Kẻ khóc, người cười khi “ôm” cổ phiếu
Chia sẻ với Đời sống và Pháp luật, anh Nguyễn Khắc Minh (34 tuổi, kinh doanh tự do tại Hà Nội) - một nhà đầu tư tham gia thị trường cho biết, sau cú sốc năm 2022, bước sang năm 2023 việc đầu tư vào thị trường chứng khoán của bản thân thận trọng hơn nhiều.
Tuy nhiên, vẫn không thể tránh khỏi những diễn biến ngoài dự báo. Thời điểm đầu năm, anh Minh vẫn đứng ngoài quan sát thị trường, cho đến tháng 4/2023, sau khi các doanh nghiệp công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I thì anh đã xuống tiền những cổ phiếu ngành bán lẻ, tài chính.
Trái chiều, chị Thu Uyên (28 tuổi, nhân viên văn phòng) cho biết, những tháng đầu năm 2023 đã “gom hàng” cổ phiếu nhóm thép khi thấy có nhiều tín hiệu triển vọng như giá nguyên vật liệu giảm mạnh, các nhà máy mở cửa trở lại.
Chị Uyên chia sẻ, tính đến tháng 6/2023, danh mục đầu tư đã lãi 20%. Giữ đến cuối năm, mức lợi nhuận của chị đã lên đến 40%. Hiện bản thân chị Uyên đã bán khoảng 70% số lượng cổ phiếu và nắm giữ 30% còn lại. “Ngành thép có mối tương quan rất chặt chẽ với ngành bất động sản, khi 65% nhu cầu tiêu thụ thép phục vụ cho hoạt động xây dựng. Cá nhân tôi nghĩ đây là ngôi sao sáng nên sang năm 2024 vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào nhóm này", chị Uyên chia sẻ.
Năm bản lề để quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao
Trao đổi với Đời sống và Pháp luật, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) nhận định, chuyển động thị trường chứng khoán trong năm 2024 sẽ đi cùng nền kinh tế, tăng giảm đi theo kinh tế vĩ mô.
Cụ thể, thị trường chứng khoán Việt Nam năm 2024 sẽ đồng điệu với kinh tế vĩ mô của thế giới khi lạm phát được kiểm soát, lãi suất cho vay hạ nhiệt giúp nền kinh tế đi lên.
Khi các doanh nghiệp bất động sản được tháo gỡ khó khăn về tài chính, niềm tin của nhà đầu tư cũng sẽ được củng cố. Qua đó nhà đầu tư lạc quan hơn về thị trường, dòng tiền sẽ đổ về nhóm bất động sản giúp doanh nghiệp cơ cấu vốn, gia tăng khả năng đầu tư của doanh nghiệp và trả nợ trái phiếu.
“Nhìn lại, 2023 là năm chúng ta kỳ vọng khá nhiều vào các yếu tố như bất động sản, pháp lý, tăng trưởng tín dụng, phục hồi về đơn hàng xuất khẩu… nhưng đều chưa được như mong muốn. Sang năm 2024, thị trường chứng khoán sẽ khó có những đợt tăng, giảm giá mạnh, các động lực tăng trưởng vẫn đến từ nhóm sản xuất, xuất khẩu và đầu tư công”, ông Hải nhận định.
Ông Trần Đức Anh - Giám đốc Vĩ mô và Chiến lược thị trường Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá, động lực cho thị trường chứng khoán có thể tăng trưởng trong năm 2024 chủ yếu dựa trên câu chuyện hạ mặt bằng lãi suất và tăng trưởng của doanh nghiệp niêm yết.
Ông Đức Anh dự báo tăng trưởng doanh nghiệp niêm yết ước đạt 15% - 20%, một phần dựa trên nền năm 2023 thấp. Ở thời điểm hiện tại, P/E thị trường đang ở mức 15 lần, ở mức trung tính là cơ sở để có thể đánh giá thị trường 2024 có chuyển biến tốt hơn.
"Trong kịch bản tích cực, chúng ta có thể kỳ vọng năm 2024 là năm bản lề để nền kinh tế quay trở lại chu kỳ tăng trưởng cao và bền vững nhờ những chính sách hỗ trợ tài khóa, tiền tệ kết hợp với các điều kiện khách quan bên ngoài thuận lợi", vị chuyên gia cho hay.
Nói về động lực và trợ lực đối với thị trường chứng khoán Việt Nam 2024 từ bối cảnh vĩ mô, ông Hồ Sỹ Hòa - Giám đốc Nghiên cứu và Tư vấn đầu tư, Công ty Cổ phần Chứng khoán DNSE cho rằng, biến số liên quan đến lạm phát cần được chú ý.
Trong năm 2024, dự kiến tăng giá điện sẽ ảnh hưởng đến lạm phát và đây là yếu tố cần để tâm đến trong năm tới. Nếu áp lực lạm phát căng thẳng, ảnh hưởng đến thị trường. Bên cạnh đó, tín dụng khó cung ra thị trường và đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp kỷ lục trong năm 2024 cũng là những trở lực cần đặc biệt chú ý trong năm sau.
Tuy nhiên, ông Hoà cho rằng, sự phục hồi của kinh tế thế giới và kinh tế Việt Nam sẽ là bệ phóng mạnh mẽ cho thị trường chứng khoán 2024. “Thời điểm VN-Index bứt phá khỏi khu vực kháng cự này có thể đến vào giữa hoặc cuối năm 2024. Nếu bứt phá thành công, nhà đầu tư có thể thu về lợi nhuận đột biến cho danh mục”, ông Hoà nói.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho rằng, nền kinh tế cứ lúc sốt nóng, lúc sốt lạnh thì hàn thử biểu này cũng sẽ gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, trong nguy có cơ, đây chính là cơ hội để thị trường chứng khoán Việt Nam nhìn nhận lại chính mình, từ đó khắc phục những điểm còn yếu, còn thiếu, thanh lọc lại thị trường để phát triển thị trường an toàn, lành mạnh và bền vững.
Theo lãnh đạo Bộ Tài chính, trong năm 2024, cần triển khai các giải pháp để thị trường phát triển thực chất, bền vững hơn, tăng thanh khoản, tiếp tục là kênh dẫn vốn quan trọng của nền kinh tế. Trong đó, tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường chứng khoán sao cho thích ứng được với sự thay đổi của thời cuộc.
Bài đăng trên ấn phẩm Tạp chí Đời sống & Pháp luật số đặc biệt Xuân Giáp Thìn 2024
Tú Anh
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-nam-2024-ky-vong-ca-chep-hoa-rong-2059456.htm