Theo dữ liệu từ Hiệp hội Thị trường Trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ HNX và SSC, tính đến ngày công bố thông tin 01/03/2024, có 3 đợt phát hành trái phiếu riêng lẻ với tổng trị giá 1.165 tỷ đồng trong tháng 2/2024.
Cụ thể, Công ty cổ phần vận tải và xếp dỡ Hải An (mã chứng khoán: HAH) phát hành thành công lô trái phiếu HAHH2328001 ngày 2/2/2024, giá trị 500 tỷ đồng, kỳ hạn 5 năm. Lô trái phiếu có lãi suất cố định 6%/năm, thấp nhất thị trường trong 2 tháng đầu năm 2024.
Thứ hai là Công ty Cổ phần Đầu tư và Xây dựng Xa Lộ Hà Nội (công ty con của CII) ngày 7/2/2024, phát hành thành công lô trái phiếu HNHCH2433001 với giá trị 550 tỷ đồng, kỳ hạn 117 tháng (9,5 năm). Với lãi suất kỳ đầu bằng 10,1%/năm, các kỳ sau bằng bình quân lãi suất cho vay trung hạn của 4 ngân hàng TMCP nhà nước.
Thứ ba, Công ty Cổ phần Thương mại Du lịch Lạc Hồng ngày 23/2/2024 phát hành thành công lô trái phiếu LHTCB2427001, với giá trị 115 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm. Với lãi suất 4 kỳ đầu cố định 9%/năm, các kỳ sau bằng bình quân lãi suất tiết kiệm 12 tháng bằng đồng Việt Nam do Vietcombank, BIDV, Vietinbank và Agribank cộng 4,3%/năm.
Ở chiều ngược lại, trong tháng 2/2024, các doanh nghiệp đã mua lại 2.056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng còn lại của năm 2024, ước tính sẽ có khoảng 255.732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản với 98.127 tỷ đồng, tương đương 38,4%.
Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 doanh nghiệp công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6.213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Có thể thấy tình trạng ảm đạm vẫn tiếp diễn trong những tháng đầu năm 2024. Trước đó, tháng 1/2024 cũng chỉ ghi nhận 4 đợt doanh nghiệp phát hành trái phiếu riêng lẻ.
Thống kê của FiinGroup cho thấy, tính đến ngày công bố thông tin 5/2/2024, thị trường trái phiếu doanh nghiệp ghi nhận 4 giao dịch phát hành với tổng giá trị 6.450 tỷ đồng trong tháng đầu tiên năm 2024.
Đó là Công ty cổ phần Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh (mã CII) phát hành 2.800 tỷ đồng trái phiếu chuyển đổi, có kỳ hạn 10 năm với lãi suất 10%/năm cho 4 quý đầu tiên và sau đó thả nổi với mức lãi bù 2,5% cao hơn lãi suất tham chiếu và trái chủ có quyền chuyển đổi sang cổ phiếu với mức giá 10 nghìn/cổ phiếu.
Thứ hai, Tập đoàn Vingroup (mã VIC) phát hành thành công 2.000 tỷ đồng trái phiếu ra công chúng với kỳ hạn 3 năm và lãi suất cố định 15%/năm cho năm đầu tiên và sau đó thả nổi với mức bù 4,5% cao hơn lãi suất tham chiếu.
Thứ ba, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Vận tải, một doanh nghiệp chưa đại chúng cũng phát hành thành công 450 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 3 năm và lãi suất 6,5%/năm.
Thứ tư là Công ty TNHH MTV BOT Ninh Thuận (công ty con của CII) phát hành 1.200 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ kỳ hạn 9,75 năm và lãi suất 10,5%/năm.
Đáng nói, diễn biến ảm đạm trên thị trường trái phiếu trong hai tháng đầu năm 2024 trong bối cảnh một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại và thắt chặt hơn quy định về phát hành trái phiếu doanh nghiệp.
Điển hình là quy định, từ đầu tháng 1/2024, nhà đầu tư cá nhân muốn tham gia trái phiếu doanh nghiệp phải tuân thủ Nghị định 65/2022/NĐ-CP: Phải có danh mục chứng khoán niêm yết nắm giữ tối thiểu 2 tỷ đồng được xác định bằng giá trị thị trường bình quân theo ngày của danh mục chứng khoán trong thời gian tối thiểu 180 ngày liền kề trước ngày xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chi-co-ba-dot-phat-hanh-trai-phieu-doanh-nghiep-trong-thang-22024-20510729.htm