Đây là ý kiến được một đại biểu đưa ra tại Lễ công bố Báo cáo Thường niên FDI năm 2024 với chủ đề "Thu hút FDI vào công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ, đào tạo đội ngũ lao động có kỹ năng" ngày 16/4.
Ý kiến trên đã nhận được sự đồng tình của nhiều khách mời, chuyên gia tham dự lễ công bố báo cáo do Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) tổ chức. Trong đó, GS. TSKH Nguyễn Mại - Chủ tịch VAFIE đặc biệt ghi nhận và cho biết mong muốn sắp tới Việt Nam sẽ có bộ tiêu chí đánh giá về hiệu quả kinh tế - xã hội của khu vực đầu tư nước ngoài (FDI).
Trình bày tại sự kiện, GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch VAFIE - Chủ biên báo cáo đánh giá, Việt Nam tiếp tục là một ngoại lệ tích cực trong thu hút FDI, giữa bối cảnh toàn cầu và khu vực nhiều biến động.
Cụ thể, FDI thực hiện tại Việt Nam đạt 22 tỷ USD trong năm 2023 và chạm mốc 25 tỷ USD trong năm 2024 – những con số ấn tượng cho thấy dòng vốn quốc tế vẫn tiếp tục tin tưởng và lựa chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư dài hạn.
Vị chuyên gia cho rằng, khu vực FDI đã và đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế Việt Nam. Những nỗ lực cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và sự ổn định vĩ mô là nền tảng giúp Việt Nam thu hút dòng vốn chất lượng cao.
Theo ông Mại, báo cáo thường niên năm nay đã chỉ rõ xu hướng đầu tư mới mà doanh nghiệp nước ngoài ngày càng quan tâm là các ngành công nghiệp chiến lược như: bán dẫn, năng lượng tái tạo, công nghệ cao và đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Cụ thể, các doanh nghiệp đến từ Đan Mạch, Pháp, Bỉ, Hàn Quốc và Đài Loan đánh giá cao tiềm năng điện gió ngoài khơi tại Việt Nam; Nhật Bản thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới lĩnh vực năng lượng sạch; trong khi Hàn Quốc có kế hoạch đẩy mạnh đầu tư vào các ngành then chốt như bán dẫn, trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big Data) và năng lượng tái tạo.
GS.TSKH Nguyễn Mại cung cấp thông tin về Báo cáo Thường niên FDI năm 2024.
Dự báo về cơ hội thu hút FDI trong năm 2025, GS. Nguyễn Mại cho rằng, năm 2025 tình hình chính trị, kinh tế, thương mại và đầu tư thế giới biến động khó lường, tạo ra những thách thức đối với tăng trưởng kinh tế và thu hút FDI của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam vẫn được xem là hình mẫu thành công trong thu hút FDI nhờ thể chế và môi trường kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nền tảng chính trị ổn định và tiềm năng tăng trưởng kinh tế cao.
Trong đó, những lĩnh vực tại Việt Nam đang có sức hấp dẫn với nhà đầu tư nước ngoài đó là ngành công nghiệp bán dẫn, công nghệ tương lai, năng lượng sạch, khoa học và công nghệ...
Dẫn báo cáo của của Bộ phận nghiên cứu toàn cầu của Ngân hàng HSBC, ông Mại cho biết Việt Nam cùng với Singapore và Malaysia vượt trội trong ASEAN về thu hút FDI vào lĩnh vực công nghệ. Nhiều tập đoàn công nghệ đã ghi dấu ấn hoạt động đầu tư tại Việt Nam.
Đơn cử, Tập đoàn Apple của Mỹ đã hoàn tất việc chuyển 11 nhà máy sản xuất các thiết bị nghe nhìn vào Việt Nam. “Bộ ba” đối tác quen thuộc của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và Goertek cũng đồng loạt tăng vốn, mở rộng nhà máy ở Việt Nam. Với sự hợp tác của các doanh nghiệp công nghệ Mỹ, Việt Nam có khả năng khai thác, sản xuất chất bán dẫn ở quy mô lớn hơn.
Cần thêm các ưu đãi để hút FDI chất lượng cao
Từ những nền tảng trên, theo GS. Nguyễn Mại, để "nâng chất" dòng vốn ngoại, nhằm đạt được mục tiêu đến năm 2030, kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP, Việt Nam cần tập trung vào một số 4 yếu tố cơ bản.
Đầu tiên, tăng tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước cho nghiên cứu và phát triển (R&D), đổi mới sáng tạo, khuyến khích doanh nghiệp thành lập trung tâm R&D và chuyển giao công nghệ bằng chính sách ưu đãi thuế, hỗ trợ tài chính;
Thứ hai, thu hút các nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển các ngành công nghiệp mới như trí tuệ nhân tạo, công nghệ thông tin, các ngành nghề tạo ra nhiều giá trị gia tăng...
Thứ ba, tập trung đầu tư đào tạo công dân thế hệ số, cải cách giáo dục và đào tạo để lớp công dân mới có tri thức, kỹ năng và thích ứng với mô hình tăng trưởng kinh tế tuần hoàn và kinh tế số.
Cuối cùng, có chính sách thu hút chuyên gia người Việt Nam và người nước ngoài có kiến thức và kỹ năng trong các ngành nghề ưu tiên phát triển trên.
Bên cạnh đó, để "nâng chất" cho dòng vốn ngoại, Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng dựa vào công nghệ hiện đại và nhân lực chất lượng cao, tăng năng lực cạnh tranh quốc gia. Đồng thời, giảm thiểu thủ tục cấp phép, triển khai các dự án đầu tư, tăng cường hỗ trợ nhà đầu tư, doanh nghiệp khi gặp khó khăn.
Người viết tổng hợp, theo báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài.
Đưa ra dẫn chứng, Chủ tịch VAFIE cho biết, trong những năm gần đây, Quốc hội, Chính phủ đã tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện các luật đã có, kịp thời ban hành một số luật mới để thích ứng với linh tế số, kinh tế tuần hoàn, Nghị định về thực thi thuế tối thiểu toàn cầu tại Việt Nam.
Tuy vậy, tình trạng phổ biến là thời gian soạn thảo luật, Nghị định khá dài, khi Quốc hội thông qua luật thì phải chờ Nghị định, Thông tư. Vì vậy, ông kiến nghị đổi mới quy trình xây dựng pháp luật theo hướng thực hiện chức năng của Quốc hội là cơ quan lập pháp, soạn thảo và ban hành luật pháp với nội dung hoàn chỉnh đủ điều chỉnh các hoạt động kinh tế, xã hội.
Ông lấy ví dụ, trong bối cảnh kinh tế bị ảnh hưởng bởi chính sách của Mỹ, các công ty Hàn Quốc sẽ có xu hướng mở rộng đầu tư vào công nghệ thông tin, phát triển phần mềm và AI. Tuy nhiên, để Việt Nam thu hút FDI từ Hàn Quốc ở những lĩnh vực then chốt như công nghiệp bán dẫn, AI, Big Data, năng lượng sạch, Chính phủ cần có chính sách ưu đãi về thuế, nới lỏng các quy định, tăng thêm ưu đãi cho nhà đầu tư...
Tuấn Việt
Đàm Thị Thuý Vân