‘Chúng tôi có thể giảm giá sâu hơn nếu bạn muốn’: Tiếng kêu ‘thảm thiết’ của các chủ đầu tư BĐS ế khách, lo sợ không biết bao giờ mới giải quyết hết số nhà dư thừa

Các căn hộ đang được giảm giá...'sập sàn'.

Năm 2023, doanh số bán nhà ở của Trung Quốc giảm 6,5%. Theo Dongxing Securities, một ngân hàng đầu tư Trung Quốc, chỉ riêng trong tháng 12, doanh số bán hàng đã giảm 17,1% so với một năm trước đó - hệ luỵ từ sau những biến cố trên thị trường bất động sản.

Doanh số bán hàng yếu, trong khi lượng tồn kho lại tăng vọt. Dự kiến nền kinh tế đại lục sẽ phải mất hơn 5 năm để giải quyết số hàng dư thừa, theo Nikkei.

Đối mặt với khó khăn tài chính, các chủ đầu tư chung cư vội tìm cách bán tháo để lấy tiền mặt. “Giá căn hộ rộng 110 m2 ở thành phố Nam Sung, tỉnh Tứ Xuyên hiện đã giảm 22% xuống còn 620.000 nhân dân tệ (2,1 tỷ VND). Chúng tôi có thể giảm giá sâu hơn nếu bạn muốn”, một nhân viên bán hàng tại Country Garden Holdings cho biết.

Theo cách tính của Data Watch, mức tồn kho dư thừa – được tính bằng cách lấy tổng diện tích nhà được xây dựng trừ đi tất cả diện tích sàn nhà được bán - là gần 5 tỷ m2 cuối năm 2023. Giả sử, mỗi ngôi nhà hay căn hộ có diện tích sàn là 100 m2 và gồm 3 thành viên, Trung Quốc hiện dư thừa khoảng 50 triệu ngôi nhà, căn hộ - tương đương không gian sống cho 150 triệu người.

Hồi năm ngoái, Bắc Kinh và chính quyền địa phương đã tung ra nhiều biện pháp khuyến khích để thu hút người mua nhà quay trở lại, đồng thời thúc giục các ngân hàng cho vay và dỡ bỏ các biện pháp hạn chế. Giá nhà mới tại 70 thành phố lớn nhất của Trung Quốc khởi sắc trong 4 tháng đầu năm 2023 sau đà trượt dốc kéo dài, song đáng tiếc, quá trình phục hồi đang mất dần sức sống và không đồng đều.

Thực tế, lượng hàng tồn kho ở mức rất cao do doanh số bán hàng chậm. Diện tích sàn nhà ở được bán vào năm 2023 đạt tổng cộng 940 triệu m2, giảm khoảng 40% so với mức đỉnh 1,56 tỷ m2 vào năm 2021.

Thị trường nhà đất tại Trung Quốc thoái trào. Nhiều cuộc đấu giá quyền sử dụng đất tại các địa phương vắng bóng người mua do các nhà phát triển bất động sản không còn tham gia mặn mà. Việc nới lỏng tín dụng của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc được cho là chưa đủ mạnh để kích cầu.

Tình trạng dư thừa nhà ở của Trung Quốc đang gây áp lực giảm giá với nhiều loại hàng hóa quốc tế. Giá của các vật liệu nhà ở quan trọng như thanh thép, đồng trên thị trường tương lai đều có xu hướng giảm.

Trong 9 tháng đầu năm 2023, gần 80% trong số 45 nhà sản xuất thép niêm yết của Trung Quốc rơi vào tình trạng báo động đỏ vì lợi nhuận ròng sụt giảm.

Trước đó, vào tháng 9/2023, Cựu Phó giám Tổng cục thống kê quốc gia Trung Quốc, ông He Keng, nhận định rằng toàn bộ 1,4 tỷ dân cũng chẳng thể lấp đầy số căn hộ đang tồn tại. Phát ngôn cho thấy tình trạng dư thừa cung trên thị trường bất động sản nghiêm trọng như thế nào.

Trên chương trình phát bởi đài China News Service trong một hội thảo ở thành phố Dongguan, ông He cho biết có rất nhiều ước tính về số nhà ở bị bỏ trống hiện nay. Nhiều người thậm chí còn tin rằng lượng nhà ở bỏ trống có thể đáp ứng đủ 3 tỷ người.

“Con số ước tính trên có chút thái quá nhưng chắc chắn toàn bộ 1,4 tỷ người dân Trung Quốc cũng chẳng thể ở hết được số nhà bị bỏ trống này”, ông He nói.

‘Chúng tôi có thể giảm giá sâu hơn nếu bạn muốn’: Tiếng kêu ‘thảm thiết’ của các chủ đầu tư BĐS ế khách, sợ hơn 5 năm mới giải quyết hết số nhà dư thừa - Ảnh 1.

Theo tờ Business Insider, tại thời điểm Evergrande gặp rắc rối vào năm 2021, Trung Quốc có ít nhất 65 triệu căn hộ bị bỏ trống, tương đương số nhà ở cho toàn bộ dân số nước Pháp.

“Họ xây dựng quá thừa rồi bán lại chúng cho các nhà đầu cơ. Đó là lý do có rất nhiều nhà bị bỏ trống hiện nay”, giáo sư kinh tế Li Gan của trường đại học Texas A&M nói. Thậm chí nhiều dự án còn bị gọi là “Dự án chết” do chủ đầu tư đình trệ xây dựng và thiếu vốn. Forest City là ví dụ điển hình.

Forest City từng được coi là cánh cửa mở ra sự tự tin cho Country Garden. Khu vực miền nam Malaysia này trước đây là một khu rừng chưa phát triển, chỉ cách Singapore vài dặm. Công ty đã lên kế hoạch xây dựng bốn hòn đảo trên vùng đất khai hoang, đồng thời hứa hẹn tạo ra một giải pháp thay thế giá rẻ.

Theo quan niệm của chủ đầu tư, cư dân Forest City sẽ là những người khao khát tìm kiếm ngôi nhà thứ hai lý tưởng. Điều kiện khí hậu quanh năm ấm áp, chi phí sinh hoạt phải chăng cùng vị thế đắc địa ngay gần Singapore và nhiều đô thị châu Á khác chính là lợi thế.

Tuy nhiên, giống như rất nhiều những siêu dự án phát triển trên khắp Trung Quốc, Forest City, được xây dựng dựa trên hoài bão lớn, song đến nay vẫn chưa hoàn thiện. Hầu hết trong số những căn đã bán đều được mua dưới dạng đầu tư và không có ai ở. Hàng trăm căn hộ đang được rao đi bán lại và cho thuê trên các trang web bất động sản địa phương. Lịch sử giao dịch cho thấy giá trị những căn hộ này đã giảm mạnh, từ khoảng 280 USD/foot vuông (1 foot vông = 1,09m2) giảm xuống còn khoảng 116 USD.

“Tôi đến đây để nghỉ lễ sau khi xem video TikTok”, nhân viên bán lẻ Nursziwah Zamri, 30 tuổi, đến từ bang Malacca, cho biết. “Nếu bạn hỏi tôi có muốn sống ở đây không thì câu trả lời là không”.

“Tôi sẽ không ở lại đây, đây là một thị trấn ma. Đường tối, nguy hiểm và không có đèn đường”, một người nói. “Mọi người chỉ đến đây để mua rượu miễn thuế thôi”.

Trọng tâm dự án là tòa tháp hỗn hợp cao 45 tầng chuyên dùng để cho thuê làm văn phòng, căn hộ dịch vụ và trung tâm mua sắm. Công việc kinh doanh không hề khởi sắc và hầu hết đều trống không, ngoại trừ một số khu bán đồ miễn thuế. Một bãi biển nhìn ra Singapore chỉ cách đó vài bước chân - rải rác đầy những tấm biển cảnh báo không được xuống nước vì có cá sấu.

Theo: Nikkei, WSJ

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chung-toi-co-the-giam-gia-sau-hon-neu-ban-muon-tieng-keu-tham-thiet-cua-cac-chu-dau-tu-bds-e-khach-lo-so-khong-biet-bao-gio-moi-giai-quyet-het-so-nha-du-thua-2059411.htm