CTCP BOT cầu Thái Hà (MCK: BOT) mới công bố báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán với kết quả không có khởi sắc so với các năm trước.
Theo đó, năm 2023, BOT cầu Thái Hà mang về 44,8 tỷ đồng doanh thu, giảm 1 tỷ đồng so với năm trước. Tuy nhiên, gánh nặng chi phí lãi vay đã khiến doanh nghiệp này tiếp tục lỗ hơn 83 tỷ đồng trong năm 2023, nâng mức lỗ luỹ kế tại thời điểm kết thúc năm 2023 lên 436,8 tỷ đồng.
Tổng tài sản của BOT cầu Thái Hà tài ngày 31/12/2023 đạt 1.456,3 tỷ đồng, trong đó 91% là tài sản cố định với 1.324 tỷ đồng.
Vốn điều lệ của công ty này đạt 592,5 tỷ đồng, tuy nhiên, do thua lỗ kéo dài đã khiến vốn chủ sở hữu chỉ còn 148,5 tỷ đồng. Hiện, nguồn vốn của doanh nghiệp này được tài trợ chủ yếu bởi nợ vay. Kết thúc năm 2023, BOT cầu Thái Hà có dư nợ vay tài chính ở mức 988 tỷ đồng, gấp 6,6 lần vốn chủ sở hữu. Trong đó đa số là các khoản nợ vay dài hạn.
Đáng chú ý, tại báo cáo tài chính kiểm toán này, đơn vị kiểm toán đã nhấn mạnh khoản lỗ luỹ kế tính đến hết ngày 31/12/2023 của BOT Thái Hà là 436,8 tỷ đồng, chiếm 73,7% vốn điều lệ; Nợ ngắn hạn vượt qua tài sản ngắn hạn với số tiền 498 tỷ đồng. Hoạt động thu phí của Công ty đến nay chỉ đạt khoảng 15,7% so với phương án tài chính. Trong năm 2023, Công ty chỉ thanh toán được nợ gốc cho ngân hàng số tiền là gần 5 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán cho biết, các yếu tố trên đã dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của Công ty.
“Vỡ” phương án tài chính, chủ đầu tư không đủ nguồn lực để triển khai lắp hệ thống thu phí ETC
Theo tìm hiểu, Công ty BOT cầu Thái Hà được thành lập năm 2014 và là doanh nghiệp thực hiện Dự án “Đầu tư xây dựng công trình cầu Thái Hà vượt sông Hồng trên đường nối hai tỉnh Thái Bình và Hà Nam với đường cao tốc cầu Giẽ - Ninh Bình, giai đoạn I theo hình thức hợp đồng BOT”. Dự án có tổng mức đầu tư hơn 1.709 tỷ đồng, khởi công năm 2014, hoàn thành đưa vào khai thác vào gần giữa năm 2018 và được cho phép thu phí hoàn vốn đầu tư từ ngày 10/1/2019.
Ngay trong năm đầu tiên dự án của công ty đi vào hoạt động (năm 2019), công ty đã lỗ gần 170 tỷ đồng do doanh thu trong năm chỉ đạt 16% so với phương án tài chính hợp đồng BOT. Những năm sau đó, năm 2020-2023, BOT cầu Thái Hà tiếp tục đều đặn lỗ gần trăm tỷ đồng mỗi năm. Việc "vỡ" phương án tài chính đã khiến chủ đầu tư điêu đứng.
Theo ghi nhận của PV, hiện nay, trạm thu phí BOT cầu Thái Hà vẫn đang thu phí thủ công trong khi gần như tất cả các trạm BOT trên cả nước đã được lắp đặt hệ thống ETC (thu phí không dừng) theo quy định. Việc thu phí thủ công đã gây bất tiện cho các tài xế khi di chuyển qua trạm thu phí này do phải dừng mua vé, chờ trả lại tiền thừa,…Nhiều tài xế đi qua thắc mắc tại sao BOT này chưa được lắp hệ thống ETC khiến nhân viên bán vé phải liên tục giải thích.
Lý giải về việc chưa lắp đặt thu phí ETC theo quy định, đại diện BOT cầu Thái Hà cho biết, doanh thu thu phí của BOT cầu Thái Hà liên tục sụt giảm và thua lỗ trong nhiều năm, hơn nữa chi phí lắp hệ thống thu phí ETC rất cao vì vậy BOT cầu Thái Hà vẫn xin lùi thời gian triển khai thu phí không dừng.
Được biết, nguyên nhân khiến doanh thu của BOT cầu Thái Hà thấp là do việc bị chậm thu phí, đường vành đai 5 Hà Nội kết nối trực tiếp với cầu Thái Hà chậm triển khai so với quy hoạch. Mặt khác, nhiều phương tiện chọn đi qua cầu Hưng Hà song hành để không mất phí. Do đó, làm cho doanh thu của BOT cầu Thái Hà không đủ bù đắp chi phí đã khiến doanh nghiệp này thua lỗ nhiều năm qua.
Dự án BOT cầu Thái Hà là 1 trong 8 dự án BOT gặp khó khăn lớn không phải lỗi do nhà đầu tư mà Bộ GTVT đã trình Chính phủ giải pháp xử lý vướng mắc, bất cập để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên.
Theo đó, Bộ GTVT đề xuất với Chính phủ giải pháp tháo gỡ cho 8 dự án BOT nói trên theo 3 nhóm. Trong đó, BOT cầu Thái Hà nằm trong nhóm thứ nhất là sửa đổi hợp đồng, bổ sung vốn nhà nước tham gia hỗ trợ để tiếp tục thực hiện hợp đồng. Tại dự án này, Bộ GTVT đề xuất bổ sung 1.024 tỷ đồng vốn nhà nước tham gia hỗ trợ Dự án. Dự kiến thời gian hoàn vốn khoảng 25 năm.
Hà Anh