Hơn 2 thập kỷ qua, Việt Nam đã trở thành mảnh đất đầu tư hấp dẫn và tiềm năng với nhiều thương hiệu F&B quốc tế. Không khó để liệt kê những thương hiệu toàn cầu đã và đang phát triển, nhân rộng tại Việt Nam như Starbucks, %Arabica Việt Nam, McDonald's, KFC,… Trong khi đó, Việt Nam cũng nổi tiếng là nơi có nền văn hóa ẩm thực phong phú, được đông đảo khách quốc tế đón nhận với cà phê, bánh mì, phở,… Tuy nhiên, con đường xuất ngoại của các thương hiệu F&B Việt Nam vẫn là hành trình không mấy dễ dàng.
Dẫu vậy, năm 2023 ghi nhận những tín hiệu đáng mừng khi nhiều thương hiệu lớn nhỏ của Việt Nam tự tin đặt chân đến các thị trường mới, trong đó chủ yếu hoạt động trong ngành cà phê.
Đáng chú ý nhất là sự kiện Trung Nguyên khai trương cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend tại Thượng Hải, đánh dấu bước tiến mới của Tập đoàn Trung Nguyên ở thị trường Trung Quốc. Trước đó, nước láng giềng này đã là thị trường xuất khẩu quen thuộc của tập đoàn nhưng chỉ dừng lại ở các sản phẩm cà phê hòa tan, đóng gói.
Sau khoảng 6 tháng hiện diện tại Thượng Hải, cửa hàng Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend đã lọt Top 1 quán cà phê toàn Thượng Hải hạng mục "Must Try" – Nhất định phải thử; Top 1 cửa hàng cà phê hot nhất tại đường Tây Nam Kinh trên ứng dụng Dazhongdianpin ( ứng dụng số 1 tại Trung Quốc đánh giá dịch vụ, địa điểm ăn uống ). Cuối năm 2022, Thế giới Cà phê Trung Nguyên Legend đạt 2 giải thưởng danh giá của thị trường Trung Quốc là "Quán Cà Phê Tốt Nhất năm 2022" và "Quán Cà Phê Nổi Tiếng Của Năm".
Đến tháng 7/2023, một năm sau lần đầu "đem chuông đi đánh xứ người", cửa hàng thứ hai của Trung Nguyên tiếp tục được mở tại Trung tâm thương mại One East, số 788, đường Zhong Shan Nan Yi, Thượng Hải.
Những không gian rộng tới vài trăm mét vuông của Trung Nguyên tại nước bạn không chỉ đơn thuần là nơi thưởng thức cà phê mà còn giới thiệu những phong cách thưởng lãm cà phê trên thế giới, đồng thời quảng bá văn hóa Việt. Mô hình Thế giới cà phê Trung Nguyên Legend này còn bán các món ăn đặc trưng như phở bò, bánh mì, bánh tráng cuốn tôm thịt, cuốn,…
Được biết, đây chỉ là những bước đi đầu tiên trong kế hoạch mở rộng 1.000 cửa hàng của Trung Nguyên tại Trung Quốc, theo hình thức nhượng quyền.
Một trường hợp đáng chú ý khác là Chi Pu. Sau khi tham gia một số hoạt động giải trí tương đối thành công tại Trung Quốc, Chi Pu đã thử sức kinh doanh F&B tại thị trường tỷ dân. Tháng 10/2023, Chi Pu khai trương cửa hàng phở La Ganh chỉ sau 4 tháng chuẩn bị, bán những bát phở được giới thiệu là chuẩn bị Bắc, có giá khoảng 300.000 đồng/bát. Nhờ sở hữu lượng người hâm mộ khá đông đảo sau chương trình "Tỷ tỷ đạp gió rẽ sóng", quán phở của cô cũng được đón nhận, nhiều người xếp hàng đứng chờ để được vào ăn. Thừa thắng xông lên, Chi Pu đã nhá hàng cho địa điểm thứ hai của La Ganh và tiết lộ muốn mở thêm nhiều cửa hàng nữa tại Trung Quốc.
Trong khi đó, năm 2023, thương hiệu Cộng Cà phê đã khai trương cửa hàng đầu tiên tại Toronto (Canada), đồng thời đánh dấu thị trường quốc tế thứ ba mà chuỗi cà phê này đặt chân tới. Chỉ mới đầu năm 2024, chuỗi này cũng mở thêm một cơ sở tại Hàn Quốc, nâng mạng lưới cửa hàng tại xứ sở kim chi lên con số 17. Hiện Cộng Cà Phê đã có tổng cộng 21 cửa hàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.
Năm 2023, Coffilia lại đi khai phá vùng đất mới ở vùng Vịnh, còn nhiều xa lạ với người Việt nhưng cũng hứa hẹn nhiều tiềm năng. Cửa hàng nước ngoài đầu tiên của Coffila chính thức đón khách vào tháng 10/2023, nằm ngay trong tầng 1 của Khách sạn biển Al-Kout, tỉnh Ahmadi. Đây cũng là thương hiệu Việt Nam đầu tiên có mặt tại quốc gia này. Cửa hàng Coffilia tại Khách sạn biển Al-Kout được khai trương trong thời điểm ngày càng nhiều người dân Kuwait lựa chọn Việt Nam làm điểm đến du lịch mới, do đó được kỳ vọng sẽ góp phần thu hút đông đảo du khách tiềm năng tại thị trường vùng Vịnh tìm hiểu về đất nước và con người Việt Nam hơn nữa.
Tại Việt Nam, Coffilia chưa phải cái tên nổi bật trong ngành F&B nhưng cũng được "đỡ đầu", khai sinh bởi Tập đoàn Cà phê Minh Tiến - một doanh nghiệp chuyên xuất khẩu cà phê arabica chất lượng cao.
Ngoài ra, mô hình Phở'S, trà sữa Phúc Tea đã ký kết nhượng quyền cho đối tác tại Philippines trong tháng 10/2023. Nếu Phở'S ngoài nguyên liệu là những vị truyền thống, đây là mô hình đầu tiên sử dụng sâm tại Việt Nam để nấu phở. Còn Phúc Tea, bên cạnh sử dụng các vị trà đặc biệt ở Việt Nam pha chế, đơn vị này còn biến tấu nhiều nông sản thành đồ uống tạo xu hướng trong thời gian qua. Mức phí nhượng quyền tại thị trường nước ngoài dao động 7.000-10.000 USD cho một cửa hàng (tùy quy mô). Hai doanh nghiệp này cho biết sẽ bắt đầu cùng đối tác mở cửa hàng nhượng quyền đầu tiên vào quý I/2024. Ngoài thị trường Philippines, các doanh nghiệp cho biết đang trong quá trình đàm phán hợp tác nhượng quyền tại Indonesia, Malaysia.
Hoàng Thùy