Thị trường chứng khoán tiếp tục trải qua tuần giao dịch đầy biến động với áp lực bán chủ động gia tăng mạnh và bất ngờ trong phiên 23/11.
VN-Index ghi nhận mức giảm 25 điểm (tương đương -2,27%) để lùi sâu về 1.088 điểm. Thị trường rơi vào trạng thái "lên thang bộ, xuống thang máy" khi chỉ tăng biên độ hẹp, nhưng giảm lại lao dốc rất mạnh. Vậy xu hướng tiếp theo sẽ ra sao khi VN-Index tiếp tục "thủng" 1.100 điểm? Ông Đào Tuấn Trung – Giám đốc Phân tích Chứng khoán Vietinbank (CTS) có một vài chia sẻ về vấn đề này.
Theo chuyên gia CTS, phiên giảm điểm mạnh của thị trường với thanh khoản khá lớn (cộng hưởng từ phiên giảm ngày 17/11) sẽ tiếp tục mang đến tâm lý lo ngại cho thị trường trong giai đoạn tới.
Trên thực tế, thị trường sau một nhịp hồi tương đối thời gian qua sẽ chịu áp lực bán chốt lời ngắn hạn lớn, trong đó áp lực bán liên tiếp đặc biệt từ khối ngoại lên nhóm VN30 và VN50 cũng phần nào cản đà tăng giá của thị trường. Thêm vào đó, thị trường đã có khoảng thời gian gần hai tuần cố gắng chinh phục kháng cự tại vùng 1.12x – 1.13x điểm nhưng thất bại, khiến tâm lý của bên cầm cổ phiếu có xu hướng mất kiên nhẫn, dẫn đến hàng loạt lệnh bán đồng loạt được tiến hành trong phiên ATC.
Ngoài góc nhìn về hành vi đầu tư thì ở góc nhìn về định giá, bất chấp chỉ số P/E của thị trường đang ở mức 14.x lần (tương đương với mức trung bình nhiều năm), chỉ số P/E của một số nhóm ngành, đặc biệt là tại nhóm cổ phiếu chứng khoán và phi tài chính cũng đang ở mức tương đối cao, tương đương với giai đoạn đầu năm 2022.
Ở 1 góc nhìn khác thì đà tăng chỉ số VN-30 đang kém hơn khá nhiều so với đà tăng của nhóm VNMidcap cho thấy dòng tiện hiện tại đang tập trung khá nhiều ở nhóm đầu cơ, dòng tiền nóng nên việc quay đầu sẽ tương đối nhanh.
Sau khi thủng mốc 1.100 điểm, chuyên gia CTS nhận thấy các chỉ báo kỹ thuật chuyển sang tín hiệu tiêu cực khá nhiều, đặc biệt với khối lượng bán lớn phiên 23/11 và phiên 17/11, hàm ý khối lượng bán lớn sẽ tiếp tục cho thấy rủi ro xu hướng điều chỉnh có thể tiếp diễn. Về các yếu tố cơ bản, triển vọng của ngành ngân hàng trong năm 2024 được dự báo tiếp tục xấu đi trước các áp lực trích lập dự phòng nợ xấu.
Bên cạnh các khó khăn đã hiện hữu tại nhóm doanh nghiệp bất động sản, các ngân hàng cũng có khả năng đối diện với rủi ro tiếp tục phải trích lập dự phòng nợ xấu tại nhóm các doanh nghiệp sản xuất khi sức tiêu dùng trong nước suy yếu (thể hiện qua số liệu công bố trong BCTC quý III vừa qua) và các thị trường xuất khẩu chính (trừ Mỹ) vẫn chưa phát đi các tín hiệu về sự phục hồi kinh tế.
"Khả năng chỉ số VN-Index tiếp tục áp lực tìm đến những vùng 1.048/ 1.03x/1.000 hoặc thậm chí xuyên thủng mốc 1.000 điểm dù có xác suất xảy ra thấp nhưng vẫn cần được tính đến", Giám đốc Phân tích CTS đưa ra dự báo.
Về chiến lược đầu tư, chuyên gia cho rằng đầu tư có tỷ trọng lớn cổ phiếu hiện tại có thể tận dụng nhịp hồi phục của thị trường trong những phiên tới khi tiếp cận vùng 1.08x điểm để tiến hành hạ tỷ trọng cổ phiếu trong danh mục về dưới trung bình.
Đối với các hoạt động bắt đáy, cần cẩn trọng quan sát thêm và xem xét sự hấp thụ cung bán tại các vùng đóng vai trò hỗ trợ mạnh của thị trường tại vùng 1.04x-1.050/ 1.03x/1.000 điểm. Trong trường hợp ngưỡng hỗ trợ này bị xuyên thủng, thị trường có thể giảm mạnh thủng mốc 1.000 điểm để chiết khấu các rủi ro về áp lực trích lập dự phòng vào năm 2024 của nhóm ngân hàng hay một vài Bluechips khác (vốn chiếm tỷ trọng lớn trong rổ VN30).
Mai Chi
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-kha-nang-vn-index-ve-duoi-1000-diem-can-duoc-tinh-den-2056015.htm