Cổ đông nhận cổ tức "tức tận cổ": Nhiều doanh nghiệp chây ỳ thanh toán, mòn mỏi đợi 10 năm chưa nhận được tiền, có trường hợp hủy kèo

Động thái hoãn cổ tức khiến nỗi mong chờ hân hoan chốt quyền nhận tiền mặt của cổ đông biến thành cảm giác thất vọng, khổ sở xen lẫn bực tức.

Nhà đầu tư khi lựa chọn nắm giữ cổ phiếu thường chú tâm tới cổ tức, đặc biệt là cổ tức bằng tiền mặt. Đây được xem là quyền lợi quan trọng đối với các cổ đông và thường là yếu tố quyết định việc cổ đông có gắn bó lâu dài với doanh nghiệp hay không.

Tuy nhiên, việc thông báo chốt quyền cổ tức bằng tiền không đồng nghĩa với việc nhà đầu tư có thể yên tâm hoàn toàn. Theo thống kê có không ít doanh nghiệp trì hoãn việc thanh toán cổ tức, liên tục gia hạn thời gian chi trả, cá biệt lên tới cả thập kỷ. Động thái hoãn cổ tức khiến nỗi mong chờ hân hoan chốt quyền nhận tiền mặt của cổ đông biến thành cảm giác thất vọng, khổ sở xen lẫn bực tức.

photo-1708595249759

Cái tên được nhiều nhà đầu tư nhắc đến khi nói về vấn đề chậm thanh toán cổ tức là CTCP Đầu tư Phát triển và Khu công nghiệp Sông Đà (Sudico, mã SJS). Mới đây nhất, HĐQT công ty này đã thông qua việc lùi thời gian trả cổ tức năm 2016 và 2017 với tổng tỷ lệ là 20% bằng tiền từ ngày 30/06/2023 sang ngày 31/12/2024. Đây là lần thứ 9 công ty trì hoãn thanh toán cổ tức 2016 và lần thứ 5 trì hoãn trả cổ tức 2017 cho cổ đông.

Lý do đưa ra vẫn "quen thuộc" khi cho biết tình hình tài chính còn khó khăn, Công ty chưa thu xếp được nguồn tiền. Tổng cộng cổ đông SJS đã chờ đợi gần 7 năm song cổ tức vẫn chưa thể về tay.

Tuy nhiên đây không phải là khoản cổ tức chậm trễ nhất. Tại CTCP Sông Đà 3 (mã SD3), công ty vừa có thông báo hoãn thanh toán cổ tức năm 2015 sang tới ngày 31/12/2024. Mức cổ tức là 5%, tương ứng số tiền cần chi ra khoảng 8 tỷ đồng. Trong thông báo đầu tiên, SD3 dự kiến thanh toán vào 31/8/2015, song tới nay, thời gian đã kéo dài thêm 9 năm 4 tháng.

Trong thông báo gần nhất, SD3 cho biết do chủ đầu tư chưa thu xếp được nguồn vốn thanh toán tiền nên dòng tiền không đáp ứng được nhu cầu thanh toán cổ tức như kế hoạch đề ra.

Tương tự, tại CTCP Lilama 45.4 (mã L44), cổ đông đã bị trì hoãn thêm gần 9,5 năm và vẫn chưa thể bỏ túi số cổ tức năm 2012 (14%) và 2013 (3%), tổng số tiền cần chi khoảng gần 7 tỷ đồng. Công ty này đã 9 lần thay đổi thời gian thanh toán của 2 đợt cổ tức. Nguyên nhân hầu hết do Công ty đang tạm ngưng hoạt động sản xuất kinh doanh để tiến hành phương án tái cấu trúc doanh nghiệp; đồng thời gặp nhiều khó khăn về tài chính, còn nợ tồn đọng tiền lương người lao động, các khoản phải nộp ngân sách (thuế, bảo hiểm…) với số tiền lớn. Do vậy, chưa thu xếp được nguồn tiền để thanh toán cổ tức.

Tại Licogi Quảng Ngãi (LQN), doanh nghiệp này mới nhất đã "khất" cổ tức cổ đông thêm tới 2 năm, từ 29/9/2023 thành 30/9/2025. Công ty đã hơn chục lần ra thông báo thay đổi thời gian thanh toán cổ tức, tổng cộng thời gian trì hoãn đã hơn 8 năm kể từ thời điểm thanh toán công bố lần đầu.

Trong văn bản gần nhất, LQN cho biết đã cố gắng làm việc với đối tác để có nguồn tiền, tuy nhiên, do tình hình khó khăn kéo dài, các khoản phải thu dự kiến từ đối tác không đúng như kỳ vọng, cần có thêm nhiều thời gian để cân đối nguồn tiền mặt.

Hàng loạt cái tên khác cũng tương đối "chây ỳ" trong việc thanh toán cổ tức cho cổ đông như CTCP Cầu 12 (gần 7 năm), Licogi 9 (hơn 4 năm), Cà phê Thuận An (5 tháng). Thậm chí có trường hợp cá biệt khi hủy chi trả cổ tức ghi nhận tại CTCP Lương thực Bình Định (Bidifood, BLT).

Ban đầu, BLT lên kế hoạch chi trả cổ tức năm 2022 bằng tiền tỷ lệ 170,5%, tương ứng cổ đông sở hữu mỗi 1 cổ phiếu sẽ nhận về 17.050 đồng, tổng dự chi hơn 68 tỷ đồng. BLT đã thực hiện thanh toán cho cổ đông với tỷ lệ 30% bằng tiền, tương ứng chi 12 tỷ đồng trong tháng 6/2023. Song sau đó đã dừng chi trả lượng cổ tức còn lại là 140,5% khiến cổ đông hụt hẫng.

BLT cho biết tình hình tài chính công ty đang rất khó khăn, không có nguồn vốn để chi trả phần cổ tức còn lại. Nguyên nhân do giá vốn hàng hóa tăng đột biến hơn 50% kể từ tháng 7, giá gạo bình quân trên 15.500 đồng/kg và BLT phải duy trình mức dự trữ lưu thông hơn 3.000 tấn gạo có trị giá 46 tỷ đồng dẫn đến hạn chế nguồn vốn, hiệu quả sử dụng vốn giảm và chi phí lãi vay tăng.

Nhìn chung, việc doanh nghiệp chậm trễ thanh toán cổ tức cho cổ đông liên quan tới tình trạng tài chính khó khăn, dòng tiền không đủ. Như tại SD3, mặc dù lãi ròng gần 8 tỷ đồng trong năm 2023 song doanh nghiệp vẫn đang lỗ lũy kế gần 231 tỷ đồng.

L44 cũng lỗ lũy kế gần 196 tỷ đồng tại thời điểm cuối năm 2022, cổ phiếu đang thuộc diện hạn chế giao dịch vì chậm nộp BCTC kiểm toán 2022 và âm vốn chủ trên BCTC kiểm toán 2021.

Hay tại Licogi Quảng Ngãi, ngoài việc chậm trả cổ tức, công ty còn nợ lương và bảo hiểm của nhân viên trong thời gian dài. Từ lúc lên sàn UPCoM, Licogi Quảng Ngãi đã lỗ 3 năm liên tiếp từ năm 2020 đến 2022. Tính đến hết 31/12/2022, lỗ lũy kế của Licogi Quảng Ngãi hơn 29 tỷ đồng, khiến vốn góp chủ sở hữu âm hơn 7 tỷ đồng.

Phương Linh

Phương Linh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/co-dong-nhan-co-tuc-tuc-tan-co-nhieu-doanh-nghiep-chay-y-thanh-toan-mon-moi-doi-10-nam-chua-nhan-duoc-tien-co-truong-hop-huy-keo-20510076.htm