Vừa qua, Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) - Công an tỉnh Nghệ An nhận được nhiều đơn trình báo từ nhiều nạn nhân, có người đã thiệt hại hàng tỷ đồng vì các vụ lừa đảo dưới hình thức "đầu tư tài chính" qua điện thoại và mạng xã hội.
Trung tá Hà Huy Đức - Đội trưởng Đội Phòng ngừa, điều tra tội phạm xâm phạm sở hữu, Phòng CSHS Công an tỉnh Nghệ An cho biết: "Hình thức lừa đảo kêu gọi đầu tư là một trong những thủ đoạn lừa được nhiều nạn nhân nhất hiện nay, có những nạn nhân bị lừa đến hàng chục tỷ, những người bị lừa trăm triệu, tiền tỷ cực nhiều, rất bi đát, vì toàn tiền đi vay".
Thời gian gần đây việc đầu tư trở nên phổ biến và cũng được quảng bá trên nhiều kênh truyền thông, mạng xã hội, trở thành xu hướng, và tội phạm thì luôn luôn đi theo xu hướng, Trung tá Đức cho biết.
"Đầu tư chứng khoán là hợp pháp, và thị trường chứng khoán là kênh huy động vốn hợp pháp"- Trung tá Đức khẳng định- "Nhưng để tham gia đầu tư chứng khoán thì cần có sự hiểu biết tương đối về thị trường tài chính tiền tệ, về kinh tế". Nhiều người dù không có kiến thức gì nhưng nghe kẻ lừa đảo dụ dỗ vẫn dễ dàng xuất tiền "đầu tư".
Để cảnh báo ngời dân, Trung tá Đức đã chỉ ra những dấu hiệu của một vụ lừa đảo dưới chiêu bài đầu tư tài chính.
Đầu tiên, việc đầu tư chứng khoán phải bắt đầu bằng việc mở tài khoản chứng khoán tại các công ty chứng khoán. Thứ hai, người dân cần nhớ khi đầu tư chứng khoán phải nạp tiền vào tài khoản mang tên mình, trong khi đó, bọn lừa đảo thường dụ dỗ người dân nạp tiền vào tài khoản giả, không phải của người đầu tư.
Các đối tượng lừa đảo cũng thường dụ dỗ nạn nhân tham gia đầu tư “chứng khoán quốc tế”, nghe rất nguy hiểm và mỹ miều, hoặc dụ dỗ nạn nhân đầu tư "tiền ảo", "sàn vàng". Sau đó, chúng dùng rất nhiều hình thức để tương tác với người bị hại như: giả mạo người nổi tiếng về đầu tư tài chính, đặc biệt xuất hiện nhiều kẻ lừa đảo giả mạo "shark" (nhà đầu tư trên chương trình Thương vụ bạc tỷ) để chiếm đoạt tài sản.
Để dễ dàng thao túng nạn nhân, các đối tượng thường chỉ yêu cầu số tiền rất nhỏ để ai cũng có thể tham gia, cùng những cam kết hấp dẫn như nhân đôi, nhân ba tài khoản, bảo hiểm 100% vốn...
Trong vai nhà tư vấn đầu tư, đối tượng lừa đảo sẽ đưa người đầu tư vào nhóm, và đây là điều rất nguy hiểm. Người chấp nhận vào nhóm sẽ bắt đầu bị thao túng tâm lý.
Kẻ lừa đảo sẽ dẫn nạn nhân đến một trang web giả mạo, yêu cầu nạn nhân nhập các thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng. Sau đó khi người dân nạp tiền những lần đầu, chúng cũng cho phép rút tiền gốc và lãi về, chính là "mồi câu" mà kẻ lừa đảo tung ra. Khi người dân "cắn câu", thì có thể nói đã bị thao túng.
Nạn nhân càng dễ bị thao túng hơn khi trong nhóm có cực kỳ nhiều thành viên "chim mồi", khen hay, cảm ơn vì được tạo nguồn thu nhập, gửi hóa đơn nhận tiền, khoe mua nhà, xe từ việc "đầu tư" này, khiến nạn nhân cũng tin tưởng mà dồn tiền đầu tư.
Sau khi đã nộp tiền, nạn nhân sẽ gặp một "chuyên gia", tự xưng là "thầy" hướng dẫn nạn nhân đầu tư, tiền tăng "vùn vụt", từ 1 triệu ban đầu có thể tăng lên hàng chục triệu, trăm triệu. Khi nạn nhân muốn rút tiền, chúng sẽ yêu cầu đóng thuế. Ví dụ muốn rút 200 triệu, chúng sẽ yêu cầu đóng thuế 20 triệu, người dân vẫn dễ dàng tin tưởng. Sau đó, nạn nhân tiếp tục phải gửi hoa hồng cho "thầy" và rất nhiều lý do này, lý do khác để người bị hại nộp thêm tiền.
Hình thức thứ hai thường được kẻ lừa đảo sử dụng là kết bạn mạng xã hội, làm quen, tán tỉnh, chia sẻ về cuộc sống sang chảnh rồi sau khi lấy được lòng tin mới kêu gọi đầu tư. Khi nạn nhân đã đồng ý đầu tư thì thủ đoạn sẽ tiếp tục như trên. Hình thức thứ ba có thể là gọi điện trực tiếp kêu gọi.
Những bài học được Trung tá Đức đúc rút ra là: Thứ nhất, không tin tưởng tuyệt đối vào tài khoản ngân hàng, không chuyển tiền vào tài khoản lạ vì được lập giả rất nhiều; Thứ hai, không tham gia đầu tư theo lời kêu gọi trên mạng xã hội khi chưa đủ kiến thức.
Nhã Mi