Chuỗi ngày "buồn" với cổ đông Vietnam Airlines: Cổ phiếu liên tiếp giảm sàn, vốn hóa "bay hơi" 30.000 tỷ đồng chỉ sau hơn 2 tuần

Sau quãng "bay cao" 170% và thiết lập đỉnh giá 6 năm, áp lực bán mạnh khiến giá cổ phiếu Vietnam Airlines (HVN) đột ngột quay đầu "hạ cánh".

Phiên 23/7 tiếp tục là nối dài chuỗi ngày không mấy vui vẻ của cổ đông Vietnam Airlines khi cổ phiếu của doanh nghiệp này giảm sâu. Cụ thể, cổ phiếu HVN giảm sàn 6,89% xuống mức 22.650 đồng/cp, đánh dấu phiên thứ 5 trong 6 phiên gần nhất thị giá giảm hết biên độ. Khác với những phiên giảm mạnh trước đó, thanh khoản teo tóp đáng kể với chỉ chưa tới 700 nghìn đơn vị được giao dịch, giá trị gần 16 tỷ đồng.

Đà giảm mạnh của cổ phiếu HVN bắt nguồn từ đầu tháng 7. Sau quãng "bay cao" 170% và thiết lập đỉnh giá 6 năm, áp lực bán mạnh khiến giá HVN đột ngột quay đầu "hạ cánh". Chỉ sau hơn 2 tuần, cổ phiếu lao dốc 38%, tương ứng vốn hóa bốc hơi hơn 30.300 tỷ đồng (~1,2 tỷ USD) xuống còn hơn 50.100 tỷ.

Untitled.png

Đợt giảm mạnh của cổ phiếu HVN bắt nguồn từ tổng hoà nhiều nguyên nhân.

Kết quả kinh doanh không phục hồi như kỳ vọng được cho là một trong những nguyên nhân tác động giá cổ phiếu trên thị trường. Tại hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024 do Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp tổ chức vào ngày 16/7, ông Đặng Ngọc Hòa, Chủ tịch Vietnam Airlines đã hé lộ con số lợi nhuận trước thuế 6 tháng đầu năm 2024 đạt hơn 4.600 tỷ đồng. Trước đó, BCTC quý 2 ghi nhận doanh nghiệp hàng không này lãi trước thuế 4.528 tỷ đồng. Như vậy khả năng cao Vietnam Airlines vẫn có lãi trong quý 2 nhưng thấp hơn nhiều so với quý đầu năm.

photo-1721724594962

Ngoài ra, Vietnam Airlines còn khoản lỗ lũy kế gần 37.000 tỷ vào cuối quý 1, dẫn tới vốn chủ sở hữu âm 12.556 tỷ đồng. Điều này khiến cổ phiếu HVN nằm diện kiểm soát, hạn chế giao dịch (chỉ được giao dịch trong phiên chiều) của HoSE, thậm chí đang đứng trước nguy cơ bị huỷ niêm yết bắt buộc.

Không chỉ câu chuyện về tình hình tài chính, doanh nghiệp hàng không này vẫn còn có thể đối diện với tình trạng thiếu hụt máy bay đến hết năm 2025. Theo ông Lê Hồng Hà, Tổng giám đốc Vietnam Airlines. việc thiếu hụt diễn ra khi chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy và một nhà sản xuất máy bay lớn là Boeing bị kiểm soát chặt chẽ. Ngoài ra, các máy bay đang sử dụng động cơ của Prad Whitney bị triệu hồi để kiểm tra.

Tuy tình hình vẫn còn nhiều khó khăn song đã có thêm nhiều tín hiệu tích cực. Thông tin mới nhất, NHNN đã ban hành Thông tư số 42/2024/TT-NHNN về việc Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 04/2021/TT-NHNN ngày 5/4/2021 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định về tái cấp vốn đối với tổ chức tín dụng sau khi tổ chức tín dụng cho Vietnam Airlines vay và việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, trích lập dự phòng rủi ro đối với khoản nợ của Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Theo thông tư cũ, Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 2 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 3 năm.

Thông tư mới được sửa đổi thành Khoản tái cấp vốn được gia hạn tự động 5 lần tại thời điểm đến hạn đối với dư nợ gốc tái cấp vốn còn lại; thời hạn gia hạn mỗi lần bằng thời hạn tái cấp vốn; tổng thời gian tái cấp vốn và gia hạn tái cấp vốn tối đa không quá 6 năm.

Đây được xem là động thái giúp Vietnam Airlines giảm bớt áp lực về dòng tiền liên quan tới các khoản vay tái cấp vốn đến hạn thanh toán trong năm nay.

Ở khía cạnh khác, những tín hiệu tích cực của ngành hàng không cũng tạo điều kiện tốt cho các doanh nghiệp tăng trưởng. Trong báo cáo mới cập nhật, Chứng khoán VNDirect kỳ vọng lưu lượng hành khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ trong 2025. Với sự tăng trưởng mạnh mẽ của lượng khách Trung Quốc và chính sách thị thực mới, lượng khách quốc tế đến Việt Nam dự kiến sẽ tăng 19% so với cùng kỳ lên 38,9 triệu khách trong năm 2024 (tương đường 94% mức trước dịch).

photo-1721724572007

 

Trong khi đó, lượng khách nội địa có thể tiếp tục giảm 10% trong năm 2025 do chiến lược tái cơ cấu đường bay của các hãng hàng không, dẫn đến giá vé máy bay cao hơn. Điều này đang thúc đẩy hành khách lựa chọn phương tiện di chuyển khác hoặc các gói du lịch quốc tế rẻ hơn như Thái Lan, thay vì du lịch nội địa.

VNDirect giữ quan điểm ngành hàng không đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và sẽ dần cải thiện trong thời gian tới. Việc điều chỉnh trần giá vé máy bay tạo cơ hội cho các hãng hàng không bù đắp chi phí hoạt động, đặc biệt là giá nhiên liệu. Điều này cũng giúp các hãng hàng không có thể linh hoạt trong việc điều chỉnh giá vé trên các đường bay nội địa. Biên lợi nhuận gộp của Vietnam Airlines có thể đạt 7% trong năm 2024 nhờ tỷ lệ lấp đầy trong nước/quốc tế tăng lên, gần tương đương với mức trước Covid-19 cũng như tăng trưởng doanh thu trung bình trên hành khách.

photo-1721724543091

 

Bắc Kiên

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chuoi-ngay-buon-voi-co-dong-vietnam-airlines-co-phieu-lien-tiep-giam-san-von-hoa-bay-hoi-30000-ty-dong-chi-sau-hon-2-tuan-205242307155920058.htm