Cụ thể, theo thông tin từ ông Duncan Chiu, một nhà đầu tư hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ của Hong Kong, ông sẽ tham gia một phái đoàn cấp cao do Giám đốc điều hành của Đặc khu hành chính Hong Kong, ông John Lee Ka-chiu dẫn đầu tới Lào, Campuchia và Việt Nam vào cuối tuần này.
Ông Duncan Chiu cho biết, Việt Nam và Thái Lan đã trở thành lựa chọn phổ biến cho các công ty Hong Kong tìm kiếm giải pháp gia công thông tin và công nghệ. Lý do bởi các quốc gia này có nhiều người trẻ có chuyên môn công nghệ thông tin và kỹ năng tiếng Anh tốt.
"Lực lượng người trẻ am hiểu công nghệ đang khiến Đông Nam Á trở thành điểm đến lý tưởng đối với các doanh nghiệp công nghệ Hồng Kông đang muốn thuê ngoài và mở rộng hoạt động, trong đó Việt Nam là một trong những thị trường hàng đầu", ông nói.
Nhà đầu tư Hong Kong đánh giá, trong bối cảnh ngành công nghệ thông tin của Hong Kong đang thiếu hụt lực lượng lao động trầm trọng, việc thuê lao động Đông Nam Á để gia công phần mềm có thể là lựa chọn hiệu quả về mặt chi phí cho các doanh nghiệp.
Năm 2022, quy mô GDP của khu vực Đông Nam Á đạt trị giá 3,6 nghìn tỷ USD. Con số này đã đưa khu vực trở thành nền kinh tế lớn thứ năm thế giới sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản và Đức.
Không chỉ vậy, theo một báo cáo của ASEAN vào năm 2023, số lượng dân số dưới 35 tuổi tại khu vực Đông Nam Á chiếm đến 61%, tương đương khoảng 383 triệu người.
"Nhìn chung, dân số trẻ có trình độ học vấn cao trong khi chi phí nhân công hợp lý là những yếu tố thúc đẩy các doanh nghiệp Hong Kong đẩy mạnh kế hoạch đầu tư vào khu vực", Ông Duncan Chiu cho hay.
Riêng tại Việt Nam, theo công ty giáo dục quốc tế EF Education, Việt Nam là một trong bốn thành viên ASEAN cùng với Singapore, Thái Lan và Malaysia được xếp hạng trong top 10 quốc gia hàng đầu về trình độ tiếng Anh ở châu Á vào năm 2023.
Trong bối cảnh các công ty đang tìm kiếm các giải pháp gia công bên ngoài để giảm chi phí và cung cấp dịch vụ chất lượng cao, Việt Nam được ghi nhận là một điểm đến gia công phần mềm phổ biến do lực lượng lao động lành nghề, giá thấp và môi trường kinh doanh thân thiện.
Kể từ năm 2019, Việt Nam đã thu hút nhiều công ty công nghệ quốc tế muốn thuê ngoài gia công. China Daily viết, một số trang tin quốc tế thậm chí từng mệnh danh Việt Nam là "Thung lũng Silicon của Đông Nam Á". Theo Markets Insider, Việt Nam đứng thứ 5 trên toàn cầu và thứ 2 trong số 8 quốc gia gia công phần mềm quan trọng của Lotus-qa.com vào năm 2022.
Ông Duncan Chiu dẫn chứng, một số công ty công nghệ Hong Kong, như nhà cung cấp dịch vụ giao hàng Lalamove và công ty du lịch trực tuyến Klook, đã mở rộng thành công hoạt động sang Đông Nam Á.
Trên cơ sở đó, ông hy vọng chuyến thăm sắp tới của phái đoàn Hong Kong sẽ giúp nhiều doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đặc biệt là các công ty khởi nghiệp khám phá các cơ hội đầu tư vào khu vực.
Ngoài ra, ông cho biết thêm, chuyến thăm tới ba nước có thể thúc đẩy mối liên kết chặt chẽ hơn giữa các doanh nghiệp và trường đại học ở Hong Kong và ASEAN, tạo nền tảng vững chắc cho hoạt động tìm hiểu đầu tư của các doanh nghiệp Hong Kong.
Nguồn: China Daily
Cộng tác viên