Tại hội thảo "Hạ nhiệt giá vé máy bay được không?" do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 17/5, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel Corp – doanh nghiệp hoạt động trong cả ngành hàng không và du lịch, đã phân tích kỹ lưỡng những lý do giá vé máy bay tăng cao cũng như nhiều thắc mắc của dư luận, chẳng hạn như tại sao đi du lịch Thái Lan lại rẻ hơn nội địa.
Để chỉ ra nguyên nhân sâu xa khiến giá vé máy bay tăng cao, ông Nguyễn Quốc Kỳ nhấn mạnh các hãng hàng không Việt Nam đang bay gia công, chưa nắm được công nghệ lõi.
"Kể cả đội tàu có mua về để tại Việt Nam, nhà sản xuất bảo động cơ không bay được là phải dừng, không phải muốn bay là bay được. Chúng ta chỉ có khách hàng, thị trường, đội ngũ phục vụ, sân bay… Về phương tiện bay thì không làm chủ được phần trăm nào hết. Đến phần mềm bán vé máy bay cũng của nước ngoài nốt.
Một ngành công nghiệp mà không nắm được lõi thì việc chúng ta chịu ảnh hưởng là bình thường. Xăng dầu nhích lên một chút thôi là hồi hộp. Các hãng hàng không phải lấy lời từ dịch vụ phụ trợ khác, còn bản thân hoạt động bay hiện nay là lỗ", vị Chủ tịch nêu thực tế.
Ông Kỳ trích dẫn báo cáo Global Trend của FCM Consulting cho thấy giá vé máy bay hạng phổ thông trên toàn thế giới năm 2023 đã tăng 17-25% so với năm 2019 – thời điểm trước dịch, riêng châu Á tăng 21%. Xu thế toàn cầu trong năm 2024 sẽ tiếp tục tăng 3-7%
"Như vậy không chỉ Việt Nam tăng mà cả thế giới tăng. Chưa bao giờ vé máy bay từ đây đi Mỹ đắt thế. Trước đây vé hạng business có lúc bán 3.000 - 4.000 USD, bây giờ phải 9.000 - 11.000 USD, tức là tăng gấp đôi. Với hạng phổ thông, trước đây giá vé khoảng 750 - 900 USD, còn bây giờ là 1.700 - 2.100 USD tùy thời điểm", ông lấy ví dụ.
Theo tính toán của ông Kỳ, thị trường Việt Nam đang mất khoảng 45-50 tàu bay, tính cả 3 hãng Vietnam Airlines, Vietjet và Bamboo Airways. Toàn thị trường có khoảng 270 tàu. Mặc dù lượng tải thị trường xuống, nhưng nhu cầu lại tăng nhanh do đông đảo người dân sau dịch muốn "đi chữa lành". Mọi người cũng mong muốn di chuyển nhanh hơn, ít chạm hơn, an toàn hơn, nên nhu cầu đi đường hàng không tăng.
Đề cập tới ảnh hưởng của ngành hàng không đến du lịch, ông Kỳ bày tỏ "nỗi buồn" khi đọc những ý kiến cho rằng giá vé máy bay cao nên khách không đến điểm du lịch.
"Nhiều địa phương quản lý điểm đến rất tốt, nhưng chúng ta cũng phải thừa nhận do một số điểm quản lý không tốt nên khách không chịu đi. Ngành du lịch Bà Rịa – Vũng Tàu tăng vọt trong dịp hè chỉ vì làm sạch được toàn bộ bãi biển.
Việc thu hút du khách là tổng hòa của nhiều yếu tố, vì du lịch là ngành kinh tế tổng hợp, không phải chuyên ngành như hàng không. Vì thế, nếu nói vì giá vé máy bay cao nên khách không đi du lịch là mới nói được một cái chân của con voi, chưa nói được cả con voi", Chủ tịch Vietravel nêu quan điểm.
Để giải quyết vấn đề giá vé, ông Kỳ cho rằng các địa phương có thể xem xét hỗ trợ các hãng hàng không khi mở đường bay tới địa phương, các hãng hàng không phối hợp chặt chẽ với phía công ty du lịch, tăng cường bay charter (bay thuê chuyến) để tận dụng thời gian bay và nhu cầu thị trường…
Bên cạnh đó, ông cho biết 3 bên lưu trú, vận chuyển và dịch vụ đều lấy sản phẩm nguyên giá rồi mới đưa cho bên lữ hành, dẫn đến khó bán sản phẩm.
"Việt Nam chúng ta chưa có sản phẩm 3 trong 1, 4 trong 1. Bảo đi nước ngoài rẻ hơn trong nước chỉ có Thái Lan thôi, sang các nước khác không hề rẻ. Lý do là vì Thái Lan có chính sách 4 trong 1, tức là một bên lấy tiền rồi chia lời cho các bên còn lại. Họ bán dưới giá thành nhưng lấy lời từ dịch vụ mua bán, lưu trú, chủ yếu là shopping. Ngành du lịch của họ làm rất tốt", Chủ tịch Vietravel lý giải.
"Cuối cùng, hãy thôi trách móc nhau và ngồi lại để giải quyết vấn đề", ông kết luận.
Minh Anh