Nhân kỷ niệm 69 năm ngày thành lập Hội Luật gia Việt Nam, Người Đưa Tin (NĐT) đã lắng nghe những chia sẻ từ TS. Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hội Luật gia Việt Nam về chặng đường phát triển của Hội gắn với sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Trung ương Hội và các cấp Hội địa phương thời gian qua.
NĐT: Xin Chủ tịch chia sẻ về chặng đường 69 năm xây dựng và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam? Đặc biệt là những dấu ấn nổi bật?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Hội Luật gia Việt Nam được thành lập ngày 4/4/1955. Trong 69 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quan tâm của Nhà nước, các thế hệ luật gia Việt Nam đã không ngừng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành cùng với sự phát triển đi lên của đất nước và dân tộc Việt Nam.
Nhìn lại chặng đường 69 năm xây dựng và phát triển của Hội Luật gia Việt Nam, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam hôm nay tự hào về lịch sử hình thành, xây dựng, phát triển của Hội, tự hào về truyền thống tốt đẹp của Hội với những mốc son lịch sử, những thành tích và đóng góp xứng đáng của các thế hệ luật gia cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước, tự hào về sự ghi nhận và niềm tin của Đảng, Nhà nước, xã hội đã dành cho Hội và phấn đấu để giữ trọn niềm tự hào đó cho các thế hệ luật gia mai sau, tiếp tục tô thắm truyền thống của Hội Luật gia Việt Nam.
Đặc biệt là kể từ khi có Chỉ thị số 56-CT/TW, ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị (khóa VIII) về việc tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Luật gia Việt Nam đến nay, tổ chức và hoạt động của Hội Luật gia Việt Nam đã có sự phát triển vượt bậc.
Các cấp hội ngày càng được quan tâm phát triển, đến nay đã có 63/63 Hội Luật gia cấp tỉnh, 42 Chi hội Luật gia trực thuộc Trung ương Hội; 490 Hội Luật gia các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, 4.776 Chi hội Luật gia trực thuộc Hội luật gia các tỉnh, thành phố, quận, huyện và Chi hội Luật gia xã, phường, thị trấn (trong đó 26 tỉnh, thành phố đã có Hội Luật gia ở tất cả các quận, huyện thuộc tỉnh). Số lượng hội viên và chất lượng hội viên ở các cấp hội đều tăng.
Cùng với đó, trong chặng đường phát triển, Hội luôn bám sát các quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và Chính phủ được thể hiện trong Chỉ thị số 56-CT/TW ngày 18/8/2000 của Bộ Chính trị, Kết luận số 19-KL/TW ngày 23/5/2012 của Ban Bí thư, Thông báo kết luận số 50-TB/TW ngày 17/7/2018 của Ban Bí thư; Chỉ thị số 08/CT-TTg ngày 24/5/2013; Chỉ thị số 21/CT-TTg ngày 30/08/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường thực hiện các giải pháp nhằm hỗ trợ, phát huy tốt vai trò của Hội Luật gia Việt Nam trong giai đoạn mới; Đặc biệt là Chỉ thị số 14-CT/TW ngày 01/7/2022 của Bộ Chính trị về tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Luật gia Việt Nam trong tình hình mới; Kế hoạch số 862/KH/ĐĐ-QH15 ngày 12/8/2022 của Đảng đoàn Quốc hội và Kế hoạch số 1829-KH/BCSĐCP ngày 4/5/2023 của Ban cán sự Đảng Chính phủ về triển khai thực hiện Chỉ thị số 14…
Có thể khẳng định, trong các giai đoạn phát triển, các cấp hội và hội viên Hội Luật gia Việt Nam luôn nỗ lực phấn đấu hoàn thành các nhiệm vụ được giao, nhiều hội viên của Hội được giao những cương vị trọng yếu trong các cơ quan cấp cao của Đảng và Nhà nước; hoạt động của Hội ngày càng phong phú, đa dạng, chất lượng, hiệu quả ngày càng cao, được lãnh đạo Đảng và Nhà nước ghi nhận, bạn bè quốc tế trân trọng.
NĐT: Có thể khẳng định, lịch sử của giới luật gia Việt Nam luôn gắn liền với lịch sử của đất nước và dân tộc Việt Nam. Xin Chủ tịch cho biết thêm, riêng đối với công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật Hội đã có những đóng góp như thế nào trong công tác này?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Xuyên suốt chặng đường hình thành và phát triển, công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của các cấp hội luật gia được đẩy mạnh với nhiều hình thức, phương pháp phong phú, đa dạng, chất lượng các hoạt động được nâng cao, nội dung các hoạt động thiết thực, bám sát với yêu cầu thực tế và đã có những đóng góp tích cực vào việc xây dựng và hoàn thiện chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Hội đã chủ trì xây dựng và trình Quốc hội khóa XII thông qua Luật Trọng tài thương mại và trình Quốc hội khóa XIII thông qua Luật trưng cầu ý dân. Việc hoàn thành có chất lượng và đúng thời hạn nhiệm vụ lập pháp do Quốc hội giao đã chứng minh năng lực của Hội Luật gia Việt Nam và khả năng huy động các nguồn lực vào việc trình sáng kiến xây dựng pháp luật và chủ trì soạn thảo các văn bản pháp luật.
Bên cạnh đó, Hội cũng tham gia xây dựng Hiến pháp năm 2013: Hội Luật gia Việt Nam đã cử đại diện tham gia Ủy Ban dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, chỉ đạo triển khai các hoạt động nghiên cứu chuyên sâu trong quá trình tham gia góp ý kiến cho việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước ; tổ chức Hội thảo quốc tế “Chế định tư pháp trong Hiến pháp Việt Nam và một số nước, kinh nghiệm xây dựng và thực thi” ; tổ chức Hội thảo khoa học “Chia sẻ báo cáo khảo sát thu thập ý kiến của các tổ chức xã hội góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992”; tổ chức các Hội nghị lấy ý kiến về Báo cáo góp ý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp của giới luật gia….
Với vị trí là một tổ chức tập hợp đông đảo luật gia có trình độ chuyên môn và kinh nghiệm hoạt động pháp luật, Hội đã được mời tham gia Ban Soạn thảo và Tổ Biên tập trên 50 dự án luật và các văn bản quy phạm pháp luật khác, trong đó có nhiều dự án luật quan trọng như: Bộ luật Dân sự sửa đổi, Bộ luật Hình sự sửa đổi…
Tham gia thẩm định, thẩm tra dự án, dự thảo văn bản quy phạm pháp luật với tư cách là thành viên Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh trực tiếp thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Quyết định số 508/QĐ-TTg ngày 11/4/2014 của Thủ tướng Chính phủ và theo yêu cầu của các Ủy ban của Quốc hội. Hội đã tham gia tích cực vào hoạt động thẩm định, thẩm tra nhiều dự án luật quan trọng góp phần bảo đảm chất lượng hiệu quả hoạt động xây dựng chính sách pháp luật.
Từ khi Chỉ thị số 56 và Chỉ thị số 14 của Bộ Chính trị được ban hành đến nay, hàng năm Trung ương Hội đã tổ chức hàng chục cuộc hội thảo, tọa đàm góp ý văn bản quy phạm pháp luật theo Chương trình xây dựng Luật, pháp lệnh của Quốc hội và theo đề nghị của các cơ quan chủ trì soạn thảo.
Ở địa phương, ngoài các hoạt động chung của toàn Hội, hàng năm, theo yêu cầu của Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan, các cấp hội đã tổ chức góp ý hàng chục ngàn lượt cho dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và địa phương, tham gia xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của các cấp chính quyền; xây dựng các quy chế, hương ước, quy ước văn hoá và các quy định tự quản khác ở địa phương, đơn vị, cơ sở.
Trong những năm qua, Hội Luật gia Việt Nam đã tham gia có hiệu quả vào việc khảo sát, tổng kết việc thi hành nhiều văn bản pháp luật như: Hiến pháp, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Lao động, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Luật Trọng tài thương mại, Luật Mặt trận Tổ quốc, Luật Đất đai... Hoạt động này góp phần tạo dựng một kênh thông tin khách quan có ý nghĩa phản biện và có giá trị tham khảo, được các cơ quan hữu quan đánh giá cao trong quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật…
Ở nhiều địa phương, Hội luật gia đã trở thành chỗ dựa tin cậy của cấp ủy và chính quyền trong công tác xây dựng văn bản pháp luật và văn bản quản lý của chính quyền các cấp như: Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh, Hà Tĩnh, Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Thuận, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Vĩnh Phúc, Sóc Trăng, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Nghệ An, Bình Thuận, Bạc Liêu, Cà Mau, Long An....
Có thể nói, Hội Luật gia các tỉnh, thành phố trong cả nước đã tích cực triển khai thực hiện nhiệm vụ xây dựng chính sách, pháp luật góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật tại địa phương và hệ thống pháp luật Việt Nam.
Qua đó, đã nâng cao vai trò, vị thế của Hội Luật gia Việt Nam nói chung và vai trò, vị thế của các cấp hội ở địa phương nói riêng trong công tác tham mưu, xây dựng và hoàn thiện chính sách pháp luật.
NĐT: Được biết, trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật hiện nay Hội Luật gia Việt Nam đang triển khai xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại, nội dung này đang được thực hiện như thế nào, thưa Chủ tịch?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Luật Trọng tài thương mại, được Quốc hội khóa XII, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17/6/2010, có hiệu lực ngày 01/01/2011. Sau 12 năm thi hành, các tổ chức trọng tài và trọng tài viên phát triển cả về số lượng và chất lượng; số lượng vụ tranh chấp được các bên thỏa thuận lựa chọn giải quyết thông qua trọng tài liên tục thay đổi và có xu hướng ngày một tăng; lĩnh vực tranh chấp ngày càng đa dạng, phong phú hơn.
Tuy nhiên, kết quả nghiên cứu, rà soát Luật Trọng tài thương mại năm 2010 cho thấy còn tồn tại những hạn chế, bất cập như: Thẩm quyền giải quyết các tranh chấp của Trọng tài thương mại đối với tranh chấp có yếu tố nước ngoài liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản tại Việt Nam còn có cách hiểu và áp dụng khác nhau khi xem xét hủy phán quyết trọng tài; Một số quy định của các đạo luật chuyên ngành quy định chưa đúng hoặc chưa phù hợp với Luật Trọng tài thương mại năm 2010 dẫn đến nguy cơ áp dụng không thống nhất…
Những vướng mắc, bất cập nêu trên đã ảnh hưởng đến sự phát triển của trọng tài cũng như phát huy vai trò của trọng tài trong giải quyết các tranh chấp thương mại, ảnh hưởng đến hiệu quả đáp ứng nhu cầu thực tiễn giải quyết tranh chấp đầu tư, kinh doanh, thương mại, đảm bảo phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của Việt Nam…
Thực hiện Kế hoạch số 81/KH-UBTVQH15 ngày 5/11/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị về Đề án định hướng Chương trình xây dựng pháp luật nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Trung ương Hội Luật gia Việt Nam đã ban hành và triển khai thực hiện Kế hoạch số 26/KH-HLGVN ngày 06/02/2023 về xây dựng Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Hội đã thành lập Ban Biên tập và tổ chức Hội thảo cho ý kiến vào dự thảo. Đồng thời, đã gửi dự thảo Hồ sơ xin ý kiến các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy trình của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Đến nay, các Bộ, ngành đã có ý kiến đóng góp gửi Ban biên tập. Chúng tôi đang rà soát thành bộ hồ sơ hoàn thiện trình Chính phủ, đồng thời trình UBTVQH và Ban chỉ đạo Cải cách Tư pháp Trung ương.
NĐT: Để việc tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng chất lượng và hiệu quả, xin Chủ tịch cho biết Trung ương Hội và các cấp Hội cần tiếp tục triển khai những nhiệm vụ trọng tâm nào?
Chủ tịch Nguyễn Văn Quyền: Nhằm phát huy tốt hơn nữa vai trò và khả năng của các cấp Hội Luật gia Việt Nam trong công tác tham gia xây dựng chính sách, pháp luật theo tinh thần các văn bản chỉ đạo của Đảng, Nhà nước, thời gian tới, các cấp Hội cần tích cực, chủ động triển các nhiệm vụ trọng tâm như:
Trước mắt, tổ chức nghiên cứu, góp ý kiến đối với các dự án luật, pháp lệnh theo Nghị quyết số: 89/2023/QH15 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, trong đó tập trung vào các dự án Luật như: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Đường bộ, Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ; Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tư pháp người chưa thành niên…
Tham gia xây dựng, góp ý kiến đầy đủ và có chất lượng đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản quản lý, điều hành của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cấp bộ, ngành, Đoàn đại biểu Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp và các cơ quan có thẩm quyền khác khi được yêu cầu.
Đồng thời, tổ chức nghiên cứu, đóng góp ý kiến đối với Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Trọng tài thương mại.
Cùng với đó, tổ chức nghiên cứu, góp ý các chương trình, đề án, các văn bản quy phạm pháp luật khác theo yêu cầu của Đảng, Nhà nước hoặc phát sinh từ nhu cầu thực tiễn, triển khai các hoạt động khác trong khuôn khổ các thỏa thuận hợp tác đã ký kết giữa Trung ương Hội Luật gia Việt Nam với các bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
Mặt khác, để việc tham gia vào hoạt động xây dựng pháp luật ngày càng chất lượng và hiệu quả, Hội luật gia Việt Nam và các cấp Hội cần tiếp tục nâng cao năng lực chuyên môn nghiệp vụ xây dựng văn bản của hội viên và tổ chức Hội; chủ động cập nhật thông tin, nắm bắt kịp thời vướng mắc trong thực hiện pháp luật và yêu cầu từ thực tiễn của đời sống xã hội để đề xuất với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới văn bản pháp luật; phát huy tinh thần trách nhiệm của từng hội viên và tổ chức Hội trong hoạt động xây dựng pháp luật.
Là tổ chức chính trị-xã hội-nghề nghiệp, tổ chức lớn nhất của những người đã và đang làm công tác pháp luật trong tất cả các lĩnh vực của đời sống chính trị-kinh tế-xã hội của đất nước từ Trung ương xuống cơ sở, đòi hỏi giới luật gia Việt Nam cần phải tăng cường củng cố tổ chức và hoạt động, nỗ lực, tích cực nhiều hơn nữa góp phần thực hiện thành công mục tiêu chung mà Đảng và Nhà nước đề ra.
NĐT: Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!.