Chứng khoán BIDV muốn vay ngân hàng 4.300 tỷ đồng

Chứng khoán BIDV vừa phê duyệt hạn mức tín dụng 2.800 tỷ đồng tại VPBank và 1.500 tỷ đồng tại Vietcombank- Chi nhánh Tây Hồ.

Công ty Cổ phần Chứng khoán BIDV (BSC, MCK: BSI, sàn HoSE) vừa công bố các quyết định về việc phê duyệt hạn mức tín dụng tại Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) - Chi nhánh Tây Hồ.

Theo đó, Chứng khoán BIDV phê duyệt hạn mức tín dụng 2.800 tỷ đồng tại VPBank, thời hạn hiệu lực hạn mức tối đa 12 tháng kể từ ngày được phê duyệt.

Tài sản đảm bảo theo quy định của VPBank từng thời kỳ. Hạn mức vay không có tài sản đảm bảo tối đa 3 tháng và hạn mức vay có tài sản đảm bảo tối đa 6 tháng.

Chứng khoán BIDV muốn vay ngân hàng 4.300 tỷ đồng - Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Được biết, Chứng khoán BIDV sử dụng hạn mức tín dụng nêu trên nhằm cho vay đầu tư/kinh doanh trái phiếu Chính phủ.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn phê duyệt hạn mức tín dụng 1.500 tỷ đồng tại Vietcombank- Chi nhánh Tây Hồ, thời hạn hiệu lực hạn mức tối đa 12 tháng kể từ ngày được phê duyệt.

Thời hạn mỗi khoản vay là tối đa 6 tháng, thời hạn mỗi khoản bảo lãnh tối đa 12 tháng. Tài sản đảm bảo và lãi suất, phí theo quy định của Vietcombank từng thời kỳ.

Chứng khoán BIDV muốn vay số tiền nêu trên để bổ sung vốn lưu động đầu tư kinh doanh công cụ nợ (không bao gồm trái phiếu doanh nghiệp). Đồng thời, nhằm phát hành bảo lãnh vay vốn đảm bảo cho các khoản vay tổ chức tín dụng nước ngoài và tổ chức tín dụng 100% vốn nước ngoài thành lập tại Việt Nam phục vụ hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định của pháp luật.

Về tình hình kinh doanh, theo báo cáo tài chính quý II/2025, Chứng khoán BIDV ghi nhận doanh thu hoạt động 506 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ.

Trong đó, hoạt động tự doanh mang về 193 tỷ đồng, tăng 10%; hoạt động cho vay mang về 158 tỷ đồng, tăng 18%. Kỳ này, Chứng khoán BIDV phát sinh khoản doanh thu bảo lãnh phát hành 25 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận.

Cùng chiều doanh thu, chi phí hoạt động cũng tăng lên 244 tỷ đồng, tương ứng tăng 17%. Trong đó, chủ yếu do lỗ từ tài sản tài chính FVTPL tăng 28%, lên tới 164 tỷ đồng.

Áp lực chi phí đã bào mòn lợi nhuận trước và sau thuế của Chứng khoán BIDV về còn gần 127 tỷ đồng và gần 102 tỷ đồng, giảm lần lượt 7% và 11% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu hoạt động của BSI tăng 9%, đạt gần 844 tỷ đồng. Tuy nhiên, chi phí hoạt động tăng mạnh hơn với 27% ghi nhận 383 tỷ đồng, trong đó, lỗ tài sản FVTPL tăng 66% ở mức 240 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, chi phí tài chính nửa đầu năm tăng tới 90% lên mức 147 tỷ đồng. Với các yếu tố trên, lợi nhuận trước và sau thuế lũy kế nửa đầu năm ghi nhận 227 và 183 tỷ đồng, lần lượt giảm 26% và 27% so với cùng kỳ.

Sau 6 tháng đầu năm, Chứng khoán BIDV tăng quy mô tổng tài sản thêm 40% lên mức 14.847 tỷ đồng; chiếm 45% tổng tài sản là dư nợ cho vay ở mức trên 6.600 tỷ đồng, tăng 1.400 tỷ đồng so với đầu năm. Tài sản HTM ghi nhận 1.577 tỷ đồng.

Danh mục tài sản FVTPL có giá gốc gần 5.592 tỷ đồng, tăng tới 88% so với đầu năm. Trong đó, BSC tăng nắm giữ trái phiếu niêm yết từ gần 1.012 tỷ đồng lên 1.685 tỷ đồng; trái phiếu chưa niêm yết tăng từ 583 tỷ đồng lên 1.821 tỷ đồng; chứng chỉ tiền gửi tăng gấp đôi lên hơn 1.403 tỷ đồng.

Chứng khoán BIDV muốn vay ngân hàng 4.300 tỷ đồng - Ảnh 2.

Danh mục tài sản FVTPL của BSC tại thời điểm cuối quý II/2025

Trong khi đó, đầu tư vào cổ phiếu niêm yết giảm nhẹ còn gần 563 tỷ đồng, với các mã đáng chú ý gồm: VPB, HPG, VHC.

Về cơ cấu nguồn vốn, vay nợ tài chính tăng vọt 67% lên mức 8.146 tỷ đồng, bao gồm vay Vietcombank và VIB 1.600 tỷ đồng, vay đối tượng khác hơn 5.600 tỷ đồng.

PV

Đặng Thị Quỳnh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-bidv-muon-vay-ngan-hang-4300-ty-dong-205250722162834797.htm