Chip châu Âu tìm lại hào quang sau 30 năm: Thử vận may với gói hỗ trợ 43 tỷ euro, 30.000 chuyên gia đang cống hiến cho trung tâm sản xuất, thu hút cả ‘đại bàng’ TSMC đến làm tổ

Làn sóng đầu tư trong ngành công nghiệp chip EU đang diễn ra sau 20 năm không có gì biến động.

Trong hơn 3 thập kỷ, Dresden là trung tâm sản xuất chip của châu Âu còn Jens Drews là gương mặt quen thuộc trong ngành. Năm 1996, ông chứng kiến Advanced Micro Devices của Mỹ chiếm đất nông nghiệp tại một thành phố phía đông nước Đức để xây dựng nhà máy sản xuất chip xử lý cho máy tính. Khoảng hơn 1 thập kỷ sau, một công ty khác của Mỹ, Globalfoundries, mua lại cơ sở này và biến nó trở thành nơi cung cấp chính cho các nhà phát triển chip nhớ. Có diện tích bằng 7 sân bóng đá, đây là cơ sở sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất châu Âu.

Như vậy, Jens Drews, giám đốc truyền thông và quan hệ chính phủ của Globalfoundries, đang chứng kiến những thay đổi đáng kể nhất trong khu vực.

Ông chia sẻ với Nikkei Asia: “Chúng tôi thấy làn sóng đầu tư lớn. Điều này diễn ra sau khoảng thời gian gần 20 năm không có gì biến động”.

Điểm mặt các công ty mới chuyển đến hoặc mở rộng sản xuất, ta có nhà sản xuất chip hàng đầu của Đức Infineon - công ty đang cho xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỷ euro (5,33 tỷ USD) và nhà cung cấp ô tô quan trọng Robert Bosch - công ty đang chi 3 tỷ euro nhằm mở rộng nhà máy.

Công ty Sản xuất Chất bán dẫn Đài Loan là một trong những cái tên mới đến. Nhà sản xuất chip theo hợp đồng lớn nhất thế giới này đã lên kế hoạch xây dựng vào cuối năm nay trên cơ sở sản xuất chip trị giá 10 tỷ euro - cơ sở sản xuất chip đầu tiên ở Châu Âu - ngay bên cạnh nhà máy của Bosch, sau khi nhận vốn đầu tư từ NXP, Infineon và Bosch.

Fraunhofer, viện nghiên cứu định hướng ứng dụng hàng đầu Châu Âu, cũng đang mở rộng cơ sở R&D cho công nghệ đóng gói chip tiên tiến thế hệ tiếp theo và giải pháp điện toán trong bộ nhớ ở Dresden. Tất cả dấy lên hy vọng rằng châu Âu có thể trở thành đối thủ đáng gờm trong lĩnh vực bán dẫn tiên tiến, song những chuyên gia kỳ cựu như Drews vẫn đặt câu hỏi, rằng liệu sự gia tăng đột ngột về đầu tư và hỗ trợ gần đây của chính phủ có mang lại kết quả tốt đẹp?

Theo Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn Châu Âu, thị phần EU trong năng lực sản xuất chip toàn cầu rơi vào khoảng 8%, giảm 2% so với những năm 1990. Về chip tiên tiến, châu Âu những năm 1990 dẫn đầu thế giới, chiếm 44% sản lượng, theo dữ liệu từ Boston Consulting Group. Vị thế thống trị đó giờ đây không còn nữa, trong bối cảnh châu Á vươn lên và hiện chiếm hơn 90% sản lượng.

Nhiều nỗ lực đã được đưa ra nhằm khởi động lại ngành công nghiệp chip EU. Vào năm 2013, Phó Chủ tịch Ủy ban Châu Âu lúc bấy giờ là Neelie Kroes đã dẫn đầu chiến lược công nghiệp tăng gấp đôi sản lượng bán dẫn của khối. Tuy nhiên, sáng kiến này không thực sự thành công bởi gói khuyến khích 10 tỷ euro tương đối nhỏ.

Chip châu Âu tìm lại hào quang sau 30 năm: Thử vận may với gói hỗ trợ 43 tỷ euro, 30.000 chuyên gia đang cống hiến cho trung tâm sản xuất, thu hút cả ‘đại bàng’ TSMC đến làm tổ - Ảnh 1.

Giờ đây, sau sự gián đoạn lớn của chuỗi cung ứng hậu COVID, EU đang thử lại vận may. Vào năm 2022, họ theo chân Mỹ và Nhật Bản công bố các ưu đãi dành cho ngành công nghiệp chip, bao gồm gói hỗ trợ trị giá 43 tỷ euro nhằm thúc đẩy sản xuất trong nước từ 10% lên 20% vào năm 2030.

Rutger Wijburg, giám đốc điều hành của nhà sản xuất chip hàng đầu châu Âu Infineon, nói với Nikkei Asia rằng mục tiêu này nhằm “tăng cường chủ quyền công nghệ và khả năng phục hồi kinh tế”. Rõ ràng, mức độ cam kết lần này lớn hơn.

“Năm 2013 không có cam kết thực sự nào. Điều này đã thay đổi hoàn toàn vào năm 2020 đến năm 2022, khi bên cạnh ngành công nghiệp ô tô, bạn sẽ thấy ngành công nghiệp chip nhớ cũng được coi là ngành then chốt”, Roland Giesen, giám đốc điều hành Fabmatics có trụ sở tại Dresden cho biết.

Được biết, Fabmatics là nhà cung cấp giải pháp tự động hóa cho các nhà sản xuất chip toàn cầu. Doanh thu công ty đã tăng gấp đôi từ năm 2021 đến năm 2023 và hiện đang mở rộng ở Dresden nhờ các khoản đầu tư mới.

Frank Boesenberg, giám đốc điều hành Silicon Saxony, một trong những hiệp hội chip lớn nhất khối, nói với Nikkei Asia rằng chỉ trong những năm gần đây, các nhà hoạch định chính sách ở châu Âu và Đức mới nhận ra tầm quan trọng và độ phức tạp của việc sản xuất chip.

“Trong thời điểm thiếu chip, nhiều công ty sản xuất ô tô đã gọi cho các nhà sản xuất chip của Đức và nói: 'Nghe này, tôi rất cần chip! Các bạn có thể bắt đầu ca đêm được không?’, ông nói. “Ở Đài Loan và Hàn Quốc, chất bán dẫn là ngành công nghiệp số 1. Ở Đức, nó chỉ là một trong nhiều ngành công nghiệp”.

Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, nỗ lực của EU vẫn chưa thấm vào đâu nếu so với Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc.

Mỹ gần đây trao 8,6 tỷ USD tiền tài trợ và 11 tỷ USD tín dụng cho nhà sản xuất chip Intel, 6,6 tỷ USD cho TSMC và 6,4 tỷ USD cho Samsung. Ba nhà sản xuất chip hàng đầu thế giới này đã cùng nhau cam kết dùng 200 tỷ USD để xây dựng nhà máy ở Mỹ. Công ty thứ tư, nhà sản xuất chip nhớ Micron của Mỹ, thì nhận được 6,1 tỷ USD để sản xuất bộ nhớ tiên tiến trong nước.

Trong khi Nhật Bản cấp trợ cấp cho TSMC, Samsung và Micron tương đương hơn 40% kế hoạch đầu tư của hãng vào nước này, EU hiện vẫn chưa hoàn tất các khoản trợ cấp. Theo Martin Landgraf, điều phối viên dự án của viện nghiên cứu Fraunhofer, số tiền mà EU cung cấp cho việc phát triển chất bán dẫn là rất nhỏ. “Nếu bạn nhìn vào Đạo luật CHIPS của Mỹ, sự hỗ trợ này không thấm vào đâu”.

Theo Leuh Fang, Chủ tịch Vanguard International Semiconductor, một nhà sản xuất chip trực thuộc TSMC, thành công trong lĩnh vực sản xuất chip đòi hỏi phải có cam kết lâu dài. Ông nói: “Bạn cần đầu tư rất nhiều tiền và mọi cam kết đều phải chắc chắn. Nếu bạn đầu tư trong 2-3 năm, thấy nó quá đốt tiền và không thể tiếp tục, thì bạn không thuộc về nơi đây”.

Hỗ trợ tài chính chỉ là một trong vô số điều kiện tiên quyết cần thiết để sản xuất chất bán dẫn. Nhân tài và sự ổn định của thị trường cũng vô cùng quan trọng.

Theo Boesenberg của Silicon Saxony, khu vực rộng lớn hơn của Dresden có khoảng 30.000 chuyên gia làm việc trong lĩnh vực vi điện tử, song với khoản đầu tư mới, nơi đây sẽ cần thêm gần 27.000 chuyên gia chuyên về chất bán dẫn vào năm 2030. “Hơn 13.000 người có tay nghề cao sẽ phải chuyển đến Dresden để hỗ trợ hệ sinh thái trong những năm tới”, Boesenberg nói.

Nhận thấy rằng nhân tài là yếu tố quan trọng, TSMC quyết định triển khai chương trình trao đổi nhân tài. Vào tháng 3, Đức cử 30 sinh viên hạt giống đến Đài Loan tham gia chương trình, bao gồm cả việc thực tập tại các nhà máy tiên tiến của TSMC. Jacob, một sinh viên tốt nghiệp đến từ Ba Lan, chuyên ngành vật lý và tham gia chương trình trao đổi, nói: “Chúng tôi không có ngành công nghiệp chip lớn như Đài Loan, song mọi thứ đang dần trở nên phổ biến trong giới sinh viên”.

Theo Didier Scemama, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu phần cứng CNTT EMEA tại BofA Global Research, chuyên môn sản xuất chip không thể đạt được chỉ sau một đêm. Vẫn còn nhiều vấn đề khác liên quan đến lao động.

“Đối với các nhà sản xuất và cung cấp chip châu Á đầu tư và mở rộng ở châu Âu, chi phí cao hơn là một vấn đề lớn song suy cho cùng, quản lý con người, quan hệ lao động và sự khác biệt về văn hóa mới là những thứ đáng lo nhất”, Jerry Peng, giám đốc trung tâm nghiên cứu điện tử và năng lượng xanh tại Viện Tư vấn thị trường, nói. “Đó là điều mà nhiều công ty châu Á và Đài Loan luôn phải cân nhắc khi đến châu Âu”.

Theo Giám đốc ngành công nghiệp EU Thierry Breton, châu Âu cần vượt ra khỏi công nghệ chip cũ và phát triển các khả năng tiên tiến của riêng mình. Drews - người chứng kiến toàn bộ nét thăng trầm của ngành công nghiệp - khá lạc quan về tương lai dù với ông, sự tiến bộ hiện tại là “quá ít và chậm”.

Theo: Nikkei Asia

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chip-chau-au-tim-lai-hao-quang-sau-30-nam-thu-van-may-voi-goi-ho-tro-43-ty-euro-30000-chuyen-gia-dang-cong-hien-cho-trung-tam-san-xuat-thu-hut-ca-dai-bang-tsmc-den-lam-to-20513833.htm