Thị trường chứng khoán có nhiều diễn biến khởi sắc từ đầu năm, đặc biệt trong quý 1. Đà tăng có dấu hiệu chững lại trong quý 2 khi áp lực chốt lời gia tăng mạnh gần ngưỡng cản tâm lý quanh 1.300 điểm. Thị trường có vài nhịp điều chỉnh sâu nhưng sau đó cũng hồi phục khá mạnh. Nhìn chung, xu hướng đi lên vẫn được duy trì, VN-Index ghi nhận mức tăng 13,55% từ đầu năm.
Xác suất để nhà đầu tư chọn được cổ phiếu trên HoSE chiến thắng VN-Index là khá cao, với 40%. Nhiều cái tên "hot" đã tăng mạnh, trên 50% từ đầu năm, có thể kể đến như FPT, Thế giới Di động (MWG), Techcombank (TCB), GVR, Viettel Construction (CTR), Viettel Post (VTP), FPT Retail (FRT),… Thậm chí, một số cổ phiếu còn tăng bằng lần, như Vietnam Airlines (HVN), LPBank (LPB), Hóa chất cơ bản Miền nam (CSV),…
Mặt khác, cũng có đến 60% cổ phiếu trên HoSE có hiệu suất thua VN-Index tính từ đầu năm đến nay, trong đó, 124 mã thậm chí còn giảm điểm. Không ít "tên tuổi" đáng chú ý như Vingroup (VIC), Vinhomes (VHM), Vincom Retail (VRE), Vietjet (VJC), Sabeco (SAB), Novaland (NVL), Đất Xanh (DXG), Viglacera (VGC), VNDirect (VND)… cũng nằm trong danh sách này.
Có thể dễ dàng nhận thấy sự phân hóa giữa các nhóm ngành. Công nghệ, bán lẻ, hàng không,… là các nhóm ngành được hỗ trợ bởi những câu chuyện từ vĩ mô, được đánh giá có tác động tích cực đến kết quả kinh doanh. Điển hình như với nhóm công nghệ là "trend" AI, bán dẫn đang gây sốt trên toàn cầu. Nhóm bán lẻ được hưởng lợi từ chính sách giảm VAT, tăng lương cơ sở,…
Ngược lại, thị trường bất động sản vẫn tương đối ảm đạm khiến các doanh nghiệp nhóm này gặp nhiều khó khăn về tài chính. Áp lực trái phiếu đáo hạn vẫn còn gây sức ép lên dòng tiền khiến nhà đầu tư lo ngại. Sự khó khăn của các doanh nghiệp bất động sản cũng ảnh hưởng đến nhiều ngân hàng. Dù có một làn sóng "cổ tức" rất lớn trên diện rộng thời gian qua nhưng nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn phân hóa rõ rệt.
Sự chia rẽ giữa các nhóm ngành, giữa các cổ phiếu là nguyên nhân khiến VN-Index chưa thể bứt phá vượt 1.300 dù đã thử thách tại mốc điểm này nhiều lần trong hơn 3 tháng qua. Xu hướng này được dự báo sẽ còn tiếp diễn trong thời gian tới. Chỉ số có thể vẫn "dậm chân tại chỗ" nhưng nhiều cổ phiếu sẽ tiếp tục đi lên, vượt đỉnh trong khi số khác miệt mài dò đáy.
Nhóm ngành có thể dẫn sóng nửa cuối năm
Trong báo cáo "Vượt qua thách thức, vững bước tiến lên" của MBS, đội ngũ phân tích nhận định VN-Index chưa đạt đỉnh và có thể sẽ đạt 1.350 – 1.380 điểm vào cuối năm nhờ lực đỡ của nhóm vốn hóa lớn. Báo cáo cũng chỉ ra những nhóm ngành có triển vọng lạc quan trong nửa cuối năm 2024.
Với nhóm ngân hàng, MBS dự báo tăng trưởng lợi nhuận sẽ cải thiện từ mức nền thấp năm trước. Tín dụng sẽ tập trung vào các ngân hàng có khả năng "hy sinh" NIM nhiều hơn so với ngành hoặc chất lượng tài sản vững chắc hơn. Trong khi đó, chất lượng tài sản dự kiến suy giảm vào cuối năm nay so với quý 1/2024. Lợi nhuận của các ngân hàng trong danh sách theo dõi dự báo tăng 15,3%. Về định giá, MBS Research cũng nhìn nhận định giá của các ngân hàng hiện đang ở mức rất hấp dẫn, P/B hiện thấp hơn mức trung bình 1 năm, 3 năm và mức đỉnh thiết lập trong năm 2021.
Nhóm bất động sản dân cư được nhìn nhận có nhiều tín hiệu hồi phục tích cực khi nguồn cung hồi phục, lãi suất về mức hấp dẫn để kích thích phát triển thị trường. Việc hoàn thiện về hệ thống phát lý sẽ giúp thị trường bất động sản phát triển bền vững ở nguồn cung lẫn nhu cầu. Bên cạnh đó, các hoạt động tái cấu trúc nguồn vốn và M&A dự án BĐS sẽ sôi động trong phần còn lại của năm 2024.
Về nhóm bất động sản KCN, MBS kỳ vọng với nhiều lợi thế nhưng đi kèm thách thức trong nửa cuối năm 2024. Theo đó, giá cho thuê đất ổn định, nhu cầu thuê cao nhờ dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước gia tăng, dòng vốn FDI tích cực, nhiều KCN được xây dựng tạo nguồn cung đất KCN mới sẽ là điểm sáng cho nhóm ngành này. Tuy nhiên, khó khăn vẫn còn tiềm ẩn khi sự gia tăng cạnh tranh thu hút FDI với các nước trong khu vực, nguy cơ thiếu điện cho sản xuất trong mùa cao điểm và chính sách thuế tối thiểu toàn cầu.
Nhóm thép được MBS nhận định sẽ bước vào "chu kỳ tăng trưởng mới". Lợi nhuận công ty thép dự kiến tăng trưởng 40% vào năm 2024 nhờ các yếu tố. (1) Ngành thép có thể phục hồi nhờ tín hiệu tích cực của bất động sản. (2) Biên lợi nhuận gộp phục hồi lên 13% nhờ giá đầu ra tăng 8% yoy và nguyên liệu giảm khoảng 4% yoy do nguồn cung ổn định. Bên cạnh đó, doanh nghiệp thép có thể thêm cơ hội mở rộng thị phần nhờ thuế chống phá giá.
Với nhóm bán lẻ, MBS kỳ vọng vào sự phục hồi tiêu dùng. Trong đó, MWG được hưởng lợi nhờ hàng tiêu dùng không thiết yếu hồi phục từ mức nền thấp năm 2023, dự báo tổng doanh thu năm 2024 đạt 128.503 tỷ đồng (+9% svck). MBS cũng kỳ vọng BHX sẽ đạt điểm hòa vốn vào giữa năm 2024 và sẽ mang lại lợi nhuận khoảng 500 tỷ đồng.
Hà Linh