VN-Index đã kết thúc tháng 1/2024 khá tích cực khi tăng 3% so với phiên cuối năm 2023, lên mức 1,164.31 điểm.
Trong đó, cổ phiếu ngành ngân hàng đóng vai trò dẫn dắt thị trường với mức tăng cao hơn VN-Index. Theo thống kê, chỉ số ngành ngân hàng tháng 1 tăng 9% với cuối năm 2023, lên mức 658.41 điểm.
Tính đến 31/01/2024, giá trị vốn hóa của nhóm ngân hàng tăng 155,689 tỷ đồng, lên mức hơn 1,94 triệu tỷ đồng, tăng 9% so với mức 1,79 triệu tỷ đồng của phiên cuối tháng 12 năm 2023.
Trong đó, MBB và CTG cùng tăng 17% và đều tăng vốn hóa mạnh nhất trong tháng 1 nhờ thị giá tăng tương ứng. Duy nhất chỉ có cổ phiếu SSB ngược dòng khi thị giá giảm 4% so với cuối năm 2023 khiến vốn hóa giảm.
Tháng 1 có gần 217 triệu cổ phiếu ngân hàng được giao dịch mỗi ngày, tăng 44% so với tháng 12/2023, tương đương tăng hơn 66 triệu cổ phiếu/ngày. Giá trị giao dịch cũng tăng 46%, lên gần 4.448 tỷ đồng/ngày.
Trong đó, các ngân hàng nhỏ cũng có thanh khoản tăng đột biến như VBB, BVB, BAB và ABB. Riêng KLB là cổ phiếu có thanh khoản giảm mạnh nhất trong tháng qua, còn 484.969 cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày, giảm 47% so với tháng trước.
BAB dù có thanh khoản tăng mạnh nhưng vẫn là nhà băng có thanh khoản thấp nhất chỉ với 14.637 cổ phiếu được giao dịch mỗi ngày, giá trị chỉ hơn 188 triệu đồng/ngày.
Trong khi đó, quán quân về thanh khoản nhóm ngân hàng thuộc về SHB với gần 42 triệu cổ phiếu được giao dịch khớp lệnh mỗi ngày và 3,5 triệu cổ phiếu/ngày được “sang tay”. Tổng khối lượng giao dịch bình quân đạt hơn 45 triệu cổ phiếu, gấp 2,5 lần tháng trước.
Chưa hết, khối ngoại tranh thủ gom “cổ phiếu vua” trong tháng 1 với khối lượng mua ròng gần 96 triệu cổ phiếu, giá trị đạt 2.993 tỷ đồng.
Trong đó, VPB là cổ phiếu được khối ngoại mua mạnh nhất với hơn 34 triệu cổ phiếu (666 tỷ đồng) trong tháng qua. Trái lại, khối ngoại chốt lời cổ phiếu LPB với khối lượng bán ròng mạnh nhất là hơn 16 triệu cổ phiếu, giá trị tương đương 276 tỷ đồng.
Nguyên nhân giúp nhóm cố phiếu ngân hàng bùng nổ vào đầu năm mới không thể không nhắc tới ảnh hưởng tích cực từ chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng giao từ đầu năm của NHNN và việc Quốc hội thông qua Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Theo đó, những vấn đề về 'siết' sở hữu chéo, chi phối TCTD; hoạt động kinh doanh đại lý bảo hiểm; can thiệp sớm các TCTD yếu kém và xử lý tài sản đảm bảo sẽ giúp thúc đẩy sự tăng trưởng bền vững trong trung và dài hạn của ngành ngân hàng.
Theo báo cáo triển vọng ngành 2024, Công ty Chứng khoán BIDV (BSC) tiếp tục duy trì khuyến nghị khả quan với ngành ngân hàng trong 2024 dựa trên các luận điểm chính:
Thứ nhất là môi trường lãi suất thấp cùng triển vọng kinh tế phục hồi giúp tăng trưởng tín dụng cải thiện và NIM bật tăng nhờ chi phí vốn được tái thiết lập.
Thứ hai là tăng cường xử lý nợ xấu trong 2023 tạo dư địa để ghi nhận lợi nhuận từ thu hồi nợ trong 2024, từ đó giúp triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2024 khả quan hơn, được hỗ trợ bởi mức định giá vẫn trong vùng phù hợp để tích lũy.
Nhận định về sự điều chỉnh của cổ phiếu nhóm ngân hàng, một số chuyên gia cho rằng, nhóm cổ phiếu lĩnh vực ngân hàng trong năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tuy nhiên, các giải pháp gần đây của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, khơi thông dòng vốn cho nền kinh tế sẽ đem lại những kết quả tích cực, giúp giảm áp lực cho hệ thống ngân hàng.
Trong bối cảnh giảm chung của thị trường chứng khoán hiện nay, ngành ngân hàng vẫn được đánh giá cao hơn so với các ngành khác. Nếu lấy chỉ số P/B (chỉ số đại diện mặt bằng giá cổ phiếu ngân hàng) so sánh giá cổ phiếu trên thị trường với giá trị sổ sách của doanh nghiệp cho năm 2024 của nhóm ngân hàng sẽ về mức hấp dẫn 1.5x-1.6x, thấp hơn từ 15-25% so với mức định giá P/B trung bình 5 năm trở lại đây. Do đó, cơ hội đầu tư ở cổ phiếu ngân hàng vẫn rất tiềm năng.
Hà Ly (t/h)
Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/co-phieu-ngan-hang-xong-dat-san-chung-khoan-tiem-nang-nao-cho-ca-nam-2024-2059350.htm