Chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt: Tài khoản có thể bị mất tiền bởi công nghệ deepfake?

Theo Quyết định 2345, chuyển tiền giá trị lớn phải xác thực khuôn mặt. Điều này khiến nhiều người đặt ra lo ngại về công nghệ deepfake hiện nay có thể là rủi ro đối với việc xác thực sinh trắc học khi chuyển tiền.

Một thống kê của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, toàn hệ thống ngân hàng có hơn 180 triệu tài khoản thanh toán cá nhân đang hoạt động, hơn 87% người trưởng thành đã có tài khoản thanh toán tại ngân hàng và nhiều ngân hàng đã có trên 95% số lượng giao dịch được xử lý trên kênh số.

Thanh toán không dùng tiền mặt tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt về số lượng giao dịch thanh toán qua di động (Mobile) và QR code bình quân qua các năm từ 2017 - 2023 đạt trên 100%/năm. Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng xử lý bình quân 830 nghìn tỷ đồng/ngày (tương đương 40 tỷ USD), hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử xử lý bình quân 20-25 triệu giao dịch/ngày.

Theo các chuyên gia, thanh toán không dùng tiền mặt ngày càng phát triển thì tình trạng lừa đảo đánh cắp tiền trong tài khoản khách hàng ngày càng gia tăng và hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi.

Không chỉ những người dân thiếu kiến thức mà rất nhiều trường hợp nạn nhân của vụ lừa đảo là người hiểu biết. Như mới đây, theo Công an thành phố Hà Nội, một người phụ nữ có hiểu biết về công nghệ thông tin, thực hiện các bảo mật ngân hàng nhưng vẫn mất gần 1 tỷ đồng trong ngân hàng bởi chiêu thức lừa đảo cài đặt tài khoản bảo hiểm xã hội.

Nhằm ngăn chặn các vụ lừa đảo, Quyết định 2345 ra đời, với giải pháp yêu cầu xác thực sinh trắc học bằng khuôn mặt áp dụng cho các giao dịch chuyển khoản trên 10 triệu đồng hoặc tổng 20 triệu đồng mỗi ngày. Thế nhưng, điều này lại khiến nhiều người lo ngại với công nghệ deepfake ngày càng phát triển, đây có thể là lỗ hổng của việc thực hiện sinh trắc học bằng khuôn mặt.

Chia sẻ tại Hội thảo Giải pháp bảo vệ khách hàng sử dụng dịch vụ ngân hàng sáng 4/7, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc áp dụng eKYC xác thực định danh khách hàng, phải có chức năng chống giả mạo, chống công nghệ deepfake và giả mạo ảnh tĩnh.

Tại chương trình về tài chính trên VTV3 mới đây, ông Vũ Mạnh Hưng, Giám đốc phát triển sản phẩm Ngân hàng số VPBank cũng nhấn mạnh rằng, dù công nghệ deep fake càng ngày càng phát triển giúp hacker vượt qua nhiều thứ nhưng công nghệ phòng chống deep fake cũng đang được nâng cao. Hiện tại, các ngân hàng có thể phòng chống đến 99% deep fake nên hoàn toàn có thể an tâm.

Bên cạnh đó, Quyết định 2345 cũng yêu cầu khi giao dịch phải xác thực thêm mã smart OTP. Như vậy, để thực hiện 1 giao dịch phải cần gương mặt của bạn và cả mã pin. 2 thông tin này khiến giao dịch của khách hàng an toàn hơn. 

Liên quan đến câu chuyện bảo mật của các ngân hàng hiện nay, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế nhấn mạnh, ngoài biện pháp thực hiện xác thực sinh trắc học, ngân hàng cần nâng cao nhận diện cảnh báo các giao dịch giá trị lớn bất thường. Bởi công nghệ ngày càng phát triển, các chiêu thức lừa đảo càng tinh vi. Tăng cường bảo mật, phát hiện các giao dịch có vấn đề sẽ ngăn chặn và giảm thiệt hại trong các vụ lừa đảo. Vì hiện tại, nhiều người dân mất đến hàng chục tỷ đồng do chiêu thức lừa đảo. Thậm chí có ngân hàng thất thoát hàng nghìn tỷ đồng kéo dài nhiều năm vẫn không có cảnh tỉnh, điều này cho thấy vấn đề về giám sát.

Đức Anh

Cộng tác viên

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/chuyen-tien-gia-tri-lon-phai-xac-thuc-khuon-mat-tai-khoan-co-the-bi-mat-tien-boi-cong-nghe-deepfake-205241207154813012.htm