Chiều 28/4, VPBank họp Đại hội cổ đông thường niên năm 2025 tại Hà Nội. Ngoài các vấn đề về giá cổ phiếu, nợ xấu và kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm, một cổ đông băn khoăn: "Tại sao các ngân hàng khác đã công bố chiến lược sau khi nhận chuyển giao bắt buộc, còn VPBank vẫn chưa?"
Trả lời thắc mắc này, ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị VPBank, cho biết công tác chuẩn bị cho đề án tái cơ cấu Ngân hàng GPBank đã được ban điều hành thực hiện kỹ lưỡng ngay từ khi tiếp nhận.
"VPBank đã chính thức tiếp quản GPBank từ tháng 1/2025 và đến nay đã công bố danh sách nhân sự mới. Đây là bước quan trọng trong lộ trình tái cơ cấu", Chủ tịch VPBank nói. Theo đó, ngân hàng đã bổ nhiệm bà Phạm Thị Nhung giữ chức Chủ tịch Hội đồng thành viên Ngân hàng TM TNHH MTV Dầu khí Toàn cầu (GPBank).
Theo ông Dũng, ngoài nhân sự, VPBank còn xây dựng chương trình hành động phối hợp cùng đối tác chiến lược để đẩy nhanh quá trình tái cấu trúc. "Với kinh nghiệm và năng lực vận hành, chúng tôi tin tưởng sẽ tái cơ cấu thành công GPBank", Chủ tịch VPBank nhấn mạnh.
Trước khi chuyển giao, GPBank ghi nhận mức lỗ khoảng 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Tuy nhiên, với việc chính thức tiếp quản từ đầu năm 2025, VPBank đặt mục tiêu trong những tháng cuối năm 2025 sẽ đưa GPBank từ lỗ sang có lãi, dự kiến đạt ít nhất 500 tỷ đồng lợi nhuận.
"Chúng ta chắc chắn sẽ tái cơ cấu thành công", ông Ngô Chí Dũng khẳng định trước cổ đông.
Ngoài tương lai của VPBank, câu chuyện chia cổ tức của ngân hàng cũng là một trong những vấn đề được cổ đông quan tâm. Ông Ngô Chí Dũng cho biết, cách đây ba năm, ngân hàng đã duy trì chính sách chi trả cổ tức bằng tiền mặt, với mục tiêu cân đối giữa việc đảm bảo nguồn vốn hoạt động và đáp ứng kỳ vọng của cổ đông.
"Chúng ta đã đạt tăng trưởng vượt bậc về quy mô, đồng thời cân bằng được nhu cầu phát triển dài hạn và quyền lợi cổ đông", ông nói. Năm nay, ngân hàng dự kiến chia cổ tức tiền mặt 5%, tương đương khoảng 4.000 tỷ đồng. Tính chung những năm qua, tổng số tiền chi trả cổ tức đạt khoảng 20.000 tỷ đồng, vừa đảm bảo lợi ích cổ đông, vừa duy trì nguồn lực phát triển.
Theo ông Dũng, trong hai năm tới, ngân hàng sẽ tiếp tục chia cổ tức bằng tiền mặt. Tuy nhiên, tỷ lệ cụ thể sẽ được cân nhắc dựa trên nhiều yếu tố, như diễn biến vĩ mô và tình hình kinh doanh thực tế.
Năm 2025, VPBank đặt kế hoạch tổng tài sản hợp nhất đạt 1.132.800 tỷ đồng, tăng 23% so với thực tế 923.848 tỷ đồng năm 2024. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2025 dự kiến đạt 25.270 tỷ đồng, tăng 26% so với 20.013 tỷ đồng thực tế năm 2024.
Tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng riêng lẻ được kiểm soát dưới 3%, trong khi năm 2024 ghi nhận tỷ lệ 2,47%.
Trong cơ cấu lợi nhuận, ngân hàng riêng lẻ đặt mục tiêu 22.219 tỷ đồng, tăng 22% so với 18.260 tỷ đồng năm trước. FE Credit dự kiến mang về 1.126 tỷ đồng, tăng 120% so với 512 tỷ đồng của năm 2024. VPBankS lên kế hoạch lợi nhuận 2.003 tỷ đồng, cao hơn 64% so với thực tế 1.220 tỷ đồng năm trước. OPES đặt mục tiêu đạt 636 tỷ đồng lợi nhuận, tăng 34% so với mức 474 tỷ đồng thực tế năm 2024.
Đàm Thị Thuý Vân
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chu-tich-vpbank-ngo-chi-dung-chung-toi-se-bien-gpbank-tu-lo-thanh-lai-20525042816364715.htm