí, giá bán lẻ điện được điều chỉnh hai lần nhưng vẫn không thể bù đắp được chi phí mua điện tăng cao, nên năm 2023 EVN không cân bằng được kết quả sản xuất kinh doanh. Với 2 năm liên tiếp lỗ nặng, hiện nay, EVN đang lỗ lũy kế hơn 41.800 tỷ đồng.

photo-1720374849975

Ngoài ra, dù đã có lãi trong năm 2023, một số doanh nghiệp do CMSC đại diện chủ sở hữu vẫn đang có số lỗ lũy kế hàng nghìn tỷ đồng như Vietnam Railways lỗ lũy kế 2.080 tỷ, Vinacafe lỗ lũy kế 1.090 tỷ, Vinafood 2 lỗ lũy kế 2.778 tỷ và VIMC lỗ lũy kế 240 tỷ.

Ngọc Điệp

Ngọc Điệp

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cac-qua-dam-thep-trong-tay-uy-ban-quan-ly-von-nha-nuoc-nam-giu-khoi-tai-san-hang-trieu-ty-dong-tong-doanh-thu-chiem-toi-20-gdp-ca-nuoc-van-co-2-don-vi-lo-chuc-nghin-ty-20517465.htm