CTCP Chứng khoán Châu Á Thái Bình Dương (APEC, MCK: APS) vừa công bố báo cáo tài chính năm 2023 đã kiểm toán với doanh thu hoạt động đạt 434 tỷ đồng, tăng 3% so với năm trước. Trong đó, lãi từ các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) ở mức 405 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm trước.
Năm 2023, chi phí hoạt động của APS được tiết giảm 56%, xuống còn 423,6 tỷ đồng; ngược lại, chi phí quản lý công ty chứng khoán tăng 9,3 lần, lên mức 193,4 tỷ đồng.
Sau cùng, APS tiếp tục báo lỗ sau thuế 180 tỷ đồng, trong khi năm trước lỗ đến 449 tỷ đồng.
Tại ngày 31/12/2023, tổng tài sản của APS đạt 802,7 tỷ đồng, giảm 17,7% so với số đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất là các tài sản tài chính ghi nhận thông qua lãi/lỗ (FVTPL) đạt 426,3 tỷ đồng, chiếm 53% tổng tài sản. Trong đó, danh mục cổ phiếu niêm yết tạm lỗ 197 tỷ đồng, lỗ nhiều nhất là cổ phiếu API với giá mua 188,8 tỷ đồng, tuy nhiên giá trị hợp lý tại thời điểm kết thúc năm 2023 chỉ còn 62,8 tỷ đồng, tức tạm lỗ 126 tỷ đồng; cổ phiếu IDJ tạm lỗ 66 tỷ đồng… Cổ phiếu chưa niêm yết tạm lỗ hơn 30 tỷ đồng, trong đó, lỗ tạm tính lớn nhất là khoản đầu tư cổ phiếu của CTCP Tập đoàn APEC Group lỗ 20 tỷ đồng và cổ phiếu của CTCP Thép Đình Vũ lỗ 5,6 tỷ đồng, cổ phiếu của CTCP Dreamworks Việt Nam lỗ 3,3 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, vốn chủ sở hữu của APS đạt 781,3 tỷ đồng, giảm 18,7% so với đầu năm, trong khi vốn góp của chủ sở hữu là 830 tỷ đồng. Cổ đông lớn nhất của APS là ông Nguyễn Đỗ Lăng với tỷ lệ sở hữu 14,3% vốn điều lệ.
Tại thời điểm kết thúc năm 2023, chứng khoán APS đang ghi nhận lỗ luỹ kế 65,4 tỷ đồng.
Đáng chú ý, tại ngày 31/12/2023, khoản mục “Tạm ứng” bao gồm khoản tạm ứng cho các cá nhân là nhân viên công ty với mục đích tạm ứng kinh doanh số tiền 172,2 tỷ đồng đã bị đơn vị kiểm toán đã đưa ra ý kiến ngoại trừ do tính đến thời điểm lập báo cáo, đơn vị kiểm toán chưa được cung cấp đầy đủ các tài liệu liên quan đến tình hình sử dụng các khoản tạm ứng nêu trên. Mặc dù Ban Tổng Giám đốc đã đánh giá các khoản tạm ứng trên là những khoản có thể gây ra tổn thất tài sản và đã thực hiện trích lập dự phòng 100% giá trị. Tuy nhiên, đến thời điểm phát hành báo cáo này, đơn vị kiểm toán không đánh giá được tính hiện hữu, hợp lý của số dư các khoản tạm ứng nêu trên cũng như mục đích sử dụng của các khoản tạm ứng này.
Bên cạnh đó, đơn vị kiểm toán cũng nhấn mạnh việc ngày 28/06/2023 cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với 5 cá nhân Công ty về tội “Thao túng thị trường Chứng khoán” xảy ra tại APS, CTCP Đầu tư châu Á - Thái Bình Dương (API) và CTCP Đầu tư IDJ Việt Nam (IDJ). Trên Báo cáo tình hình tài chính tại ngày 31/12/2023, Công ty đang ghi nhận giá trị mã cổ phiếu API là 62,8 tỷ đồng và mã cổ phiếu IDJ là 103,5 đồng. Cơ quan chức năng đang trong quá trình điều tra và đến nay chưa có kết luận chính thức.
Được biết, sau quyết định khởi tố vụ án hình sự thao túng thị trường chứng khoán xảy ra tại API, APS, IDJ ban hành ngày 22/6/2023, Cơ quan An ninh điều tra đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với 5 bị can về tội Thao túng thị trường chứng khoán quy định tại Điều 211 Bộ luật hình sự 2015, gồm ông Nguyễn Đỗ Lăng - Tổng giám đốc APS, ông Phạm Duy Hưng - Chủ tịch Hội đồng quản trị APS, Huỳnh Thị Mai Dung - vợ Nguyễn Đỗ Lăng, Nguyễn Thị Thanh - Kế toán trưởng APS và Phạm Thị Đức Việt - Phó phòng dịch vụ khách hàng APS.
Quá trình điều tra xác định, từ ngày 4/5/2021 - 31/12/2021, vợ chồng ông Lăng cùng Phạm Duy Hưng đã chỉ đạo các đồng phạm sử dụng 40 tài khoản chứng khoán mở tại Chứng khoán APS để liên tục mua bán nhằm tạo cung cầu giả nhằm đẩy giá 3 mã cổ phiếu APS, API và IDJ. Theo ước tính ban đầu của cơ quan điều tra, ông Lăng và các cá nhân liên quan đã thu lợi bất chính hơn 157 tỷ đồng từ hành vi này.
Hà Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-apec-aps-cua-ong-nguyen-do-lang-lo-180-ty-dong-trong-nam-2023-20511961.htm