CEO DongA Solutions: Đây là cuộc thanh lọc tự nhiên nhằm loại bỏ những mô hình dựa vào tránh thuế, lách chuẩn hay coi thường người mua

Chuyên gia cho rằng việc hàng loạt hộ kinh doanh nhỏ lẻ đóng cửa không đơn thuần là một cuộc "ra đi" của từng cá thể, mà phản ánh sự thanh lọc tự nhiên của nền kinh tế khi những mô hình lỗi thời không còn chỗ đứng.

Khu vực kinh tế phi chính thức của Việt Nam đang đối mặt với bước ngoặt lớn khi yêu cầu minh bạch, chính quy ngày càng trở nên cấp thiết. Sự rút lui của nhiều hộ kinh doanh không phải là tín hiệu tiêu cực, mà là hệ quả tất yếu của một thị trường trưởng thành hơn, kỷ luật hơn. Tuy nhiên, để quá trình thanh lọc này diễn ra công bằng và bền vững, cần có sự dẫn dắt chính sách đúng nhịp và hỗ trợ chuyển đổi thực chất từ phía Nhà nước.

Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông Trần Bằng Việt, CEO DongA Solutions về vấn đề này.

Chuyên gia Trần Bằng Việt nói về nhóm hộ kinh doanh đóng cửa: Đây là cuộc thanh lọc tự nhiên nhằm loại bỏ những mô hình dựa vào tránh thuế, lách chuẩn hay coi thường người mua - Ảnh 1.

PV: Thưa ông, việc một bộ phận hộ kinh doanh nhỏ tạm ngừng hoạt động thời gian gần đây phản ánh điều gì về "sức khỏe thật" của khu vực kinh tế phi chính thức Việt Nam hiện nay?

Ông Trần Bằng Việt: Đây là một cuộc "kiểm tra sức khoẻ không hẹn trước". Và thực tế cho thấy, khu vực kinh tế phi chính thức của chúng ta yếu ớt hơn nhiều so với tưởng tượng. Trong một thời gian dài, khu vực này tồn tại được nhờ sự dễ dãi của thị trường và sự nương nhẹ của chính sách. Nhưng khi môi trường kinh doanh bắt đầu yêu cầu minh bạch hơn, những người không đủ năng lực công nghệ, tài chính hoặc tư duy phát triển đã buộc phải rút lui.

Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là "chết hàng loạt" hay "mất mát lớn" như một số luồng dư luận đang lo lắng. Nó phản ánh rằng một phần của nền kinh tế đã sống quá lâu trong vùng xám, và nay đến lúc phải bước ra ánh sáng hoặc nhường chỗ cho những mô hình bền vững hơn.

Trong vài thập kỷ qua, mô hình kinh doanh tại Việt Nam đã phát triển qua nhiều giai đoạn, có thể tạm chia thành 7 cấp độ:

M1 – Có hàng là thắng: Thời hàng hóa khan hiếm, ai có nguồn cung là có khách. Nếu ai đã từng sống qua giai đoạn kinh tế kế hoạch - ngăn sông cấm chợ ắt hẳn sẽ thấm thía cảnh giới này

M2 – Mua thấp bán cao: Thời điểm thị trường còn nhá nhem thiếu thông tin, người biết "đi buôn" kiếm lời từ bất đối xứng thông tin.

M3 – Mua tận gốc bán tận ngọn: Lúc logistics và chuỗi cung ứng/phân phối bắt đầu được tối ưu, muốn thành công, những người buôn bán buộc phải lăn xả và tham gia sâu hơn, sớm hơn vào chuỗi cung ứng sản phẩm.

M4 – Nâng hiệu quả nhờ có quy mô: Khi người tiêu dùng lười hơn, niềm tin thấp hơn, hệ thống phân phối hiện đại và sàn TMĐT lên ngôi. Đây là lúc các kênh MT như siêu thị, chuỗi bán lẻ, cửa hàng tiện lợi và thương mại điện tử lên ngôi. Và đơn vị nào, kênh nào bán được số lượng nhiều hơn thì đơn vị ấy sẽ có được uy lực đàm phán cao hơn với nhà cung cấp/đơn vị sản xuất cũng như giảm chi phí vận hành trên doanh thu xuống.

M5 – Bán trực tiếp (D2C): Chi phí chiết khấu ngày càng cao (do M4) và sự cạnh tranh bất bình đẳng từ các nhãn hàng riêng đã gây sức ép lên các thương hiệu. Các doanh nghiệp phải dần bắt đầu cắt bớt trung gian để tối ưu margin và tăng trải nghiệm khách hàng. Năng lực thương mại điện tử của các doanh nghiệp được chú ý và đầu tư nhiều hơn. Các từ khoá O2O, O2O2O và D2C được nói đến ở mọi nơi.

M6 – Bán dịch vụ thay vì sản phẩm hàng hoá đơn thuần: Gia tăng giá trị phi vật lý chuyển giao cho khách hàng thông qua các giá trị cộng thêm như tư vấn trước bán hàng, dịch vụ đi kèm và chăm sóc sau bán hàng.

M7 – Bán giải pháp và trải nghiệm: Không còn đơn thuần là bán hàng, mà là đồng hành cùng khách hàng để giải quyết bài toán tổng thể của họ và tạo cho khách hàng trải nghiệm tối đa nên có.

Vấn đề là đến tận 2025, một tỷ lệ rất lớn các hộ kinh doanh tại Việt Nam vẫn còn dừng lại ở M1 và M2, với tư duy buôn bán lặt vặt, không có chuẩn mực chất lượng, không rõ nguồn gốc hàng hoá, không hoá đơn đầu vào, không chịu thuế đầy đủ, và thậm chí không coi trọng việc phục vụ khách hàng.

Chuyên gia Trần Bằng Việt nói về nhóm hộ kinh doanh đóng cửa: Đây là cuộc thanh lọc tự nhiên nhằm loại bỏ những mô hình dựa vào tránh thuế, lách chuẩn hay coi thường người mua - Ảnh 2.

Vậy theo ông, đâu là "nút thắt lớn nhất" khiến phần lớn hộ kinh doanh Việt Nam vẫn kẹt lại ở cấp độ M1 – M2 sau nhiều thập kỷ?

Ông Trần Bằng Việt: Theo tôi có ba lý do chính:

- Môi trường kinh doanh quen nuông chiều thói quen cũ. Khi lách luật giúp sống tốt hơn tuân luật, ai có động lực để trở nên chính quy?

- Thiếu động lực để lớn lên. Phần lớn hộ kinh doanh mục M1 (Có hàng là thắng) - M2 (Mua thấp bán cao) không bị áp lực từ khách hàng hay thị trường, miễn bán được là sống được.

- Chưa có đổi tác đủ mạnh dẫn dất chuyển đổi. Việc chuyển lên M3-M7 cần đề xuất từ các chủ trương chuỗi cung ứng, sở hữu thương hiệu, hay cơ quan nhà nước.

Khi thị trường đủ dễ dãi, họ không cần phấn đấu, không cần chuyên nghiệp, chỉ cần quen biết vài mối là có thể "bán hàng" qua ngày, thì họ không nghĩ đến chuyện "lớn".

Ông đánh giá phản ứng của thị trường – cụ thể là sự rút lui của nhiều hộ kinh doanh – có thể được xem là một sự "thanh lọc" tích cực hay không?

Ông Trần Bằng Việt: Tôi tin rằng đây là một cuộc sàng lọc tự nhiên và cần thiết. Bất kỳ nền kinh tế nào muốn phát triển bền vững đều phải trải qua giai đoạn "trưởng thành bằng kỷ luật". Sự rút lui của những mô hình không còn phù hợp không phải là bi kịch, mà là tiền đề để những người còn lại bắt đầu chuyên nghiệp hoá và nâng cấp mô hình.

Việc thanh lọc này không nhằm xóa bỏ lựa chọn sinh kế của người nghèo, mà để buộc chúng ta rời xa những mô hình dựa vào việc tránh thuế, lách chuẩn hay coi thường người mua.

Cần nhớ: không quốc gia nào trở nên thịnh vượng dựa vào một nền kinh tế buôn bán chộp giật và lệch chuẩn.

Tuy nhiên, cuộc thanh lọc này chỉ có ý nghĩa nếu nó đi kèm với sự hỗ trợ chuyển đổi. Nếu không, thay vì "thanh lọc để phát triển", ta có thể rơi vào trạng thái "loại bỏ vì không kịp thích nghi" – điều đó không công bằng, và cũng không khôn ngoan về mặt phát triển dài hạn.

Hãy nhớ lại tiền đề của cách mạng công nghiệp Anh cũng đau đớn không kém: hàng loạt nông dân mất ruộng phải ra thành phố làm công nhân để kiếm sống.

Vấn đề của chúng ta là có thể hỗ trợ họ chuyển đổi thành công thành "công nhân" của một kỷ nguyên vươn tầm hay không? Nếu được, rất có thể ta sẽ có được một cách mạng công nghiệp Anh của thời đại mới.

Đây cũng là cơ hội để điều tiết lực lượng lao động: từ những người quen sống 'nghề tự phát' trở thành những người tham gia vào chuỗi giá trị chính quy.

Hãy biến những phân tử tự do riêng lẻ thành các liên kết mạnh mẽ để cấu thành những nền tảng vật chất có giá trị cao.

Chuyên gia Trần Bằng Việt nói về nhóm hộ kinh doanh đóng cửa: Đây là cuộc thanh lọc tự nhiên nhằm loại bỏ những mô hình dựa vào tránh thuế, lách chuẩn hay coi thường người mua - Ảnh 3.

Động thái quyết liệt của Chính phủ liệu có đang đi nhanh hơn năng lực thích nghi của một bộ phận hộ kinh doanh cá thể? Liệu có cần một cơ chế "vùng đệm chuyển tiếp" để hộ kinh doanh thích nghi và giúp quá trình thanh lọc diễn ra công bằng mà không gây xáo trộn xã hội quá lớn?

Ông Trần Bằng Việt: Quan điểm của tôi thì Chính phủ đang đi đúng hướng. Nhưng đúng không có nghĩa là nên đi nhanh đến mức để lại người dân quá xa phía sau đến mức không theo kịp ngọn cờ của mình.

Cơ chế "vùng đệm chuyển tiếp" là cần thiết. Không phải để trì hoãn cải cách, mà để gỡ nghẽn và giảm chấn động xã hội. Cụ thể có thể gồm:

- Miễn/giảm yêu cầu xuất hóa đơn cho các giao dịch nhỏ (dưới một mức ngưỡng nhất định).

- Hỗ trợ ứng dụng di động miễn phí phát hành hóa đơn tích hợp với ví điện tử, ngân hàng.

- Có thời gian thử nghiệm, huấn luyện và truyền thông dễ hiểu trước khi áp dụng chính thức.

- Một số quy định liên quan đến BHXH là có phần chưa đủ cân nhắc hoàn cảnh của người dân. Tôi cho rằng cần thẳng thắn nhìn nhận lại.

Cải cách bền vững là cải cách có nhịp điệu phù hợp với năng lực hấp thụ của người dân.

"Người dân không chống lại cải cách – họ chỉ cần được hiểu đúng, chuẩn bị đủ, và được dẫn dắt bằng một ngôn ngữ họ có thể hiểu."

Khi đổi thay được coi là một cơ hội, không phải sự trừng phạt, xã hội sẽ đồng hành.

Nếu chọn những việc có thể làm ngay trong 12 tháng tới để giúp khu vực kinh doanh nhỏ lẻ chuyển từ "tạm bợ sang bền vững", ông sẽ đề xuất những việc gì – và ai cần đứng ra dẫn dắt những việc đó?

Ông Trần Bằng Việt: Tôi cho rằng có 3 nhóm hành động cấp thiết:

Thứ nhất là Tăng động lực thị trường: Cho người tiêu dùng quyền khấu trừ thuế khi lấy hóa đơn, hoặc tham gia xổ số hóa đơn như Đài Loan. Việc này Tổng cục Thuế cần dẫn dắt.

Thứ hai là Tăng mức độ thuận tiện: Ứng dụng di động miễn phí, tích hợp hoá đơn vào ví điện tử và ngân hàng – do Bộ Tài chính phối hợp cùng khối doanh nghiệp công nghệ và ngân hàng triển khai.

Thứ ba là Tăng khả năng học hỏi và chuyển đổi: Tạo chương trình tình nguyện viên hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ (sinh viên, tổ chức xã hội) và dùng mạng xã hội làm kênh đào tạo phổ cập – do các hiệp hội doanh nghiệp và trường đại học dẫn dắt, có thể phối hợp cùng các địa phương. Tôi nhớ trước đây các chiến dịch Ánh sáng Văn hoá và Mùa hè Xanh làm rất tốt những việc khó hơn nhiều. Nay ta có thể tổ chức việc dễ này hay không?

Muốn thay đổi lâu dài, cần nhiều bên cùng hợp lực – nhưng phải có một nơi đứng ra dẫn nhịp và phối hợp. Tôi nghĩ Bộ Tài chính (với sự hỗ trợ của VCCI và Hội doanh nhân trẻ), người là nhạc trưởng phát triển khu vực kinh tế tư nhân, có thể nhận vai trò trung tâm đó.

Xin cảm ơn ông!

Phan Trang

Đàm Thị Thuý Vân

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/ceo-donga-solutions-day-la-cuoc-thanh-loc-tu-nhien-nham-loai-bo-nhung-mo-hinh-dua-vao-tranh-thue-lach-chuan-hay-coi-thuong-nguoi-mua-205250701164543042.htm