Cổ phiếu của Đầu tư Hải Phát, Xây dựng Hòa Bình và loạt 'ông lớn' bị đưa vào diện cảnh báo

Mới đây, loạt cổ phiếu của các ông lớn như: Đầu tư Hải Phát (HPX), Xây dựng Hòa Bình (HBC)... bị HoSE đưa vào diện cảnh báo.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa quyết định đưa một loạt cổ phiếu vào diện cảnh báo trong đó có nhiều cái tên “đình đám” như: cổ phiếu HPX của Đầu tư Hải Phát, cổ phiếu HBC của Xây dựng Hòa Bình, IBC của Apax Holdings POM của Thép Pomia, LDG của Công ty Cổ phần Đầu tư LDG, TVB của Trí Việt,... từ ngày 25/4.

Nguyên nhân cổ phiếu bị đưa vào diện cảnh báo là do tổ chức niêm yết chậm nộp báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 quá 15 ngày so với thời hạn quy định, thuộc trường hợp chứng khoán bị cảnh báo theo quy định tại điểm g khoản 1 Điều 37 Quy chế niêm yết và giao dịch chứng khoán niêm yết ban hành theo quyết định số 17/QĐ-HĐTV ngày 31/3/2022 của Hội đồng thành viên Sở Giao dịch Chứng khoán Việt Nam.

co-phieu-cua-dau-tu-hai-phat-xay-dung-hoa-binh-va-loat-ong-lon-bi-dua-vao-dien-canh-bao-2-1681891511.jpg
Cổ phiếu của nhiều "ông lớn" bị đưa vào diện cảnh báo.

Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM cho biết, hiện nay đã hết thời hạn nộp báo cáo nhưng vẫn chưa nhận được báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022 của các công ty trên, do đó nhắc nhở và đề nghị các doanh nghiệp này khẩn trương công bố thông tin đúng quy định.

Riêng cổ phiếu POM của Thép Pomina đồng thời bị theo dõi ở diện kiểm soát do chậm nộp báo cáo tài chính năm đã được kiểm toán trong 2 năm liên tiếp, thuộc trường hợp chứng khoán bị đưa vào diện kiểm soát.

Trước đó, các cổ phiếu kể trên đều đã bị HoSE đưa vào danh sách cổ phiếu không được giao dịch ký quỹ (margin) trước đó. Theo quy định, nhà đầu tư sẽ không được sử dụng margin do công ty chứng khoán môi giới cấp để mua các cổ phiếu bị trong danh sách này.

Đến thời điểm hiện tại, trong số các cổ phiếu mới bị đưa vào diện cảnh báo, mới chỉ có Novaland công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2022. Tập đoàn Xây dựng Hoà Bình cũng đã có công văn giải trình gửi HoSE về tình hình của công ty do thị trường khó khăn khiến dòng tiền bị ảnh hưởng, quá trình thu thập thông tin mất nhiều thời gian hơn cùng với việc biến động nhân sự cấp cao khiến doanh nghiệp chậm nộp BCTC kiểm toán. 

Theo BCTC hợp nhất chưa kiểm toán của Xây dựng Hòa Bình, năm 2022, công ty ghi nhận doanh thu đạt 14.123 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức 11.355 tỷ của năm 2021. Lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh âm 1.077 tỷ (cùng kỳ lãi 151 tỷ). Lỗ sau thuế là 1.140 tỷ đồng trong khi cùng kỳ lãi ròng gần 97 tỷ.

Trong khi đó, Đầu tư Hải Phát thời gian gần đây liên tục gặp "sóng gió". Vừa qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt vi phạm hành chính đối với ông Đỗ Quý Hải- Chủ tịch HĐQT Đầu tư Hải Phát cùng vợ, em trai bị phạt tổng cộng 1,98 tỷ đồng và bị đình chỉ giao dịch 4 tháng do hành vi “bán chui” tổng cộng 9,7 triệu cổ phiếu HPX.

Tính tới ngày 31/12/2022, Đầu tư Hải Phát đang sở hữu 166,6 tỷ đồng tiền mặt, chiếm 1,8% tổng tài sản. Ở chiều ngược lại, nợ vay của công ty đang ở mức 3.317,9 tỷ đồng, chiếm 35,7% tổng nguồn vốn; trong đó, nợ vay ngắn hạn là 1.298,4 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 2.019,5 tỷ đồng.

Hà Ly (t/h)

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/co-phieu-cua-dau-tu-hai-phat-xay-dung-hoa-binh-va-loat-ong-lon-bi-dua-vao-dien-canh-bao-205954777.htm