Tờ Nikkei Asian Review cho hay tổng mức vốn hóa của thị trường chứng khoán Tokyo-Nhật Bản đã vượt qua sàn Thượng Hải-Trung Quốc tính theo tỷ giá đồng USD bất chấp việc đồng Yên đang suy yếu, qua đó giành lại vị thế đứng đầu Châu Á.
Theo Nikkei, việc các nhà đầu tư, đặc biệt là những tên tuổi lớn như Warren Buffett đổ xô vào thị trường chứng khoán Nhật Bản nhằm tận dụng lợi thế lãi suất âm và đồng Yên yếu đã tạo nên cú tăng trưởng ngoạn mục.
Trái ngược lại, chứng khoán Trung Quốc lại gặp khó vì nhiều mảng kinh doanh như bất động sản, giáo dục, trò chơi điện tử...bị chính phủ siết chặt quản lý.
Giá cổ phiếu của các doanh nghiệp trong ngành trên đã giảm điểm mạnh, kéo theo đó là nỗi lo về tình hình kinh tế vĩ mô khiến nhà đầu tư liên tục bán ra.
Tờ Nikkei cho hay trong tháng 8/2023, khoảng 89,6 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 12,6 tỷ USD giá trị chứng khoán tại Trung Quốc đại lục đã được bán ròng qua Stock Connect liên kết với sàn Hong Kong. Đây là kênh đại diện cho các giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư nước ngoài.
Con số bán ròng này được cho là lớn nhất trong các tháng kể từ khi liên kết này được hình thành vào năm 2014.
Trong 10 ngày đầu năm 2024, con số bán ròng tiếp tục đạt 9,1 tỷ Nhân dân tệ.
"Thị trường Trung Quốc vẫn còn sự bất ổn và dòng vốn có thể sẽ tiếp tục chảy vào thị trường chứng khoán Nhật Bản", chuyên gia Tetsuhiro Nishi của Nomura Securities nhấn mạnh.
Nhật Bản vẫn là số 1 Châu Á
Hàng loạt những cổ phiếu lớn (Blue Chip) của chứng khoán Nhật Bản tăng điểm đã đẩy tổng mức vốn hóa toàn thị trường đi lên trong năm qua.
Kết thúc phiên 11/1/2024, chỉ số Nikkei Stock Average đã tăng 1,8% lên 35.049 điểm, mức cao nhất kể từ tháng 2/1990 và là mùa tăng trưởng thứ 4 liên tiếp gần đây.
Tổng mức vốn hóa của sàn Tokyo đã tăng 1,5% lên mức 917 nghìn tỷ Yên, tương đương 6,32 nghìn tỷ USD, cao hơn mức 6,27 nghìn tỷ USD của sản Thượng Hải trong năm qua.
Số liệu của Liên đoàn sàn chứng khoán quốc tế (WFE), sàn Thượng Hải từng vượt mặt sàn Tokyo vào tháng 7/2020 để trở thành thị trường chứng khoán có tổng mức vốn hóa lớn nhất Châu Á.
Bởi vậy việc sàn Tokyo-Nhật Bản lấy lại được vị thế đứng đầu trong bối cảnh kinh tế khó khăn năm 2023 là một điều khiến nhiều chuyên gia phải bất ngờ.
"Tự dưng thị trường cứ như lên cơn tăng trưởng vậy", một nhà môi giới chứng khoán nói với Nikkei trong phiên 11/1/2024.
Mặc dù lấy lại ngôi vị số 1 Châu Á nhưng Nhật Bản vẫn kém hơn Trung Quốc nếu nước này tính tổng mức vốn hóa của các sàn chứng khoán Thượng Hải, Thâm Quyến và Hong Kong cộng lại.
Dẫu vậy, việc chứng khoán Nhật Bản lấy lại đà tăng trưởng cũng thúc đẩy niềm tin của nhiều nhà đầu tư.
"Nhà đầu tư nước ngoài đang đổ xô về thị trường Nhật Bản từ đầu năm nay", một nhà môi giới chứng khoán khác nói với Nikkei về hiện tượng mua ròng cổ phiếu của người nước ngoài.
Hàng loạt những Blue Chip trong ngành như Toyota Motor đã tăng 3,6%, còn Sony tăng 3,5% và Hitachi là 4,2%.
Xin được nhắc là các tập đoàn có tổng mức vốn hóa hơn 10 nghìn tỷ Yên, tương đương 68,4 tỷ USD như trên rất hiếm khi thấy được tỷ lệ tăng giá cổ phiếu như vậy.
Đến Buffett cũng không cưỡng lại được
Hãng tin CNBC cho biết trong cuộc họp mới nhất, Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) đã quyết định giữ nguyên lãi suất (-0,1%) trong ngắn hạn bất chấp lạm phát đã đạt mức 2% mục tiêu trong suốt 18 tháng qua.
Nguyên nhân chính là BoJ muốn kích thích nền kinh tế Nhật Bản thêm nữa sau nhiều năm giảm tốc.
Với Warren Buffett, tập đoàn Berkshire Hathaway của nhà đầu tư này đã công bố danh mục tài sản đầu tư trị giá 6 tỷ USD tại 5 công ty Nhật Bản, bắt đầu từ mùa hè năm 2020.
Kết quả đầu tư khả quan khiến Berkshire Hathway, vốn chỉ ưa thích những thương hiệu Mỹ như Apple, Coca Cola cũng không thể làm ngơ.
Thậm chí cánh tay phải của Warren Buffett là Charlie Munger, người đã qua đời vào cuối năm 2023, cũng đã từng thừa nhận rằng cơ hội kiếm tiền này quá "thơm ngon" (Juicy) để có thể cưỡng lại.
"Nếu bạn thông minh như Warren Buffett thì sẽ nhận ra đây là cơ hội mà 2-3 thế kỷ mới có một lần", Charlie Munger cho biết.
"Lãi suất ở Nhật Bản đang rất thấp và những công ty tại đây hầu hết là các doanh nghiệp lâu đời. Những công ty này có các mỏ đồng và những đồn điền cao su giá rẻ. Bởi vậy bạn có thể vay tiền thời hạn 10 năm để mua cổ phiếu với cổ tức bình quân 5%/năm. Đó là dòng tiền khổng lồ mà chẳng cần nhiều vốn tự thân để đầu tư, chẳng cần suy nghĩ nhiều làm gì mà vẫn có lãi", cánh tay phải của Warren Buffett nói tiếp.
Nói một cách đơn giản, Berkshire hiện có thể huy động số tiền cho các khoản đầu tư của mình với chi phí vay vốn cực thấp do lãi suất âm, sau đó đổ tiền vào các cổ phiếu đáng tin cậy có cổ tức ổn định và ăn lãi dài hạn mà chẳng cần nghĩ nhiều.
Báo cáo cho thấy Berkshire đã đã nâng số cổ phần nắm giữ tại 5 công ty Nhật Bản từ 5% tháng 8/2020 lên 7,4% tháng 4/2023.
Ưu thế lãi suất âm
Theo Nikkei, nguyên nhân đầu tiên khiến thị trường chứng khoán Nhật Bản hấp dẫn là nhiều quỹ phòng hộ (Hedge Fund) đổ tiền vào đây nhằm đặt cược các chính sách vĩ mô của nền kinh tế nước này sẽ có lợi cho cổ phiếu.
Đi kèm với đó là hàng loạt những yếu tố tác động vĩ mô như sự điều chỉnh lãi suất ở Mỹ, đồng USD tăng hay nỗi lo tìm kênh đầu tư có lời trong tình cảnh lãi suất cao như hiện nay.
Nhiều chuyên gia nhận định Nhật Bản sẽ không sớm chấm dứt lãi suất âm, nhất là sau trận động đất mạnh ngày 1/1/2024 vừa qua.
Trong khi đó đồng Yên lại quay đầu giảm xuống còn 145 Yên đổi 1 USD sau đợt tăng giá nhẹ trước đó, khiến việc đổi ngoại tệ đầu tư vào chứng khoán Nhật Bản có lợi hơn rất nhiều.
Trong cuối năm 2023, chỉ số Nikkei bình quân đã tăng 4,7%, cao hơn nhiều so với 0,2% của chỉ số công nghiệp Dow Jones tại Mỹ và mức giảm 0,5% của STOXX Europe 600 ở Châu Âu.
Đồng quan điểm, cuộc khảo sát vào tháng 12/2023 của Bank of America cho thấy tỷ lệ rất lớn nhà đầu tư lạc quan vào thị trường chứng khoán Nhật Bản.
"Nhiều nhà đầu tư quốc tế chưa kịp bắt cơn sóng xu thế mới vào Nhật Bản nên chắc chắn sẽ có thêm dòng tiền đổ về đây", Giám đốc đầu tư Ichiro Tominaga của UBP chi nhánh Nhật Bản khẳng định.
*Nguồn: Nikkei
Băng Băng