Sau phiên sáng giao dịch giằng co, thị trường bước vào phiên chiều tương đối ảm đạm. Chỉ số VN-Index tiếp diễn trạng thái lình xình dưới mốc tham chiếu khi lực bán có phần chiếm ưu thế hơn.
Nửa cuối phiên, lực cầu gia tăng mạnh đã giúp thị trường bật hồi và vượt thành công mốc tham chiếu. Chỉ số VN-Index tiếp tục có thêm phiên tăng nhẹ thứ 3 liên tiếp dù thanh khoản tăng vọt vượt mức 20.000 tỷ đồng và chưa thể vượt được ngưỡng cản 1.115 điểm.
Nhóm VN30 giao dịch ảm đạm nhất thị trường, chỉ số VN30-Index chỉ tăng 0,11%. Trong khi đó, các cổ phiếu vốn hoá vừa và nhỏ tăng khá tốt, chỉ số VNMID-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá cỡ vừa) và VNSML-Index (đại diện cho cổ phiếu vốn hoá cỡ nhỏ) tăng lần lượt 1,06% và 1,01%.
Phiên 22/11, chỉ số VN-Index tăng 3,36 điểm, tương đương 0,3%, lên 1.113,82 điểm. Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp từ đầu tuần và mức tăng đều khá nhẹ.
NVL hôm nay là "đầu tàu" dẫn dắt nhóm bất động sản khi tăng kịch trần sau thông tin được Chính phủ tìm cách gỡ khó cho một số dự án. Thanh khoản NVL cũng xác lập mức cao nhất của 2 tháng, đạt xấp xỉ 68 triệu đơn vị khớp lệnh, cùng lượng dư mua trần đạt 4,62 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong nhóm tăng nổi bật là: DIG tăng 2,5%, DXG tăng 4,69%, DXS tăng 2,66%, HDC tăng 5,51%, SJS và HBC đều tăng kịch trần. Riêng bộ đôi VHM - VIC ghi nhận sắc đỏ.
Nhóm chứng khoán ngập tràn sắc xanh. Theo đó, SSI tăng 1,08%, VND tăng 0,92%, VCI tăng 3,69%, HCM tăng 2,71%, VIX tăng 1,18%, FTS tăng 2,57%, AGR tăng 1,6%, CTS tăng 2,9%, ORS tăng 3,27%.
Cổ phiếu ngân hàng giao dịch thiếu sôi động khi đa phần biến động dưới 1% như: HDB giảm 0,5%, VCB tăng 0,12%, BID giảm 0,8%, CTG tăng 0,68%... ngoại trừ EIB tăng 2,96%.
Ở nhóm sản xuất, nhìn chung, biên độ dao động khá nhỏ: HPG tăng 0,55%, VNM giảm 0,14%...
Cổ phiếu năng lượng phân hoá: POW giảm 0,43%, GAS đứng giá tham chiếu trong khi PGV và PLX lần lượt có thêm 2,76% và 0,74% giá trị. Tương tự nhóm hàng không có VJC tăng 1,5% còn HVN đứng giá tham chiếu.
Trong nhóm bán lẻ, MWG giảm 2,69%, thanh khoản hơn 14,5 triệu đơn vị, nhưng vẫn là mã bị khối ngoại bán ròng khá mạnh với gần 1,5 triệu đơn vị. Các cổ phiếu bán lẻ còn lại như PNJ, FRT, DGW dao động quanh mốc tham chiếu.
Toàn sàn HoSE có 263 mã tăng giá, 93 mã đứng giá tham chiếu và 220 mã giảm giá. Tổng khối lượng giao dịch đạt 946,28 triệu đơn vị, giá trị 20.241,92 tỷ đồng, tăng 32,79% về khối lượng và 36% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 134 triệu đơn vị, giá trị 2.886,5 tỷ đồng.
Sàn HNX có 78 mã tăng và 65 mã giảm, HNX-Index tăng 0,69 điểm (+0,3%), lên 230,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 97,33 triệu đơn vị, giá trị 1.914,15 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 7,01 triệu đơn vị, giá trị 126,18 tỷ đồng, trong đó riêng SHS thỏa thuận 5,3 triệu đơn vị, giá trị 90,13 tỷ đồng.
UPCoM-Index giảm 0,18 điểm (-0,21%) xuống 86,04 điểm với 151 mã tăng và 91 mã giảm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 27,83 triệu đơn vị, giá trị 423,52 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 9,12 triệu đơn vị, giá trị 132,96 tỷ đồng, trong đó NAB thỏa thuận 7,2 triệu đơn vị, giá trị 94,32 tỷ đồng.
Tính chung cả ngày, giá trị khớp lệnh tăng 32% so với hôm qua, đạt 19.266 tỷ đồng. Tổng hợp 3 sàn, giao dịch đạt 22.829 tỷ đồng, tăng 32%.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-khoan-ngay-2211-nvl-tim-lim-vn-index-tang-phien-thu-ba-lien-tiep-2055965.htm