Chứng khoán HVS Việt Nam bị phạt vì tự ý thay đổi trụ sở

Chứng khoán HVS Việt Nam bị phạt vì thay đổi địa chỉ trụ sở chính khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản. Đáng nói, ba cổ đông hiện hữu của công ty đang muốn thoái toàn bộ vốn.

Ngày 22/05/2024, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 582/QĐ-XPVPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần Chứng khoán HVS Việt Nam (địa chỉ tại số 31, đường số 9, khu dân cư Nam Long, tổ 7B, khu phố 1, phường Tân Thuận Đông, quận 7, TP.HCM).

Trong đó, công ty bị phạt 125 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính thay đổi địa chỉ trụ sở chính khi chưa được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.

Ngoài ra, Chứng khoán HVS Việt Nam cũng bị phạt 85 triệu đồng do đã có hành vi vi phạm hành chính không báo cáo đối với thông tin phải báo cáo theo quy định pháp luật.

Chứng khoán HVS Việt Nam không báo cáo phương án khắc phục được HĐQT công ty thông qua về việc không đáp ứng việc duy trì điều kiện cấp Giấy phép thành lập và hoạt động kinh doanh chứng khoán.

Như vậy, tổng số tiền bị phạt là 210 triệu đồng.

chung-khoan-hvs-viet-nam-bi-phat-vi-tu-y-thay-doi-tru-so-1716452630.jpg
Ảnh minh họa

Theo tìm hiểu, Chứng khoán HVS Việt Nam được thành lập ngày 15/12/2008; người đại diện pháp luật là bà Phạm Thị Giang (sinh năm 1991). Trong đó, tại thời điểm 31/3/2024, Chứng khoán HVS Việt Nam chỉ sở hữu tổng tài sản 11,24 tỷ đồng, chủ yếu tiền mặt là 11,1 tỷ đồng.

Năm 2024, Chứng khoán HVS Việt Nam đặt mục tiêu tổng doanh thu đạt 20 tỷ đồng, lãi trước thuế 10 tỷ đồng. Công ty cũng lên kế hoạch tăng vốn điều lệ, bổ sung nghiệp vụ kinh doanh và thay đổi trụ sở chính.

Cụ thể, ĐHĐCĐ của Công ty đã thông qua kế hoạch phát hành tối đa hơn 30 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu nhằm tăng vốn thêm 300,2 tỷ đồng. Giá chào bán là 10.000 đồng/cổ phiếu.

60% số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ được bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh. 30% dùng để bổ sung cho hoạt động cho vay margin và ứng trước tiền bán. Phần còn lại bổ sung cho các hoạt động khác như đầu tư phần mềm giao dịch chứng khoán; đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng; đăng ký thành viên lưu ký, giao dịch… Song hành với việc tăng vốn, Công ty sẽ bổ sung nghiệp vụ môi giới chứng khoán, lưu ký chứng khoán và tự doanh chứng khoán.

Mới đây, Chứng khoán HVS Việt Nam đã công bố thông tin về việc chuyển nhượng cổ phần của các cổ đông hiện hữu gồm Chủ tịch Trương Thị Hồng Nga cùng hai Thành viên HĐQT là Ngô Văn Đô và Thái Đình Sỹ.

Theo đó, từ ngày 14/05 - 14/06, 3 vị lãnh đạo kể trên đăng ký bán thỏa thuận toàn bộ cổ phiếu đang nắm giữ tại HVS. Bà Trương Thị Hồng Nga đăng ký bán 2,45 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 49% vốn. 

Ông Ngô Văn Đô đăng ký bán 1,1 triệu cổ phiếu, tương ứng 22,279% vốn. Ông Thái Đình Sỹ đăng ký bán 1,4 triệu cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 28,41%. Tổng số cổ phiếu đăng ký bán ra là hơn 5 triệu cổ phiếu, tương ứng toàn bộ vốn của HVS.

Kể từ cuối năm 2020 tới nay, HVS đã trải qua 2 lần thay đổi cơ cấu cổ đông. Lần đầu là từ tháng 12/2020, 3 cổ đông hiện hữu lúc đó là Đường Văn Tài, Hoàng Nguyễn Thanh Hùng và Phạm Ngọc Chiến đã chuyển nhượng cổ phần cho 3 cá nhân khác là Lê Hồng Anh, Nguyễn Toàn Thắng và Nguyễn Đình Đại.

Không lâu sau đó, toàn bộ cổ phần được chuyển giao cho bà Trương Thị Hồng Nga, ông Ngô Văn Đô, ông Thái Đình Sỹ. Tới nay, 3 cổ đông này muốn thoái hết vốn.

Hà Ly

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-hvs-viet-nam-bi-phat-vi-tu-y-thay-doi-tru-so-20515004.htm