Chiều ngày 25/4/2024, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (mã: HBC) đã tổ chức Đại hội cổ đông thường niên năm 2024 theo hình thức trực tuyến.
Tính đến 14h15p ngày 25/4, số lượng cổ đông trực tiếp tham dự và được ủy quyền tham dự đại hội là 398 cổ đông, đại diện cho hơn 144 triệu cổ phiếu, chiếm 52,65% số cổ phiếu có quyền biểu quyết.
119 NHÀ CUNG CẤP, NHÀ THẦU PHỤ ĐỒNG Ý HOÁN ĐỔI CÔNG NỢ BẰNG CỔ PHIẾU
Ông Lê Viết Hải, Chủ tịch HĐQT Hòa Bình cho biết trong số cổ đông tham dự đại hội ngày hôm nay, có nhiều cổ đông là các nhà cung cấp, nhà thầu phụ được tham gia hoán đổi công nợ. Đến thời điểm diễn ra đại hội cổ đông, HBC đã có 119 nhà cung cấp, nhà thầu phụ, nhà cung ứng vật liệu xây dựng đồng ý hoán đổi công nợ bằng cổ phiếu, đạt được 821 tỷ đồng. Nhưng theo quy định, chỉ cho phép phát hành riêng lẻ tối đa 100 nhà đầu tư và theo dự thảo tờ trình ĐHCĐ là 99 nhà cung cấp, nhà thầu phụ được tham gia hoán đổi công nợ, đến nay, tổng giá trị dự kiến phát hành đã đạt được 740 tỷ đồng.
TIỀM NĂNG CỦA THỊ TRƯỜNG NƯỚC NGOÀI
Theo ông Lê Viết Hải, trong tình trạng khó khăn của thị trường trong nước, Hòa Bình mới nhìn thấy rõ tiềm năng của thị trường nước ngoài. Hòa Bình nói riêng và những doanh nghiệp Việt Nam nói chung hoàn toàn có thể xuất khẩu dịch vụ xây dựng tổng hợp ra thị trường nước ngoài.
Ngành xây dựng của Việt Nam đã có 1 giai đoạn phát triển nhanh chóng sau 50 năm dậm chân tại chỗ từ năm 1945 - 1995 do chiến tranh và các hệ lụy của nó. Suốt thời kỳ bùng nổ xây dựng, ngành xây dựng Việt Nam đã học hỏi, tích hợp tinh hoa, những công nghệ xây dựng, phương pháp quản lý dự án, quản lý doanh nghiệp từ những nước đã phát triển.
Không chỉ có năng lực cạnh tranh cốt lõi, Việt Nam còn có nguồn nhân lực dồi dào, sáng tạo. Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng trong ngành xây dựng của Việt Nam đang ngành càng phát triển với kim ngạch xuất khẩu ngày càng tăng.
Ông Lê Viết Hải cũng cho biết, những sóng gió Xây dựng Hòa Bình gặp phải trong năm 2023 tưởng chừng không thể vượt qua. Tuy nhiên, hiện nay công ty đã có thể vượt qua tình thế "bĩ cực, ngàn cân treo sợi tóc".
Theo BCTC kiểm toán năm 2023, Hòa Bình đạt doanh thu hơn 7.537,1 tỷ đồng, đạt 60% kế hoạch đã đề ra. Trừ chi phí, công ty lỗ 1.115 tỷ đồng.
Năm 2024, HBC đặt mục tiêu tổng doanh thu 10.800 tỷ đồng, tăng 43% so với thực hiện 2023 và lợi nhuận sau thuế 433 tỷ đồng.
TẦM NHÌN 10 NĂM TỚI
Tổng giám đốc Lê Văn Nam cho biết tổng giá trị hợp tác tham gia đấu thầu của HBC cùng với các chủ đầu tư là 34.500 tỷ, thực hiện trong vòng 3 -5 năm. Trong đó, kế hoạch kí hợp đồng 7.000 tỷ trong năm 2024 và ghi nhận doanh thu 2.600 tỷ; backlog 27.500 tỷ sẽ ghi nhận trong các năm tiếp theo.
Tầm nhìn 10 năm từ 2024 - 2033, HBC sẽ khôi phục vị thế trong vòng 3 -5 năm tới, tăng quy mô vốn chủ sở hữu Hòa Bình trên 10.000 tỷ đồng và đẩy mạnh thị trường nước ngoài, hướng tới mục tiêu top 50 công ty xây dựng trên thị trường quốc tế.
Ông Lê Văn Nam, Tổng giám đốc HBC cho biết, Công ty đã đề ra 9 phương án để nâng vốn chủ sở hữu vào năm 2026 lên gần 7.2 ngàn tỷ đồng, bao gồm: Phát hành cổ phiếu để hoán đổi nợ nhà thầu phụ/nhà cung cấp (dự kiến giúp vốn chủ sở hữu tăng thêm 740 tỷ đồng); bán nợ (269 tỷ đồng); bán một phần thiết bị xây dựng (400 tỷ đồng); bàn giao dự án Lake Side do HBC vừa làm chủ đầu tư vừa làm tổng thầu (lợi nhuận dự kiến 72 tỷ đồng); đẩy mạnh thu hồi công nợ để hoàn nhập dự phòng (938 tỷ đồng); triển khai dự án Asscent Nơ Trang Long (500 tỷ đồng); chuyển nhượng một số dự án bất động sản như số 1 Tôn Thất Thuyết và 233& 235 Võ Thị Sáu (tổng 333 tỷ đồng); M&A hai dự án 127 An Dương Vương và Resort Hải Lưu bằng phát hành cổ phiếu cho đối tác (tổng 1,364 tỷ đồng); cuối cùng là phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược (dự kiến 2,400 tỷ đồng).
KẾ HOẠCH CHÀO BÁN RIÊNG LẺ ĐỂ TĂNG VỐN ĐIỀU LỆ NĂM 2024
HĐQT Xây dựng Hòa Bình trình cổ đông phương án chào bán riêng lẻ để tăng vốn điều lệ và hoán đổi nợ mới trong năm nay. Theo đó, tập đoàn dự kiến sẽ phát hành riêng lẻ 74 triệu cổ phiếu (tăng 20 triệu cổ phiếu so với kế hoạch trước đó) với giá chào bán 10.000 đồng/cp để hoán đổi nợ với các chủ nợ là nhà cung cấp, nhà thầu phụ và nhà sản xuất. Cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Bên cạnh đó, Xây dựng Hòa Bình sẽ chào bán riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu (giảm 20 triệu cổ phiếu theo kế hoạch trước đó) với giá 12.000 đồng/cp nhằm tăng vốn điều lệ. Số tiền dự kiến thu về 2.400 tỷ đồng sẽ được dùng để thanh toán các khoản nợ vay của công ty tại Ngân hàng. Đối tượng chào bán là nhà đầu tư chuyên nghiệp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ cũng bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm.
Nếu thực hiện thành công các kế hoạch chào bán và phát hành trên, Xây dựng Hòa Bình sẽ tăng vốn điều lệ gấp đôi lên gần 5.500 tỷ đồng. Tập đoàn dự kiến sẽ hoàn thiện hồ sơ các đơn vị tham gia hoán đổi nợ bằng cổ phiếu HBC để kịp thời nộp cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước vào đầu tháng 5/2024. Thời gian thực hiện dự kiến trong giai đoạn 2024 - 2025.
Khi được hỏi về nghị quyết đưa tài sản thế chấp, Chủ tịch Lê Viết Hải cho biết, HBC là công ty xây dựng, việc vay vốn ngân hàng dựa vào uy tín là chính, thế chấp bằng khoản phải thu, tài sản thế chấp chỉ khoảng 10% hạn mức tín dụng.
Hiện nay, ngân hàng không chấp nhận tỷ lệ tài sản thế chấp bằng khoảng phải thu thấp nữa nên HBC phải huy động thêm tài sản của các cá nhân để đáp ứng. Điều này đòi hỏi phải có 1 chính sách giải quyết quyền lợi cho những người chấp nhận đưa tài sản để thế chấp. Đây là giải pháp bất đắc dĩ trong giai đoạn Tập đoàn khó khăn trong thu hồi nợ.
TẠI SAO CỔ PHIẾU GIÁ 7.000 ĐỒNG, HBC PHÁT HÀNH CHO NHÀ THẦU PHỤ GIÁ 10.000 ĐỒNG?
Cổ đông thắc mắc ""Tại sao giá cổ phiếu đang 7,000-8,000 đồng/cp nhưng HBC phát hành hoán đổi nợ với giá 10,000 đồng/cp, liệu việc phát hành có thành công không?". Chủ tịch Lê Viết Hải chia sẻ, ông đã trao đổi với các thầu phụ, nếu các thầu phụ đã chia sẻ khó khăn với tập đoàn vậy nên chờ đến lúc cổ phiếu về tài khoản và ông tin lúc đó giá cổ phiếu HBC sẽ không như bây giờ.
Những giá trị thật của HBC sắp tới sẽ được đưa vào BCTC như máy móc đã khấu hao hết, các dự án bất động sản dở dang đang ghi nhận nguyên giá. Giá trị thực của HBC, book value thực sự của HBC đang chênh lệch rất nhiều so với sổ sách kế toán và ban lãnh đạo sẽ đưa dần vào BCTC bằng nhiều cách.
Theo ông, các nhà thầu phụ đã hy sinh khi đồng ý hoán đổi với giá cao hơn giá trên sàn nhưng họ cũng tin rằng sau khi vượt qua khó khăn giá cổ phiếu HBC sẽ được hồi phục. Trước đây, giá cổ phiếu của HBC đã có lúc lên hơn 30.000 đồng/cp vào đầu năm 2022. Chúng tôi đã tính book value của Hòa Bình thực tế phải trên 20.000 đồng, cộng thêm giá trị vốn vô hình thì có mức 26.000 - 28.000. Đó là trong điều kiện HBC đang nằm trong diện kiểm soát đặc biệt khi có những rủi ro xảy ra trong năm 2022. Đó là những quyết định vừa vì tình cảm cũng vừa vì kỳ vọng lợi ích trong tương lai.
Ông cũng cho biết thêm đến bây giờ có thể khẳng định, việc phát hành cổ phiếu hoán đổi nợ cơ bản đã chốt lại, đã ký hợp đồng, hoàn thành hồ sơ để nộp UBCKNN. Rủi ro phát hành không thành công gần như là không có.
HBC ĐÃ CÂN ĐỐI ĐƯỢC DÒNG TIỀN
Tổng Giám đốc Lê Văn Nam cũng tiết lộ, về cơ bản, những khó khăn nhất của HBC đã được ghi nhận trong năm 2023, Công ty đã từng có thời gian phải nợ lương CBCNV. Tuy nhiên, Công ty đã tiến hành các giải pháp để thu hồi công nợ, cả bằng tiền lẫn dự án bất động sản, qua đó cân đối được dòng tiền trong giai đoạn khó khăn nhất là cuối năm 2023.
Trong quý 1/2024, Công ty không còn tình trạng nợ lương, đang quyết liệt thu hồi công nợ, đặc biệt là thu bằng tài sản. Công ty cơ bản đã cân đối được dòng tiền, không được 100% nhưng cũng được 90-95%.
HBC cũng đang dần dần lấy lại uy tín, đầu năm đến giờ, uy tín của HBC đã được cải thiện đáng kể thông qua việc được mời đấu thầu tại một số dự án và trúng thầu được một số dự án. HBC cũng đã lập nhiều giải pháp để tái cấu trúc lại tài chính, tăng vốn chủ sở hữu. Theo đó, trong năm 2024, HBC sẽ không còn bị mất thanh khoản như năm 2023.
Kết luận lại, ông Lê Viết Hải cho rằng những khó khăn nhất đã qua, HBC sẽ thực hiện sứ mệnh không chỉ khôi phục vị thế của mình mà bắt đầu hành trình đưa doanh nghiệp Việt Nam ra nước ngoài.
Ngọc Điệp