Chú là Dương Thanh Long, 58 tuổi, nhà sáng lập chuỗi Cà phê muối chú Long đang “nổi như cồn” tại TPHCM và một số tỉnh thành phía Nam trong gần 2 năm qua. Sự thành công rực rỡ ở tuổi xế chiều của nhà sáng lập U60 đã thắp sáng tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ ở thế hệ trẻ.
Chú Long mê cà phê từ khi chỉ là một cậu nhóc 14-15 tuổi, tới độ có những ngày uống 5-6 ly cà phê khiến “dạ dày cảm thấy cồn cào”. Nghỉ học từ năm lớp 9 rồi tập tành kinh doanh suốt 3 năm, niềm đam mê cà phê của chàng trai 18 tuổi khi đó đành gác lại khi đến tuổi nhập ngũ.
Mấy chục năm sau đó, chú Long làm đủ nghề để mưu sinh trên mảnh đất Sài Thành, mối duyên với cà phê cũng tưởng chừng đã hết. Nhưng rồi ở nửa sau con dốc cuộc đời, chính cà phê lại dẫn lối cho chú đến một bước ngoặt đầy bất ngờ.
Năm 2019, ở tuổi 53, chú Long quyết định khởi nghiệp mở quán cà phê bằng số vốn vay mượn 200 triệu đồng. Nhưng chưa đầy một năm sau, Covid-19 ập đến, hàng quán đóng cửa, vốn liếng làm ăn mất trắng. Chú Long phá sản và đổ nợ.
Cùng đường làm ăn, lại dịch dã hoành hành, chú Long rời TPHCM về lại quê hương Quảng Ngãi, tạm “trốn” khoản nợ 120 triệu đồng.
Cũng trong khoảng thời gian tránh dịch ở quê, chú Long ra Huế và lần đầu biết tới món cà phê muối.
“Cà phê muối là gì? Có lẽ chỉ là cà phê bỏ thêm muối như cách người ta vẫn hay uống để trung hòa vị, đánh lên vị giác”, chú nghĩ. “Chắc cũng chỉ như món cà phê muối người ta thường thưởng thức”.
Nhưng khi quan sát ly cà phê muối ở Huế, chú Long hoàn toàn bất ngờ. Điểm khác biệt nằm ở chỗ cà phê sẽ nhỏ giọt qua lớp phin để chảy vào lớp kem sữa bên dưới.
Mang theo tò mò từ món cà phê muối đất cố đô, chú Long tiếp tục ghé thử cà phê muối ở Đà Nẵng. Cà phê ở đây được pha sẵn thay vì pha phin. Chú uống, cảm thấy mùi vị đậm đà hơn ly cà phê muối đầu tiên.
Sau này, qua tìm hiểu và tự thử nghiệm, chú đã nhận ra tại sao cà phê phin lại không đạt được hương vị tốt nhất. “Khi kem được cho vào ly trước, cà phê nhỏ giọt bằng nước nóng sẽ làm giảm độ béo của kem. Chú nhận thấy cà phê muối pha phin sẽ không thể ngon bằng cà phê đánh sẵn”.
Phát hiện đó đã khiến chú nhận ra món cà phê muối xuất xứ từ Huế có thể được làm ngon hơn nữa. Đó cũng là ý tưởng khởi đầu cho thương hiệu cà phê muối chú Long ra đời.
Trở lại TPHCM sau Covid, chú Long quyết tâm khởi nghiệp lại lần nữa với với xe đẩy bán cà phê nhỏ trên đường Cộng Hòa. Mọi công đoạn từ lắp ráp xe đẩy, in bảng hiệu… đều một tay chú làm. Chú chọn khung giờ từ 5-9 giờ sáng để bán cà phê, vào lúc người qua lại trên phố tấp nập nhất.
Thời điểm đó, số nợ 120 triệu đồng vẫn chưa trả được. Chú bàn bạc với con gái, đàm phán lại với chủ nợ và tìm cách trả dần số nợ trên. Mỗi tháng con gái đưa chú 10 triệu đồng để cha dành ra một nửa để trả nợ và một nửa để tiêu xài. Số tiền đó đủ để chú không cần phải kinh doanh.
Tuy nhiên, thay vì theo lời khuyên của con, chú Long quyết định dành dụm tất cả số tiền này để khởi nghiệp từ đầu, với mong muốn có đủ tiền trả nợ. Đây là con đường chú xác định bằng mọi giá “phải làm”, để không trở thành gánh nặng cho con khi về già.
“Tại sao chú có đủ khả năng làm việc mà chú lại thua con chú? Tại sao nó làm ăn được mà chú làm đâu thua đó? Tại sao nó làm ăn đơn giản mà lại thành công?”, chú Long liên tục đấu tranh tư tưởng. "Chú không muốn ở nhà để con phụng dưỡng. Chú muốn làm gì đó cho con khi còn đủ sức để lao động".
Những ngày đầu kinh doanh, cô con gái cùng một người cháu của chú Long cùng đi theo để hỗ trợ. Trong khi chú đang bận bán hàng, người cháu tình cờ quay lại video và đăng clip lên TikTok. Video đầu tiên chỉ đơn giản ghi lại hình ảnh một người đàn ông lớn tuổi đứng bán cà phê niềm nở và vui vẻ. Ngày đầu, chú bán được 30 ly, một con số khá ổn cho một xe đẩy mới mở.
Mọi thứ bắt đầu thay đổi khi vào cuối ngày, video quay chú đã bất ngờ trở nên “viral” trên TikTok. Nhìn thấy cơ hội, người cháu khuyến khích chú tăng số lượng cà phê để chuẩn bị cho ngày hôm sau. Kết quả là số lượng ly bán ra đã từ 30 ly tăng vọt lên 120 ly chỉ sau một đêm.
Thành công nhỏ này đã khiến cả hai cha con sửng sốt. Trong cuộc điện thoại, cô con gái đã hỏi chú: “Giờ ba đủ khả năng làm và theo luôn không? Ba không định hình từ 5h tới 9h sáng nữa, mà đi theo suốt con đường sau này được hay không?”.
Đáp lời con gái, chú chỉ nói đơn giản: “Ba có quyết tâm và có sức khỏe. Ba có thể làm được!”
Đến ngày thứ ba, chú Long mua thêm hai chiếc máy đánh kem nhỏ để chuẩn bị kem sẵn sàng và bảo quản trong tủ lạnh, trong khi cà phê vẫn tự pha. Lúc đó, con gái chú định lượng cho chú: “Khả năng là tới ngày thứ ba ba bán rất đắt. Mà ba quyết định rồi nha, là ba bán nguyên ngày nha”.
Kết quả không ngoài dự đoán của cô con gái, 500 ly cà phê muối đã được bán ra trong ngày thứ ba.
Kể từ chiếc xe cà phê muối đầu tiên thành công, chú đã có đủ khả năng để trả hết nợ. Tuy nhiên, chú tính, nếu đàm phán trả được 20 triệu đồng mỗi tháng thì số dư còn lại có thể dùng để tái đầu tư và xoay vòng vốn. Chú thỏa thuận với chủ nợ để trả dần 20 triệu đồng mỗi tháng và được chấp nhận.
Sau 6 tháng, chú Long trút được hết gánh nặng nợ trên vai.
Sau khi nổi tiếng nhờ truyền thông xã hội, chiếc xe đẩy nhỏ ở góc đường Cộng Hòa bắt đầu thu hút về nhiều sự chú ý, nhưng cũng bắt đầu gặp những thử thách mới. Một vài ý kiến về chiếc biển “Cà phê muối 15k” do chú Long treo lên bắt đầu nổ ra.
“Chú ơi, chú đừng để cái từ này. Chú để “đồng giá” đàng hoàng, chứ chú để “15k” dễ bị hiểu nhầm”, các bạn trẻ khách hàng tới góp ý.
Nhận ra sơ sót này có thể khiến khách hàng lăn tăn về giá cả, chú Long quyết định từ đó về sau chỉ dán chiếc biển “Đồng giá cà phê muối 15k” ở trước xe, và đặt mức giá 15.000 đồng cho mọi đồ uống.
“Chú không xem kinh doanh là để kiếm lợi nhuận, mà chú tập trung vào việc đa dạng hóa menu sản phẩm thay vì tăng giá để tăng doanh thu”, chú cho biết.
Dẫu vậy, vẫn có khá nhiều quan điểm trái chiều xoay quanh ly cà phê muối “siêu rẻ”. Trong đó có ý kiến cho rằng, việc để giá 15 nghìn đồng cho một ly cà phê là “phá giá”.
Chú Long nhớ lại, 2 năm trước, thị trường cà phê muối ở Sài Gòn khá khó tiêu thụ, chỉ có quán lớn mới bán được. Quán nào rẻ nhất là cũng 35 nghìn đồng một ly, quán lớn giá phải từ 65-70 nghìn đồng. Thời điểm mới xuất hiện, cà phê muối là món người “có tiền” mới uống được.
Chú dành thời gian suy nghĩ và cân nhắc làm thế nào để cà phê muối có thể tiếp cận rộng rãi, ai cũng có thể mua. Sau khi tính toán kỹ lưỡng, chú quyết định phát triển mô hình “cà phê muối 15k” để mọi người đều có thể thưởng thức.
“Ban đầu chú không nghĩ tới chuyện “phá giá” mà chú chỉ định hình được công sức lao động bỏ ra. Ví dụ, một ngày công chú được trả 300 nghìn đồng, thì thay vào đó đi bán cà phê chú kiếm được khoảng 300 nghìn đồng đổ lại là được”, chú Long cho biết.
Tuy nhiên, việc đặt giá quá rẻ cho một ly cà phê cũng đặt ra không ít thách thức cho chú Long khi gần đây, giá cà phê trên thị trường đã tăng cao đáng kể. “Tuy đã cố gắng gánh gồng, nhưng chú vẫn phải lên giá bằng cách cho ra mắt dung tích lớn hơn. Tuy nhiên, giá không có tăng vọt quá để các bạn phải chênh vênh”.
Bên cạnh đặt giá bán, một bài toán hóc búa khác của chú Long khi việc kinh doanh mở rộng thành chuỗi là chuyện “đạo nhái” thương hiệu.
Sau khi thành công của thương hiệu vượt khỏi địa giới TP. HCM, chú Long đang “chân ướt chân ráo” đưa món cà phê muối về Bình Dương, một người ở Đồng Tháp đã tự ý dùng thương hiệu của chú để kinh doanh cửa hàng cà phê.
Tối hôm đó, vừa trở về nhà từ Bình Dương, chú Long nhận được “tin dữ” rằng một thương hiệu “chú Long” và người chủ tự xưng là cháu của chú, đã được nhượng quyền với mức phí từ 70-100 triệu đồng/xe.
“Lúc đó, chú quyết tâm ngăn chặn hành vi này nhằm bảo vệ khách hàng khỏi việc bị lừa đảo và ngăn chặn việc lợi dụng hình ảnh của mình để trục lợi”, chú Long nhớ lại khi tức tốc đi về Đồng Tháp giải quyết sự vụ.
Qua trao đổi, bạn chủ quán mạo danh thương hiệu "chú Long" đã đồng ý gỡ bảng hiệu xuống, xin lỗi trên fanpage của chú.
Vài ngày sau, chú Long chính thức đi đăng ký nhãn hiệu mang tên mình.
Chú Long cũng nhận được không ít yêu cầu nhượng quyền và cũng đã từng triển khai cho nhiều bạn cùng làm. Theo đó, các bạn mua nguyên liệu của chú về bán, pha theo định lượng của chú, với yêu cầu không được sử dụng tên thương hiệu. Tuy nhiên trong quá trình này, chú Long đã nhận được phản ánh từ những người khách tới các cơ sở đó uống và phàn nàn cà phê không đúng hương vị, cho dù cùng một công thức, nguyên liệu.
Chú Long nhận ra quá trình pha chế đồ uống ở các quán không đảm bảo đồng nhất. Các cửa hàng đã không pha theo công thức mà chú yêu cầu, khiến khách phàn nàn chất lượng, ảnh hưởng tới uy tín thương hiệu.
Từ thực tế này, chú quyết định không nhượng quyền. Vì chú nhận thấy, bản thân không đủ sức để kiểm soát chất lượng của tất cả các chi nhánh nhượng quyền.
“Chú cảm thấy chú mở được tới đâu thì chú mở. Chú nghĩ cuộc đời chú tới tầm tuổi này rồi, chú không thể quay đầu được nữa. Nếu thất bại là chú thua luôn. Chú quyết định không nhượng quyền, đích thân mình đi trên con đường của mình”, chú Long cho biết.
Dù không nhượng quyền, nhưng sau 1 năm rưỡi khởi nghiệp, chú Long và đội ngũ đã mở được 44 tiệm cà phê mang thương hiệu Cà phê muối chú Long ở các tỉnh thành trên khắp cả nước. Chú Long cho biết các tiệm cà phê muối chú Long ở các tỉnh mở ở địa phương đều là do có nhân viên của chú ở đó. Vị trí quản lý cửa hàng sẽ được đào tạo ở TPHCM cho đến khi thành thục công việc, sau đó sẽ về quản lý ở các địa phương.
Thay lời kết cho câu chuyện truyền cảm hứng của chuyến xe khởi nghiệp U60, người viết hỏi chú Long lời khuyên dành cho thế hệ trẻ.
"Chú muốn đóng góp với các bạn qua trải nghiệm cuộc đời chú.
Đầu tiên khi các bạn muốn làm điều gì, mình phải đặt cái tâm của mình vào đó . Khi đặt cái tâm của mình vào thì không sớm không muộn các bạn cũng sẽ thành công, đừng nên lơ là.
Thứ hai là các bạn đừng bi quan trên con đường mình đi. Trên con đường lúc nào cũng có gập ghềnh, trở ngại, đừng bi quan, cứ vô tư dấn bước. Chẳng hạn như chú, chú té rồi đứng, đứng rồi té, làm hoài, làm hoài, tới giờ phút này thì lại được các bạn yêu thương", nhà sáng lập Cà phê muối chú Long nhắn gửi tới các bạn trẻ.
Lời khuyên của chú Long cho các bạn trẻ khởi nghiệp.
Cộng tác viên