Đầu tháng 3/2024, UBND tỉnh Lạng Sơn đã có Tờ trình số 23/TTr – UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về việc đề nghị hỗ trợ nguồn vốn ngân sách Trung ương để đảm bảo phương án tài chính, tháo gỡ khó khăn vướng mắc tại Dự án BOT đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn đoạn Km45+100 - Km108+500, kết hợp tăng cường mặt đường Quốc lộ 1 đoạn Km1+800 - Km106+500, tỉnh Bắc Giang và tỉnh Lạng Sơn (gọi tắt là dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn).
Tại tờ trình này, UBND tỉnh Lạng Sơn đề nghị Thủ tướng xem xét, đồng ý chủ trương hỗ trợ từ nguồn ngân sách Trung ương khoảng 5.600 tỷ đồng (không quá 50% theo giá trị kiểm toán, quyết toán của Dự án) để bù đắp dòng tiền thâm hụt trong thời gian thu phí hoàn vốn đảm bảo phương án tài chính và đảm bảo vận hành, khai thác ổn định của dự án.
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2167/TTg-KTN ngày 30/10/2014.
Trên cơ sở đó, Bộ GTVT phê duyệt Dự án tại Quyết định số 1249/QĐ-BGTVT ngày 9/4/2015. UBND tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận bàn giao quyền và nghĩa vụ của Cơ quan nhà nước có thẩm quyền từ Bộ GTVT từ ngày 25/5/2018.
Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, nguồn vốn của nhà đầu tư, vốn huy động tín dụng từ ngân hàng Vietinbank, không có hỗ trợ vốn ngân sách nhà nước. Đến nay, toàn bộ các công trình thuộc Dự án đã hoàn thành, đảm bảo tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư, cơ quan có thẩm quyền nghiệm thu, Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng chấp thuận kết quả nghiệm thu.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, trong quá trình thực hiện, vận hành dự án có một số thay đổi (giảm 1 trạm thu phí, miễn giảm một số đối tượng thu phí, tăng trưởng lưu lượng xe thấp hơn dự báo ban đầu, bổ sung quy mô dự án...) ảnh hưởng tới phương án tài chính của dự án. Các khó khăn, vướng mắc này của Dự án đã được Kiểm toán nhà nước chỉ ra tại Thông báo số 09/TB-KTNN2 ngày 16/1/2020.
Cụ thể, theo phương án tài chính ban đầu, Dự án được thu phí hoàn vốn tại 2 trạm trên Quốc lộ 1 (tại Km 24+800 và Km93+160) và các trạm trên tuyến cao tốc, dự kiến doanh thu của Dự án là 93 tỷ đồng/tháng.
Trong quá trình triển khai do các yếu tố khách quan dẫn đến doanh thu thu phí hiện nay của Dự án chỉ còn khoảng 30 tỷ đồng/tháng, đạt khoảng 32% phương án tài chính ban đầu, dẫn đến thâm hụt dòng tiền hoàn vốn của Dự án, không đủ chi trả gốc và lãi phát sinh đối với ngân hàng cho vay vốn.
Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thành Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng theo hình thức BOT để kết nối đồng bộ thông tuyến đến TP. Lạng Sơn và cửa khẩu Hữu Nghị theo kế hoạch; mặt khác việc ảnh hưởng của dịch COVID-19, chính sách biên mậu của Trung Quốc đối với các cửa khẩu dẫn đến tốc độ tăng trưởng lưu lượng và phân bổ lưu lượng phương tiện trên tuyến cao tốc không đảm bảo như dự báo trong phương án tài chính được phê duyệt.
UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, các nguyên nhân trên đã làm thay đổi các thông số đầu vào của dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ và vận hành dự án.
Thời gian vừa qua, doanh nghiệp dự án đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Lạng Sơn xem xét hỗ trợ bù đắp từ ngân sách nhà nước để dự án vận hành khai thác bình thường. Tuy nhiên đối với đề nghị hỗ trợ ngân sách nhà nước khoảng 5.600 tỷ đồng, tương ứng khoảng 49% tổng vốn đầu tư theo giá trị dự kiến quyết toán (khoảng 11.356 tỷ đồng), vượt quá khả năng ngân sách của địa phương.
Mặt khác hiện tỉnh cũng đang phải bố trí khoảng 2.500 tỷ đồng vốn ngân sách địa phương để hỗ trợ cho Dự án tuyến cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng. Các khó khăn, vướng mắc nêu trên đã làm ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng trả nợ, hiệu quả kinh tế - xã hội, kéo dài thời gian thu phí.
Trước khi xảy ra tình trạng "vỡ" phương án tài chính nêu trên, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn gặp không ít trắc trở, thậm chí là "chết hụt" khi phải thay đổi chủ đầu tư và vướng mắc về dòng tiền của chủ đầu tư...
Dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn có điểm đầu dự án Km 45+100 (giao QL 1, Sao mai, Chi Lăng, Lạng Sơn), điểm cuối Km108 + 500, nối với điểm cuối dự án QL 1 đoạn Hà Nội - Bắc Giang. Tổng chiều dài tuyến cao tốc 63,86 Km. Dự án có tổng mức đầu tư 12.188 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu là 1.294 tỷ đồng, vốn vay 10.894 tỷ đồng.
Tháng 5/2015, Bộ GTVT quyết định lựa chọn chủ đầu tư là liên danh: CTCP Đầu tư UDIC - Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC - Công ty CP đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành - Công ty CP đầu tư 468 - Công ty CP giao thông xây dựng số 1 - Công ty TNHH xây dựng Mỹ Đà thực hiện.
Chỉ 2 tháng sau khi tìm được chủ đầu tư, tức tháng 7/2015, dự án được khởi công xây dựng với kỳ vọng hoàn thành vào cuối năm 2018. Đáng nói, sau khi khởi công dự án gần như bị đình trệ do các cổ đông góp vốn không hoàn thành nghĩa vụ tài chính.
Cụ thể, tháng 9/2015, liên danh được lựa chọn làm chủ đầu tư góp vốn thành lập doanh nghiệp dự án là Công ty CP BOT Bắc Giang - Lạng Sơn với vốn điều lệ ban đầu 500 tỷ đồng. Các cổ đông sáng lập gồm: CTCP Đầu tư 468 góp 40%, CTCP Đầu tư - UDIC góp 40%, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà và CTCP Giao thông xây dựng số 1 mỗi pháp nhân góp 10%.
Sau khi động thổ chưa đầy 1 tháng, Công ty TNHH MTV Đầu tư SCIC rút khỏi dự án mà không công bố lý do chính thức. Cơ cấu cổ đông sáng lập BOT Bắc Giang - Lạng Sơn thể hiện rõ điều đõ. Tiếp đến, Công ty CP Đầu tư và Xây dựng giao thông Phương Thành dần thoái vốn và cũng không có tên trong danh sách cổ đông sáng lập.
Đến tháng 8/2016, doanh nghiệp tăng vốn điều lệ từ 526 tỷ đồng lên mức 1.293,8 tỷ đồng. Tỷ lệ góp vốn của các cổ đông lúc này gồm: CTCP Đầu tư 468 chiếm 38%, CTCP Đầu tư - UDIC chiếm 38%, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà chiếm 9,5% và CTCP Giao thông xây dựng số 1 chiếm 9,5%. Điều này có nghĩa là sau 1 năm khởi công, chủ đầu tư mới góp đủ vốn chủ sở hữu thực hiện dự án đúng như cam kết.
Sau khi Bộ GTVT chấm dứt hợp đồng với liên danh nhà thầu ban đầu, tháng 4/2017, CTCP Tập đoàn Đèo Cả của Chủ tịch Hồ Minh Hoàng "giải cứu" dự án giải quyết các vướng mắc về tài chính.
Cụ thể, ngày 6/5/2017, Tập đoàn Đèo Cả đã ký hợp đồng chuyển nhượng cổ phần cá nhân của ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần đầu tư UDIC (Dương UDIC). Việc này được thực hiện trên cơ sở yêu cầu của Bộ Giao thông Vận tải tại Thông báo số 132/TB-BGTVT ngày 19/4/2017 về kết luận của Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa trong buổi làm việc về Dự án Cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn.
Theo đó, giá trị ông Nguyễn Văn Dương chuyển nhượng cổ phần sở hữu cho Tập đoàn Đèo Cả là 329,787 tỷ đồng và Tập đoàn Đèo Cả đã chuyển vào tài khoản cá nhân của ông Nguyễn Văn Dương số tiền 270 tỷ đồng.
Số tiền mua cổ phần mà Tập đoàn Đèo Cả chưa thanh toán hết còn lại là 59,787 tỷ đồng là do ông Nguyễn Văn Dương chưa thực hiện hết các cam kết của hợp đồng.
Sau thương vụ trên, ông Hồ Minh Hoàng đảm nhiệm chức Chủ tịch HĐQT BOT Bắc Giang - Lạng Sơn.
Tuy nhiên, tháng 7/2017, Chủ tịch UDIC Nguyễn Văn Dương bị bắt vì tội "Tổ chức đánh bạc" và "Rửa tiền" đã kéo theo hàng loạt lùm xùm pháp lý về nguồn tiền của chủ đầu tư dự án.
Đến tháng 5/2018, cơ cấu cổ đông BOT Bắc Giang - Lạng Sơn có sự xáo trộn khi CTCP Giao thông xây dựng số 1 rút vốn, CTCP Đầu tư - UDIC giảm tỷ lệ góp vốn từ 80% xuống 59%, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà vẫn giữ nguyên 10% còn tỷ lệ sở hữu của CTCP Đầu tư 468 không được tiết lộ.
Cũng trong thời gian này, Thủ tướng đồng ý chuyển cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tại dự án Bắc Giang - Lạng Sơn từ Bộ GTVT về UBND tỉnh Lạng Sơn. Việc này nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết vấn đề về dự án nâng cấp cải tạo Quốc lộ 1 nằm trong dự án này, đặc biệt là vấn đề thu phí.
Cuối tháng 5/2018, dự án BOT Bắc Giang - Lạng Sơn lại tăng vốn lên 1.893,8 tỷ đồng. Cơ cấu cổ đông lúc này gồm: CTCP Đầu tư - UDIC nắm 57,1%, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà nắm 6,8%, tỷ lệ sở hữu của CTCP Đầu tư 468 vẫn không được tiết lộ.
Tuy nhiên, chỉ một thời gian ngắn sau đến đầu tháng 6/2018, doanh nghiệp lại giảm vốn điều lệ về còn 1.293,8 tỷ đồng, gồm CTCP Đầu tư - UDIC nắm 60,5%, Công ty TNHH Xây dựng Mỹ Đà nắm 10%, tỷ lệ sở hữu của CTCP Đầu tư 468 vẫn không được tiết lộ.
Có thể thấy trong giai đoạn 2015-2018, UDIC là cổ đông góp vốn lớn nhất cho dự án. Thời điểm đó, cơ quan điều tra đường dây đánh bạc qua mạng hàng nghìn tỷ đồng liên quan đến Nguyễn Văn Dương - Phan Sào Nam khẳng định, nguồn tiền mà UDIC đầu tư vào dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn thực chất do ông Nguyễn Văn Dương có được từ hoạt động rửa tiền đánh bạc.
Ngày 12/3/2019, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn lại vướng lùm xùm lần thứ hai khi HĐXX TAND cấp cao tại Hà Nội kiến nghị CA Phú Thọ tiếp tục điều tra giai đoạn 2 vụ án đường dây đánh bạc online của ông Nguyễn Văn Dương và Phan Sào Nam đối với Tập đoàn Đèo Cả. HĐXX đề nghị cơ quan điều tra làm rõ thông tin về việc Tập đoàn Đèo Cả có liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương hay không?
Ngày 14/3/2019, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ đã có văn bản số 41/CAT-ANĐT khẳng định: “Tập đoàn Đèo Cả không liên quan đến hành vi rửa tiền của Nguyễn Văn Dương”.
Cụ thể, căn cứ biên bản làm việc ngày 14/3/2019 qua quá trình điều tra, Cơ quan An ninh điều tra - Công an tỉnh Phú Thọ và Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ thống nhất xác định: Tập đoàn Đèo Cả có ký hợp đồng mua cổ phần của Nguyễn Văn Dương tại Công ty cổ phần đầu tư UDIC. Việc mua cổ phần này không phải là hành vi giúp sức cho Nguyễn Văn Dương rửa tiền.
Cùng ngày, Tập đoàn Đèo Cả đã nộp số tiền 59,7 tỷ đồng còn lại từ việc chuyển nhượng cổ phần vào tài khoản của Cục thi hành án dân sự tỉnh Phú Thọ mở tại Kho bạc Nhà nước tỉnh Phú Thọ.
Hơn hai năm sau sự tham gia của nhà đầu tư mới và sự tích cực tháo gỡ khó khăn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được thông xe kỹ thuật vào tháng 9/2019 rồi nghiệm thu hoàn thành hợp phần cao tốc sau đó 3 tháng.
Đến đầu tháng 12/2019, Chủ tịch Hồ Minh Hoàng rời đi và người đại diện pháp luật BOT Bắc Giang - Lạng Sơn lúc này là Chủ tịch Lưu Xuân Thủy và Tổng giám đốc Vũ Minh Hoàng.
Tháng 1/2020, dự án được đưa vào vận hành và khai thác miễn phí phục vụ người dân dịp Tết Canh Tý. Tháng 2/2020, cơ quan chức năng thực hiện đánh giá hệ thống thu phí an toàn giao thông, lưu lượng,... đảm bảo các điều kiện vận hành lâu dài.
Chỉ 1 tháng sau, UBND tỉnh Lạng Sơn ban hành Quyết định số 264/QĐ-UBND thống nhất Công ty cổ phần BOT Bắc Giang - Lạng Sơn, được phép điều chỉnh mức thu phí hợp phần quốc lộ 1 tại trạm thu phí Km93+160 và tổ chức thu phí sử dụng dịch vụ cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, từ 00 giờ ngày 18/2/2020.
Đến tháng 7/2020, BOT Bắc Giang - Lạng Sơn tiếp tục nâng vốn điều lệ lên 1.375,8 tỷ đồng, cơ cấu cổ đông không được tiết lộ.
Đáng chú ý hồi tháng 7/2021, trong văn bản kiểm toán các dự án đầu tư theo hình thức BOT, BT, Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra sai sót tại dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn. Trong đó, tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến, chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh...
Cụ thể, hợp đồng BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn quy định cơ quan nhà nước có thẩm quyền tạm ứng cho nhà đầu tư bằng 40%, tương ứng với giá trị phần vốn nhà nước do nhà đầu tư tổ chức thực hiện không đúng quy định.
Một số yếu tố trong phương án tài chính đã thay đổi trong quá trình thực hiện dự án, song nhà đầu tư và cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chưa điều chỉnh hợp đồng BOT.
Tại dự án này, chi phí sửa chữa thường xuyên, định mức, trung tu và đại tu chưa phù hợp. Kiểm toán chỉ rõ, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn chi phí thường xuyên tăng 0,34 tỷ đồng; chi phí trung tu tăng 41 tỷ đồng; chi phí đại tu tăng 77,9 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, còn tình trạng giải ngân vốn vay và vốn góp chủ sở hữu chậm so với dự kiến trong phương án tài chính; chưa cập nhật vào phương án tài chính thu nhập từ lãi tiền gửi phát sinh. Đơn cử, dự án cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn, năm 2019 và 2020 là 10,9 tỷ đồng.
KTNN cũng cho rằng, khi dự án xuất hiện nhiều yếu tố thay đổi, ảnh hưởng đến tính khả thi dự án, các bên chưa xem xét, kịp thời trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh. Dù đã đưa dự án vào vận hành, nhưng các bên chưa thỏa thuận dự toán chi phí quản lý thu phí làm cơ sở thực hiện, chậm lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ thu phí tự động không dừng.
Tháng 2/2022, dưới thời Chủ tịch Phùng Tiến Thành và Tổng giám đốc Nguyễn Quang Dũng, Bắc Giang - Lạng Sơn tiếp tục tăng vốn điều lệ lên 1.495,8 tỷ đồng.
Đến tháng 4/2023, lúc này Tổng giám đốc là ông Nguyễn Quang Vĩnh, Bắc Giang - Lạng Sơn tiếp tục nâng vốn lên 1.597,8 tỷ đồng. Cập nhật mới nhất đến tháng 3/2024, vốn điều lệ doanh nghiệp là 1.780,4 tỷ đồng.
Hiện cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn được coi là tuyến đường huyết mạch nối hành lang kinh tế quan trọng Hà Nội - Lạng Sơn và là 1 trong 7 tuyến cao tốc xuyên tâm kết nối với thủ đô Hà Nội.
Cuối năm 2023, Tập đoàn Đèo Cả tiếp tục được lựa chọn là nhà đầu tư cao tốc cửa khẩu Hữu Nghị - Chi Lăng (tiếp nối cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn) với chiều dài 43km.
Dự án này có tổng mức đầu tư được phê duyệt là 11.179 tỷ đồng, hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT). Trong đó, vốn nhà đầu tư thu xếp khoảng 6.179 tỷ đồng (chiếm 55,27% tổng mức đầu tư). Vốn nhà nước khoảng 5.000 tỷ đồng (chiếm 44,73%), trong đó vốn ngân sách trung ương 2.500 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh 2.500 tỷ đồng.
Hà Ly