Chứng khoán bất ngờ giảm sâu, thanh khoản chạm mốc tỷ USD, nhà đầu tư nên hành động thế nào?

Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 32.400 tỷ đồng (tương đương gần 1,2 tỷ USD).

Dứt chuỗi giằng co quanh vùng đỉnh 20 tháng, chứng khoán Việt Nam quay đầu giảm mạnh trong phiên giao dịch cuối tuần. Áp lực bán tháo xuất hiện trong phiên chiều, tâm điểm là nhóm vốn hóa lớn khiến VN-Index có thời điểm đánh rơi gần 30 điểm. Tâm lý dần ổn định về cuối phiên giúp lực bán chững lại đáng kể, VN-Index "rút chân" đóng cửa phiên 24/5 với mức giảm 19,10 điểm (-1,49%) xuống 1.262 điểm.

Đáng chú ý, giao dịch rất sôi động đã đẩy thanh khoản thị trường tăng đột biến với khối lượng giao dịch vượt ngưỡng 1,37 tỷ cổ phiếu. Tính riêng giá trị khớp lệnh trên sàn HOSE đạt gần 32.400 tỷ đồng (tương đương gần 1,2 tỷ USD). Giao dịch khối ngoại cũng không mấy tích cực khi họ bán ròng hơn 1.500 tỷ đồng trên sàn HoSE.

Ảnh chụp Màn hình 2024-05-24 lúc 16.07.13.png

Nhận định diễn biến thị trường phiên hôm nay, ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng việc thị trường giảm sâu đến từ một vài nguyên nhân.

Thứ nhất, thị trường trong nước chịu áp lực từ cú giảm sốc của thế giới đêm trước đó. Dow Jones sụt 605,78 điểm (tương đương 1,53%) trong phiên 23/5 xuống 39.065,26 điểm, chứng kiến phiên tồi tệ nhất từ đầu năm đến nay. Chứng khoán Mỹ lao dốc trước lo ngại Fed sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian lâu hơn.

Thứ hai, áp lực tỷ giá khiến thị trường thận trọng. Bất chấp Ngân hàng Nhà nước nỗ lực can thiệp bằng nhiều biện pháp, tỷ giá vẫn quay trở lại đà tăng trở lại trong những ngày gần đây. Đặc biệt, lãi suất trái phiếu, đồng USD có xu hướng tăng trở lại dấy lên lo ngại sự chênh lệch lãi suất giữa tiền USD và tiền VND ngày càng nới rộng. Theo chuyên gia, khả năng tỷ giá còn chịu nhiều áp lực từ nay đến cuối năm và có nguy cơ ảnh hưởng đến lạm phát.

Thứ ba, nhịp phục hồi của chỉ số trong phiên vừa qua khá phân hoá và chủ yếu được dẫn dắt bởi các cổ phiếu trụ, trong khi mặt bằng cổ phiếu chung đã kém đi đáng kể. Cú rũ cánh của loạt cổ phiếu bluechips cũng gây áp lực lớn đến thị trường chung.

Thứ tư, khối ngoại bán ròng kịch liệt trong thời gian gần đây cũng tác động đến tâm lý nhà đầu tư. Tính chung 5 tháng đầu năm, khối ngoại đã bán ròng xấp xỉ hơn 26.000 tỷ đồng, vượt hẳn mức bán ròng 23.000 tỷ đồng trong cả năm 2023.

Phiên phân phối đỉnh đã diễn ra

Hiện tại, chuyên gia Yuanta cho rằng áp lực tỷ giá là điều đáng ngại nhất với thị trường. Việc NHNN tăng lãi suất OMO và lãi suất tín phiếu mới đây được kỳ vọng sẽ thiết lập mặt bằng lãi suất liên ngân hàng cao hơn, qua đó làm giảm áp lực tỷ giá và tăng dự trữ ngoại hối.

Tuy nhiên, tăng lãi suất OMO chỉ tác động ngắn hạn giúp tỷ giá không tăng mạnh. Để ghìm được áp lực tỷ giá, chuyên gia cho rằng NHNN cần tăng lãi suất điều hành để giúp khoảng cách tiền USD và tiền VND thu hẹp.

Bên cạnh áp lực tỷ giá, xu hướng giảm của chứng khoán thế giới có thể sẽ tiếp tục tác động đến thị trường trong nước.

Với việc thanh khoản gia tăng trong phiên giảm mạnh, ông Minh cho rằng thị trường đã có tín hiệu phân phối. Theo dự báo của vị chuyên gia, VN-Index đã tạo đỉnh và xác lập xu hướng giảm trong ngắn hạn.

Với những rủi ro hiện hữu, VN-Index có thể nhúng và kiểm định lại vùng 1.250 điểm, khả năng xấu nhất chỉ số có thể về 1.200-1.210 điểm. Tuy nhiên, VN-Index khó có khả năng "thủng" 1.200 điểm vì cổ phiếu vẫn là kênh đầu tư hấp dẫn khi các kênh đầu tư khác gặp khó và lượng dòng tiền chực chờ gia nhập thị trường chứng khoán rất lớn.

Tuy nhiên, việc biến động mạnh trong một phiên giao dịch, chuyên gia Yuanta cho rằng dòng tiền bắt đáy sẽ chưa vội vàng nhập trong ngắn hạn. Nhà đầu tư nên quan sát những tín hiệu về chứng khoán thế giới, giá cả hàng hoá, đồng USD, tỷ giá để đưa ra quyết định giải ngân khi VN-Index về những vùng hỗ trợ mạnh.

Mai Chi

Mai Chi

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-bat-ngo-giam-sau-thanh-khoan-cham-moc-ty-usd-nha-dau-tu-nen-hanh-dong-the-nao-20515101.htm