Có hơn 1.300 tỷ tiền gửi ngân hàng, IDP vẫn nợ hiểm xã hội gần 4 tỷ đồng

Tính đến hết ngày 31/7/2023, Sữa Quốc tế nợ đóng bảo hiểm cho người lao động với số tiền lên tới hơn 3,8 tỷ đồng.

co-hon-1300-ty-tien-gui-ngan-hang-idp-van-no-thue-hiem-xa-hoi-gan-4-ty-dong-antt-1692243858.jpg
IDP có tên trong danh sách doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng. Ảnh minh hoạ

Theo danh sách mà Bảo hiểm xã hội Hà Nội mới công bố, CTCP Sữa Quốc tế (MCK: IDP) có tên trong danh sách doanh nghiệp nợ đóng, chậm đóng BHXH tính đến thời điểm 31/7/2023.

Cụ thể, tính đến 31/7/2023, doanh nghiệp này nợ đóng bảo hiểm cho người lao động với số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.

Theo tìm hiểu, CTCP Sữa Quốc tế được thành lập năm 2004, Sữa Quốc tế có hai nhà máy đặt tại Chương Mỹ và nhà máy sữa Ba Vì đặt tại xã Tản Lĩnh, huyện Ba Vì. Dòng sản phẩm chủ đạo của Công ty đưa ra thị trường mang thương hiệu "Ba Vì" bao gồm sữa tươi tiệt trùng, sữa tươi thanh trùng, sữa chua ăn Ba Vì. Sau này, Sữa Quốc tế phát triển mạnh thương hiệu LIF (love in farm), Kun (dòng sản phẩm cho trẻ em).

Chủ tịch HĐQT hiện nay của Sữa Quốc tế là ông Tô Hải, còn bà Đặng Phạm Minh Loan là Tổng giám đốc công ty.

Về tình hình doanh nghiệp, ngày 12/4 vừa qua, quỹ ngoại Daytona Investments Pte. Ltd đã chi khoảng 1.370 tỷ đồng để mua vào 5,3 triệu cổ phiếu IDP qua đó trở thành cổ đông lớn tại công ty này với tỷ lệ sở hữu 8,9%.

Tính đến thời điểm ngày 14/8/2023, Sữa Quốc tế đang có các cổ đông lớn là CTCP Blue Point( tỷ lệ 54,2%), CTCP Chứng khoán Vietcap (tỷ lệ 15%), quỹ Daytona Investments Pte Ltd. ( tỷ lệ 8,9%). Trong đó cổ đông lớn Blue Point tính đến năm 2020 do bà Trương Nguyễn Thiên Kim sở hữu với tỷ lệ 84%. Bà Thiên Kim chính là vợ ông Tô Hải và cũng là thành viên HĐQT tại IDP.

Trong tháng 5, IDP đã công bố giải thể Công ty cổ phần Đầu tư Green Light với lý do được đưa ra là để cơ cấu lại danh mục đầu tư của công ty. Trước đó, vào tháng 8/2022, Công ty Sữa Quốc tế tham gia góp vốn, thành lập Green Light có trụ sở tại TP HCM, hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản. Động thái này cho thấy tham vọng muốn lấn sân vào lĩnh vực bất động sản của doanh nghiệp sữa khi đã sở hữu nhiều thương hiệu nổi tiếng như Love’in Farm, sữa tươi Ba Vì...

Công ty có vốn điều lệ 500 tỷ đồng, tương đương 50 triệu cổ phần với mệnh giá 10.000 đồng/cổ phần. Trong đó Sữa Quốc tế góp 99,98% vốn, tương đương 499,9 tỷ đồng.  Tính đến cuối tháng 3, Sữa Quốc Tế chỉ có một công ty con là Green Light. Nếu việc giải thể hoàn tất, công ty sẽ không còn công ty con nào.

Một diễn biến đáng lưu ý khác, Sữa Quốc tế thông qua kế hoạch chào bán riêng lẻ 2.405.000 cổ phiếu với giá 254.044 đồng/cổ phiếu để huy động 610,98 tỷ đồng, dự kiến triển khai trong quý II hoặc quý III/2023. Trong đó, đối tượng chào bán là cổ đông Daytona Investments Pte. Ltd.

Số tiền huy động, Công ty dự kiến dùng 230 tỷ đồng để mua nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, kinh doanh; 140,1 tỷ đồng bổ sung vốn lưu động; 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV); 100 tỷ đồng trả nợ vay Ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank); và 40,9 tỷ đồng thanh toán chi phí marketing.

Cổ phiếu phát hành riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm và đơn vị mua dự kiến là Daytona Investments Pte. Ltd (trụ sở ở Singapore). Nếu giao dịch thành công, Daytona Investments Pte. Ltd sẽ nâng sở hữu từ 8,99% lên 12,6% vốn điều lệ tại Sữa Quốc tế.

Về tình hình kinh doanh, IDP chưa công bố báo cáo tài chính quý II/2023, tuy nhiên, quý I năm nay, Sữa Quốc tế báo doanh thu thuần đạt 1.577 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận sau thuế giảm 8%, còn 218 tỷ đồng.

So với cùng kỳ, doanh thu hoạt động tài chính của công ty đã tăng 45% lên xấp xỉ 26 tỷ đồng. Song, chi phí tài chính cũng ghi nhận mức tăng 63% lên hơn 16 tỷ đồng.

Chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng ghi nhận tăng mạnh, tổng ở mức 342 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái.

Tại cuối quý I, IDP có tổng tài sản đạt 3.953 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Tiền và tiền gửi ngắn hạn chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản với 1.301 tỷ đồng (chiếm 33% tổng tài sản). Công ty có 366 tỷ đồng hàng tồn kho, giảm nhẹ so với đầu năm.

Về nguồn vốn, công ty có tổng nợ phải trả ở mức 1.928 tỷ đồng, trong đó dư nợ vay tài chính 747 tỷ đồng, gồm hơn 698 tỷ đồng vay ngắn hạn và 49 tỷ đồng vay dài hạn. Vốn chủ sở hữu doanh nghiệp ở mức 2.025 tỷ đồng với 1.155 tỷ đồng là lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Hà Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/co-hon-1300-ty-tien-gui-ngan-hang-idp-van-no-hiem-xa-hoi-gan-4-ty-dong-2053496.htm