Thị trường chứng khoán phiên giao dịch ngày 22/3 bất ngờ xuất hiện một loạt thoả thuận trên cổ phiếu ACB của Ngân hàng TMCP Á Châu với tổng khối lượng lên đến 145 triệu đơn vị, tương đương 3,7% tổng lượng cổ phiếu lưu hành. Giá thoả thuận 27.650/cp tương ứng tổng giá trị các giao dịch lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Giao dịch được thực hiện giữa các nhà đầu tư nước ngoài.
Đáng chú ý, các thoả thuận khủng diễn ra đúng vào phiên cổ phiếu ACB giao dịch khởi sắc, vượt đỉnh lịch sử. Tính đến thời điểm 11h sáng ngày 22/3, cổ phiếu này tăng 1,25% với khối lượng khớp lệnh đạt hơn 14 triệu đơn vị. So với thời điểm đầu năm, ACB đã tăng gần 19% thị giá. Vốn hóa thị trường tương ứng vào khoảng 110.000 tỷ đồng (~4,5 tỷ USD).
Giao dịch thoả thuận đột biến trên cổ phiếu ACB xuất hiện sau khi ngân hàng công bố tài liệu để chuẩn bị tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2024. Theo đó, ACB dự kiến trình cổ đông thông qua kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 là 22.000 tỷ đồng, tăng 10% so với kết quả thực hiện năm 2023.
Theo kế hoạch đến cuối năm 2024, tổng tài sản của nhà băng này sẽ đạt 805.050 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm. Tiền gửi khách hàng và giấy tờ có giá đạt 593.779 tỷ đồng, tăng 11%; cho vay khách hàng đạt 555.866 tỷ đồng, tăng 14% so với cuối năm 2023. Tỷ lệ nợ xấu kiểm soát dưới 2%.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2023, ACB dự kiến chia cổ tức tổng tỷ lệ 25%, trong đó 15% bằng cổ phiếu và 10% bằng tiền mặt. Như vậy, ACB dự kiến sẽ chi khoảng 3.884 tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền và phát hành thêm hơn 582,6 triệu cp cho cổ đông hiện hữu để trả cổ tức bằng cổ phiếu. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của ACB sẽ tăng từ 38.840 tỷ đồng lên 44.666 tỷ đồng.
Hà Linh