Sau giai đoạn hồi mạnh từ đáy, đà tăng của thị trường chững lại rõ rệt với thanh khoản èo uột phản ánh tâm lý thận trọng của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ kéo dài. VN-Index chốt sổ tháng 8 ở mức 1.284 điểm, tức chỉ còn hơn 20 điểm nữa là công phá đỉnh mới.
VN-Index sẽ bước vào nhịp tăng mới sau kỳ nghỉ lễ
Tại hội thảo "Bắt mạch dòng tiền" do FIDT và FiinTrade đồng tổ chức, ông Nguyễn Thanh Nguyên Vũ - Founder TVN & Partners đánh giá tích cực về triển vọng thị trường trước bối cảnh vĩ mô ổn định, tỷ giá hạ nhiệt, kỳ vọng GDP quý 3 tiếp tục cải thiện.
Dù kỳ vọng Fed hạ lãi suất gần như đã được phản ánh, câu chuyện nhà đầu tư đang quan tâm là mức độ hạ lãi suất ra sao. Song việc Fed và các ngân hàng trung ương thực hiện nới lỏng chính sách sẽ giúp áp lực tỷ giá hạ nhiệt và NHNN dễ thở hơn trong việc điều hành lãi suất những tháng cuối năm. Việc duy trì mặt bằng lãi suất thấp sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho nền kinh tế nói chung và thị trường chứng khoán nói riêng. Đây sẽ là những câu chuyện kích thích dòng tiền nhà đầu tư nhập cuộc trở lại.
Vậy khi nào dòng tiền lớn nhập cuộc? Theo chuyên gia, thị trường tăng mạnh lần này hoàn toàn đến từ kỳ vọng của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp vẫn chưa có nhiều sự thay đổi về tình hình kinh doanh. Dù vậy, với sự hồi phục được gia cố đan xen bởi các doanh nghiệp lớn trong từng nhóm ngành có quy mô vốn hóa lớn, các yếu tố vĩ mô trong và ngoài đang ổn định hơn thì sau giai đoạn dòng tiền bắt đáy, dòng tiền đầu tư sẽ tiến vào tạo sự cân bằng. Do đó, vị chuyên gia cho rằng thị trường lúc này có quyền kỳ vọng về một nhịp tăng mới sau kỳ nghỉ lễ 2/9.
Chứng khoán là kênh đầu tư tốt nhất trong ngắn và trung hạn
Cũng đưa ra quan điểm tích cực, ông Đoàn Minh Tuấn - Trưởng phòng Nghiên cứu và Đầu tư FIDT cho rằng bối cảnh toàn cầu đang ổn định với rủi ro lạm phát giảm nhanh trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp gia tăng mạnh.
Với kịch bản đảo chiều cắt giảm lãi suất, Fed sự kiến cắt giảm lãi suất 4-5 lần trong 6 tháng tới, mức lãi suất giảm tầm 1-1,3%. Theo chân Fed, các ngân hàng trung ương toàn cầu đảo chiều giảm lãi suất. Kinh tế toàn cầu chuẩn bị bước vào chu kỳ nới lỏng tiền tệ mới giai đoạn cuối năm 2024-2025.
Trước bối cảnh đó, DXY giảm rất mạnh về 98-100, thấp nhất trong hơn 2 năm. Chỉ số chứng khoán Mỹ cũng bật tăng mạnh, tạo đỉnh mới. Đây là tín hiệu cho thấy dòng tiền đầu tư toàn cầu tích cực chào đón tín hiệu bồ câu hơn từ Fed.
Trong nước, tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang vào pha hồi phục khi khu vực đầu tư FDI tiếp tục là điểm sáng trung hạn, sản xuất – thương mại đầu tàu dẫn dắt kinh tế tăng trưởng. Nhìn về quý 4, lãi suất huy động tiếp tục neo ở vùng đáy lịch sử, thị trường TPDN chưa hồi phục. Chuyên gia FIDT cho rằng bối cảnh kinh tế vĩ mô quý 4/2024-2025 rất thuận lợi với chứng khoán và bất động sản, trong đó cổ phiếu sẽ là kênh đầu tư tốt nhất trong ngắn và trung hạn.
Bàn về ngưỡng cản 1.300 khiến VN-Index nhiều lần lùi bước, chuyên gia cho rằng mốc này này chỉ là ngưỡng cản tâm lý, điều kiện đầu tư vẫn tốt khi nền lãi suất tiếp tục duy trì vùng đáy, định giá thị trường vẫn thấp với P/E 13,7 lần, so với trung bình 5 năm là 14,8 lần. Trong khi đó, lợi nhuận doanh nghiệp trên sàn đang có xu hướng tăng trưởng ổn định kể từ quý 2/2024.
Do đó, VN-Index có cơ hội để định giá lại theo một mức P/E cân bằng hơn trong năm 2025 (15 -16 lần), phản ánh đúng tiềm năng tăng trưởng thị trường khi các rủi ro kinh tế vĩ mô suy thoái đã đi qua.
Nhóm ngành nào có triển vọng?
Với những nhận định tích cực về thị trường, ông Đoàn Minh Tuấn cho rằng có 5 nhóm ngành sẽ có tiềm năng lớn.
Thứ nhất, bất động sản có nhiều cơ hội bứt phá do xu hướng bất động sản đã đảo chiều trung hạn, tạo tiềm năng đầu tư các doanh nghiệp có dự án thật, có khả năng bán hàng và hấp thụ tốt trong 6-9 tháng tới. Bên cạnh đó, ngành còn hưởng lợi lớn từ Bộ khung luật BĐS hoàn thiện và sự hồi phục từ thị trường bất động sản. Nhà đầu tư nên ưu tiên các doanh nghiệp có kế hoạch phát triển các dự án quan trọng trong nửa đầu năm 2025.
Thứ hai, ngân hàng là ngành tiếp tục hưởng lợi bởi lãi suất tiếp tục rẻ, NIM được đảm bảo và cải thiện. Bên cạnh đó, kinh tế hồi phục nhanh sẽ giúp tăng trưởng tín dụng đảm bảo, rủi ro nợ xấu kiểm soát tốt.
Thứ ba, chăn nuôi cũng sẽ có tiềm năng nhờ giá heo trong nước tiếp tục neo cao, đảo bảo lợi nhuận bền vững trong nửa cuối năm 2024. Đồng thời việc Vaccine ASF đã chuẩn bị được thương mại hoá, xuất khẩu vaccine sẵn sàng vào nửa cuối quý 4 sẽ tạo cơ hội cho ngành chăn nuôi.
Thứ tư, dệt may cũng "sáng cửa" trong thời gian tới nhờ hưởng lợi từ chuyển dịch đơn hàng trong nửa cuối năm, từ Bangladesh và Myanma. Doanh thu và lợi nhuận dự phóng sẽ đạt đỉnh trong nửa cuối năm 2024.
Thứ năm, thuỷ điện và năng lượng tái tạo cũng sẽ được hưởng lợi nhờ La Nina giúp doanh thu và lợi nhuận cải thiện.
Về phần mình, bà Đỗ Hồng Vân - Trưởng phòng Phân tích FiinGroup kỳ vọng vĩ mô trong nước và thế giới không nhiều biến động, tăng trưởng lợi nhuận sẽ là động lực lớn cho thị trường nửa cuối năm.
Dù động lực vượt 1.300 vẫn có, song chuyên gia FiinGroup cho rằng chưa đủ lực để thị trường bứt phá mạnh mẽ. Bởi mặt bằng định giá thị trường nếu tách nhóm ngân hàng đã không còn rẻ, điều này sẽ là trở lực khiến dòng tiền lớn chưa thể nhập cuộc. Mặt khác, thị trường chưa có thêm thông tin mang tính dẫn dắt đủ lớn để kỳ vọng VN-Index có bước đột phá mạnh mẽ.
Nhà đầu tư nên ưu tiên lựa chọn nhóm ngành (1) Đang ở đầu chu kỳ hồi phục về lợi nhuận hoặc có triển vọng tăng trưởng mạnh mẽ phía trước. (2) Nhóm ngành có nền định giá hấp dẫn hoặc chiết khấu đáng kể sau nhịp điều chỉnh của thị trường. (3) Nhóm ngành cần cải thiện về dòng tiền.
Từ ba yếu tố trên, chuyên gia FiinGroup cho rằng bán lẻ, xuất khẩu sẽ là tâm điểm với kỳ vọng tăng trưởng tích cực. Bên cạnh đó, nhóm chứng khoán kỳ vọng sẽ hút dòng tiền sau thời gian trầm lắng.
C%E1%BB%99ng%20t%C3%A1c%20vi%C3%AAn