Chuyển động mới tại Vinpearl trước thềm kế hoạch niêm yết: Các tiêu chuẩn cần thiết đã được đáp ứng?

Vinpearl đã ghi nhận lãi 2 năm liên tục, ROE trên 5%. Tổng tài sản của Vinpearl đạt hơn 44.000 tỷ đồng (khoảng 1,76 tỷ USD).

Chuyển động mới tại Vinpearl trước thềm kế hoạch niêm yết: Các tiêu chuẩn cần thiết đã được đáp ứng?- Ảnh 1.

Cuối tháng 11/2023, Tập đoàn Vingroup thông báo tách CTCP Vinpearl và thành lập một công ty con mới trên cơ sở tách doanh nghiệp. Công ty mới thành lập là CTCP Thương mại và Kinh doanh Ngọc Việt, có vốn điều lệ dự kiến ở mức 20.420,1 tỷ đồng do Vingroup nắm trên 99,96% vốn điều lệ. Cùng với việc thực hiện tái cấu trúc Vinpearl, HĐQT Vinpearl lúc bấy giờ cũng thông qua kế hoạch chuẩn bị niêm yết công ty trong năm 2024.

Với động thái này, CTCP Vinpearl - vào ngày 27/11/2023 - đã hạ vốn điều lệ từ 25.462 tỷ đồng xuống 5.041 tỷ đồng, sau đó tăng vốn trở lại và đến ngày 22/12/2023, con số là 15.041 tỷ đồng.

Mới nhất, Báo cáo tài chính kiểm toán của Vingroup cho biết, trong tháng 2/2024, Công ty Vinpearl đã tiến hành tăng vốn thông qua phương án chào bán cổ phần riêng lẻ cho nhà đầu tư với tổng giá trị là 15.617 tỷ đồng, nhằm mục đích bổ sung nguồn vốn phát triển khách sạn, du lịch nghỉ dưỡng. Đăng ký kinh doanh mới nhất của Vinpearl cho biết, ngày 29/2/2024, công ty mới tăng vốn điều lệ lên 17.232 tỷ đồng

Cũng trong tháng 2, Vinpearl đã mua 99,99% cổ phần của CTCP VinWonders Nha Trang, Vinpearl Thanh Hóa và Vinpearl Landmark 81 từ đối tác.

Mới đây, Vinpearl công bố một số chỉ tiêu tài chính năm 2023 với lợi nhuận sau thuế đạt 670 tỷ đồng, giảm gần 85% so với năm trước. Tại thời điểm 31/12/2023, vốn chủ sở hữu của Vinpearl đạt 13.316 tỷ đồng. Tổng tải sản của Vinpearl tại cuối năm 2023 đạt hơn 44.000 tỷ đồng.

Vinpearl đã trải qua một quãng thời gian kinh doanh khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 cùng nhiều yếu tố khác trước khi có lãi trở lại và tiến tới niêm yết cổ phiếu.

Để có thể niêm yết trên TTCK, một công ty phải đắp ứng rất nhiều yêu cầu khắt khe do UBCKNN đề ra. Theo quy định tại Điều 109 Nghị định 155/2020, một công ty muốn niêm yết cần có tỷ lệ lợi nhuận sau thuế trên vốn chủ sở hữu (ROE) năm liền trước năm đăng ký niêm yết tối thiểu là 5% và hoạt động kinh doanh của 2 năm liền trước năm đăng ký niêm yết phải có lãi; không có các khoản nợ phải trả quá hạn trên một năm tính đến thời điểm đăng ký niêm yết; không có lỗ lũy kế căn cứ trên báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên được soát xét trong trường hợp đăng ký niêm yết sau ngày kết thúc của kỳ lập báo cáo tài chính bán niên.

Vinpearl gần như đã đạt những điều kiện trên. Doanh nghiệp này đã có lãi trong hai năm liên tiếp. Cụ thể, năm 2022 lãi 4.230 tỷ đồng, năm 2023 lãi hơn 670 tỷ đồng. ROE lần lượt là 49% và 5%, cũng đạt điều kiện.

Còn một điều kiện mà Vinpearl cần đáp ứng là không còn lỗ lũy kế và không có nợ quá hạn. Do công ty không công bố số liệu cụ thể nên hiện chưa rõ những tiêu chí này đã được đáp ứng hay chưa.

Trước đây, Vinpearl đã từng được tỷ phú Phạm Nhật Vượng niêm yết 205,5 triệu cổ phiếu trên HoSE với mã VPL. Tuy nhiên, vào năm 2011 cổ phiếu VPL đã bị hủy niêm yết do Vinpearl sáp nhập vào công ty Vincom tạo thành tập đoàn Vingroup với mã chứng khoán VIC như ngày này. 

Việc Vinpearl có thể niêm yết trên TTCK Việt Nam sẽ mang đến một làn gió mới, góp thêm vào danh sách "họ" Vingroup trên sàn chứng khoán. Bản thân Vinpearl hiện là thương hiệu hàng đầu Việt Nam về du lịch và nghỉ dưỡng, bao gồm các tổ hợp khách sạn, biệt thự biển đẳng cấp năm sao và trên năm sao quốc tế. Việc Vinpearl lên sàn cũng có thể giúp chứng khoán Việt Nam hấp dẫn hơn, thu hút nhiều vốn hơn khi có thêm một lựa chọn mới chất lượng. 


Trọng Hiếu

Trọng Hiếu

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chuyen-dong-moi-tai-vinpearl-truoc-them-ke-hoach-niem-yet-cac-tieu-chuan-can-thiet-da-duoc-dap-ung-20512382.htm