Vốn vẫn là bài toán khó nhất
Năm 2023 là một năm đầy khó khăn không chỉ với điều hành kinh tế của Chính phủ mà còn với hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp.
Mặc dù, các chỉ số vĩ mô trong tháng 8 và tháng 9 vừa qua đã bắt đầu xuất hiện tín hiệu phục hồi, tuy vậy, đây mới chỉ là tia sáng vừa thắp lên trong bức tranh chung nhiều gam màu tối từ đầu năm.
Còn rất nhiều thách thức đến từ bối cảnh quốc tế cũng như các vấn đề nội tại trong nước đang chưa thực sự có lời giải. Khó khăn của doanh nghiệp vẫn hiện hữu ở nhiều ngành, nhiều khía cạnh.
Kết quả sơ bộ từ nghiên cứu báo cáo tài chính của gần 1.600 doanh nghiệp trong 10 ngành cụ thể mà Ban IV đang tiến hành, cho thấy, doanh thu của các ngành đều giảm từ giữa năm 2022 đến nay, nghiêm trọng nhất là hai ngành Bất động sản và xây dựng.
Đến hết quý II/2023, tình hình vẫn chưa được cải thiện mặc dù có một số dấu hiệu sáng hơn từ thị trường. Doanh thu 6 tháng đầu năm 2023 của 8/10 ngành đều thấp hơn cùng kỳ năm 2022, chỉ có ngành Công nghệ thông tin là tăng quy mô và ngành Hàng và dịch vụ tiêu dùng giữ nguyên quy mô doanh thu so với cùng kỳ.
Đặc biệt, phần lớn doanh nghiệp Việt có đặc trưng là vốn chủ sở hữu mỏng, các hoạt động dựa nhiều trên vốn vay. Do đó, khi huy động vốn gặp khó khăn, doanh nghiệp sẽ ngay lập tức gặp khó khăn và ảnh hưởng đến hoạt động. Trong bối cảnh suy giảm đơn hàng, khó huy động vốn qua trái phiếu, cổ phiếu, khó tiếp cận vốn vay ngân hàng, dòng tiền trở thành vấn đề cấp thiết nhất của doanh nghiệp.
Một số ngành có tỉ lệ nợ/vốn chủ sở hữu lớn thì càng gặp khó khăn đơn cử như Xây dựng; Hàng và dịch vụ tiêu dùng; Bất động sản và Vật liệu xây dựng.
Điều đáng nói là khi so sánh chi phí lãi vay so với lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp thì thấy tỉ lệ rất đáng kể. Cụ thể, trong năm 2022, ngành xây dựng có tỉ lệ chi phí lãi vay so với lợi nhuận cao nhất, lên đến 375%, tiếp đó là Hàng và dịch vụ tiêu dùng 44,8% và bất động sản 40,2%.
Điều này hàm ý, khi kinh doanh, doanh nghiệp chịu rủi ro chính nhưng thành quả được hưởng không nhiều, bị xói mòn do chi phí tài chính nên không có tích lũy để tái đầu tư.
Trong số các ngành, thì xây dựng và bất động sản là hai lĩnh vực mà các doanh nghiệp gặp vấn đề lớn nhất về dòng tiền khi số ngày phải thu và số ngày tồn kho tăng lên nhiều lần.
Do đó, từ khó khăn và nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp, có thể khẳng định nhóm chính sách quan trọng nhất hiện tại chính là giảm áp lực dòng tiền cho doanh nghiệp và giúp doanh nghiệp tối ưu dòng tiền.
Những điều cần làm ngay
Từ kết quả nghiên cứu của Ban IV, chúng tôi cho rằng trong giai đoạn cuối năm 2023 và nửa đầu năm 2024 cần phải tập trung vào một số giải pháp mang tính cấp bách sau:
Thứ nhất, tập trung thực thi các chính sách hỗ trợ dòng tiền, giảm áp lực dòng tiền như hỗ trợ tiếp cận vốn và giãn, giảm chi phí cho doanh nghiệp. Trong cơ cấu chi phí của doanh nghiệp, chi phí vận hành là trách nhiệm của doanh nghiệp và để cứu mình, nhiều doanh nghiệp đã phải chủ động cắt giảm chi phí, giảm quy mô hoạt động và quy mô lao động.
Các phần chi phí khác như chi phí lãi vay, chi phí thuế - phí, chi phí bảo hiểm xã hội, kinh phí công đoàn 2% quỹ lương... nằm trong không gian chính sách của Nhà nước.
Do đó, Chính phủ có thể trọng tâm thực hiện các chính sách giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn hiệu quả; giãn, giảm chi phí, tạo dòng tiền ngắn hạn ít nhất trong nửa cuối năm 2023 (hoặc nửa đầu năm 2024 tùy độ trễ của chính sách). Để thực hiện hiệu quả các biện pháp này, cần có cách tiếp cận vừa tổng thể về hỗ trợ doanh nghiệp vừa phải phân tích bài toán theo từng ngành, lĩnh vực cụ thể.
Thứ hai, cần giảm lãi suất thực vay để hỗ trợ doanh nghiệp. Lãi suất cho vay hiện tại dù đã giảm, nhưng vẫn còn ở mức cao so với các nước khác; đồng thời, trong bối cảnh phục hồi, các ngân hàng thương mại cần nhìn vào khả năng trả nợ tương lai của doanh nghiệp để tăng cơ hội tiếp cận tín dụng chứ không chỉ nhìn vào tài sản thế chấp.
Khi đơn hàng có xu hướng trở lại, cần tăng cường “bơm vốn” cho doanh nghiệp để tạo động lực cho tăng trưởng. Riêng đối với lĩnh vực bất động sản, hệ thống ngân hàng có thể cân nhắc cho phép các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm thuộc phân khúc phục vụ nhu cầu thiết yếu/ưu tiên được giãn nợ/ giữ nhóm nợ theo tinh thần Thông tư 02/2023/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước.
Thứ ba, áp dụng các chính sách tài khóa nghịch chu kỳ để thúc đẩy tổng cầu, bao gồm các khía cạnh: (i) Đẩy mạnh đầu tư công, tập trung vào các cơ sở hạ tầng lớn, vừa để hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Xây dựng và Vật liệu xây dựng, vừa nâng cao năng lực của quốc gia; chú trọng phát triển nhà ở xã hội để đáp ứng nhu cầu thực của người lao động và hỗ trợ các DN Bất động sản; (ii) Xem xét các giải pháp giãn/giảm áp lực thuế và chi phí khác, tạo dòng tiền ngắn hạn cho doanh nghiệp vì đây là thời điểm phải “khoan thư sức dân”.
Một số vấn đề quan trọng khác có ảnh hưởng tới chi phí của diện rộng doanh nghiệp cũng cần Chính phủ quan tâm chỉ đạo hoặc thúc đẩy như: (i) Trong ngắn hạn, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan không ban hành hoặc phải đánh giá rất thấu đáo các quy định làm phát sinh các loại phí, chi phí mới cho doanh nghiệp; (ii) Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam sửa Quy chế tài chính nội bộ cho phép doanh nghiệp giữ lại toàn bộ kinh phí công đoàn (bằng 2% quỹ lương) trong ít nhất 2 năm tới để tập trung chi trực tiếp cho người lao động, các năm tiếp theo giảm dần mức đóng góp cho công đoàn cấp trên thay vì tỉ lệ đóng như hiện nay; (iii) Trong trung hạn, xem xét chưa tăng căn cứ tính đóng bảo hiểm xã hội trong quá trình dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi.
Bên cạnh các giải pháp mang tính cấp bách, Chính phủ cũng cần xem xét, tính toán các giải pháp cho trung và dài hạn. Trong đó, cần quan tâm đặc biệt các giải pháp thúc đẩy và hỗ trợ quá trình chuyển đổi xanh vì doanh nghiệp phải đối diện với các quy định, yêu cầu mới từ thị trường ngay trong 2023 và các năm tiếp theo.
Phạm Thị Ngọc Thủy, Giám đốc điều hành Văn phòng Ban nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV).
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/cap-cuu-cho-con-khat-von-cua-doanh-nghiep-2054784.htm