Chốt thời gian công bố kết luận thanh tra 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ

Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính đang hoàn thiện kết luận thanh tra, báo cáo cơ quan chức năng về 4 doanh nghiệp bán bảo hiểm nhân thọ qua ngân hàng, dự kiến công khai trong tháng 6.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý II/2023 do Bộ Tài chính tổ chức chiều 16/6, ông Doãn Thanh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm (Bộ Tài chính) cho biết, hiện đã có kết quả thanh tra 4 công ty bảo hiểm nhân thọ bán chéo sản phẩm qua một số ngân hàng thương mại.

Cơ quan này đang hoàn thiện kết luận thanh tra, báo cáo cơ quan chức năng về 4 doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có bán sản phẩm qua ngân hàng. Trong tháng 6 sẽ có kết luận chính thức và thông tin công khai.

Theo đại diện Cục Quản lý - Giám sát bảo hiểm, thời gian qua, Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp quản lý, giám sát nhằm chấn chỉnh hoạt động của thị trường bảo hiểm; trong đó có hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng.

chot-thoi-gian-cong-bo-ket-luan-thanh-tra-4-doanh-nghiep-bao-hiem-nhan-tho-1686981915.png
Ông Doãn Thanh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm/

Bộ Tài chính đã yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng đại lý bảo hiểm đối với các ngân hàng; nghiêm túc tuân thủ quy định tại Luật Kinh doanh bảo hiểm về việc không được ép buộc các tổ chức, cá nhân mua bảo hiểm dưới mọi hình thức.

Tài liệu giới thiệu sản phẩm bảo hiểm phải thể hiện rõ việc tham gia các sản phẩm bảo hiểm không phải là điều kiện bắt buộc để thực hiện các hoạt động, dịch vụ tài chính của tổ chức tín dụng.

Đối với một số doanh nghiệp bảo hiểm có phản ánh của khách hàng, Bộ đã làm việc trực tiếp, yêu cầu doanh nghiệp xem xét, xử lý dứt điểm khiếu nại của khách hàng, bảo đảm quyền lợi khách hàng trên cơ sở hợp đồng bảo hiểm đã giao kết.

Thực tế thời gian qua có tình trạng một số nhân viên ngân hàng ép khách mua bảo hiểm khi vay vốn hoặc tư vấn không đầy đủ khiến khách hàng nhầm lẫn giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm tiền gửi ngân hàng. Hoạt động này đã vi phạm nguyên tắc “tự nguyện” được quy định tại các văn bản pháp luật về kinh doanh bảo hiểm.

Liên quan đến vụ hàng trăm khách hàng gửi tiết kiệm ở Ngân hàng SCB bị "hô biến" thành sản phẩm bảo hiểm "Tâm An đầu tư" của Công ty bảo hiểm Manulife, báo chí đề nghị ông Doãn Thanh Tuấn cập nhật kết quả xử lý và xác nhận thông tin về số tiền 800 tỷ đồng Manulife đã trả lại khách hàng.

Về vấn đề này, ông Tuấn cho biết, con số 800 tỷ đồng là thông tin được đưa ra từ phía doanh nghiệp; đến nay Bộ Tài chính chưa có con số cụ thể, cập nhật hơn so với thông tin của Bộ Công an cung cấp hồi đầu tháng 6/2023. Đại diện Bộ Công an cho biết, cơ quan công an đã nhận được 579 đơn tố cáo liên quan đến vụ việc. 

Trong khi đó, theo báo cáo của Manulife, tính đến ngày 31/5, đơn vị này đã tiếp nhận 6.060 hợp đồng. Số khiếu nại mà đơn vị đã hoàn thành giải quyết là 3.553 hợp đồng và hiện đang giải quyết 2.507 hợp đồng; đã hoàn trả số tiền hơn 800 tỷ đồng cho khách hàng.

Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho biết hiện nay, Bộ Tài chính đã công bố đường dây nóng bao gồm số điện thoại và địa chỉ email để tiếp nhận nhanh các thông tin phản ánh của công dân về hoạt động phân phối sản phẩm bảo hiểm qua các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng.

Theo đó, các phản ánh này sẽ được xử lý theo quy định chung. Sau khi tiếp nhận thông tin từ người dân, cơ quan quản lý bảo hiểm sẽ tiến hành phân loại và xác minh thông tin phản ánh, từ đó chuyển nội dung tới các cơ quan liên quan để xử lý, hoặc chuyển tới cơ quan quản lý Nhà nước để sửa đổi, bổ sung hoàn thiện chính sách về kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng.

Với các trường hợp người dân phản ánh bị ngân hàng, nhân viên ngân hàng gian dối trong quá trình bán bảo hiểm, gây thiệt hại, ông Tuấn khuyến khích người dân làm đơn tố cáo gửi tới Cơ quan Công an để được tiếp nhận và xử lý.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chot-thoi-gian-cong-bo-ket-luan-thanh-tra-4-doanh-nghiep-bao-hiem-nhan-tho-2052214.htm