Cơn đau đầu của Toyota: Chủ tịch Akio Toyoda nắm giữ quá nhiều quyền lực, 1 năm sau khi bổ nhiệm tân CEO vẫn tiếp tục điều hành dự án lớn?

Vấn đề đã nảy sinh sau khi ông Toyoda trở thành động lực chính thúc đẩy tập đoàn.

Trong thời gian đảm nhận vị trí giám đốc điều hành, Akio Toyoda đã đưa Toyota Motor trở thành tập đoàn dẫn đầu ngành công nghiệp ô tô. Hãng ngày nay bán được nhiều xe hơn bất kỳ đối thủ nào và chính sự đặt cược của ông Toyoda vào cuộc cách mạng xe hybrid đã khiến Toyota ghi nhận lợi nhuận hàng năm lớn nhất lịch sử Nhật Bản.

Tuy nhiên, vấn đề bắt đầu nảy sinh sau khi ông Toyoda trở thành động lực chính thúc đẩy tập đoàn.

Đầu năm 2023, Akio Toyoda lên chức chủ tịch sau gần 14 năm giữ ghế giám đốc điều hành. Thế nhưng, hơn 1 năm sau khi tân giám đốc điều hành lên nắm quyền, một số thành viên hội đồng quản trị bắt đầu bày tỏ lo ngại khi ông Toyoda vẫn tiếp tục điều hành các dự án lớn, thậm chí là nắm giữ quá nhiều quyền lực không thể kiểm soát.

Mới đây nhất, sau bê bối gian lận trong quá trình sản xuất, một số cố vấn đầu tư đã phản đối việc ông Akio Toyoda tái đắc cử vào hội đồng quản trị.

“Là một nhà điều hành cấp cao lâu năm, ông Toyoda phải chịu trách nhiệm cuối cùng với một loạt những bất thường bên trong tập đoàn Toyota Motor”, báo cáo viết.

Michael Garland, người đứng đầu bộ phận quản trị doanh nghiệp tại Văn phòng Kiểm soát viên Thành phố New York, nơi quản lý hệ thống quỹ hưu trí trị giá hơn 260 tỷ USD của thành phố, cho biết: “Nhu cầu của Toyota đối với sự giám sát độc lập hơn của hội đồng quản trị là rất quan trọng”.

Thông thường, công cuộc chuyển giao công việc cho các giám đốc điều hành mới khá khó khăn. Làm sao để người kế nhiệm không làm ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh hiện tại và quan trọng nhất, là tạo ra lợi nhuận. Howard Yu, giám đốc chương trình quản lý nâng cao của Trường Kinh doanh IMD, cho biết: “Điều chỉnh quá nhiều và công ty có thể mất đà hoàn toàn. Toyota đang ở thời khắc quan trọng đó”.

Ông Toyoda, 68 tuổi, đã lèo lái Toyota vượt qua nhiều giai đoạn khó khăn trên cương vị giám đốc điều hành. Vào năm 2009, khi ông tiếp quản công ty, cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã khiến nhà sản xuất xe hơi này đối mặt với một loạt vấn đề về chất lượng. Hàng triệu chiếc xe đã bị thu hồi để sửa chữa.

Năm 2010, ông Toyoda lên tiếng xin lỗi, đồng thời cam kết thay đổi điều mà ông cho là sự mất kết nối giữa các giám đốc điều hành của Toyota. Hàng ngũ điều hành đã được tinh gọn, chuyển giao quyền lực cho những người đứng đầu khu vực và cắt giảm chi phí. Doanh số bán hàng vì thế mới bắt đầu tăng cao.

Trong những năm gần đây, ông Toyoda nổi tiếng với những bình luận cảnh báo quan chức trong ngành không nên chuyển đổi quá nhanh sang xe điện. Toyota vẫn tiếp tục đầu tư vào những chiếc xe hybrid mà hãng này từng đi tiên phong vào cuối những năm 1990.

Vào tháng 1 năm 2023, Toyota thông báo rằng kỹ sư lâu năm của Toyota, Koji Sato, sẽ đảm nhận vị trí giám đốc điều hành. Ông Toyoda cho biết ông Sato, lúc đó 53 tuổi, có những kỹ năng cần thiết để đưa Toyota bước vào một kỷ nguyên mới của ô tô điện và điều khiển bằng phần mềm.

Cơn đau đầu của Toyota: Chủ tịch Akio Toyoda nắm giữ quá nhiều quyền lực, 1 năm sau khi bổ nhiệm tân CEO vẫn tiếp tục điều hành dự án lớn?- Ảnh 1.

Tuy nhiên, ngay sau khi ông Sato tiếp quản, động lực thị trường ô tô toàn cầu thay đổi. Doanh số bán xe điện hạ nhiệt và nhu cầu xe hybrid tăng trở lại, mang lại cơ hội lớn cho Toyota. Toyota đã công bố lợi nhuận hoạt động hơn 5 nghìn tỷ yên (32 tỷ USD) cho năm tài chính kết thúc vào tháng 3, mức lớn nhất từng được ghi nhận đối với một công ty Nhật Bản. Jeffrey Liker, người đứng đầu Ann Arbor, Michigan, công ty tư vấn Liker Lean Advisors, cho biết: “Akio Toyoda đã được chứng minh là đúng”.

Cũng theo ông Liker nói, dù đã từ chức giám đốc điều hành song Toyoda vẫn có ảnh hưởng lớn trong Toyota. Mọi người coi ý kiến của ông là lời của Chúa. Sự tập trung quyền lực tiềm tàng đã khiến nội bộ quan ngại.

Những năm gần đây, ông Toyoda đã thực hiện nhiều thay đổi lớn trong ban lãnh đạo. Sáu giám đốc mới đã được bổ nhiệm vào hội đồng quản trị vào năm 2023.

Nội bộ coi ông Toyoda vừa là chủ tịch vừa là giám đốc điều hành, chỉ huy cuộc họp và tiếp tục thúc đẩy các sáng kiến lớn của công ty, chẳng hạn như kế hoạch về dòng động cơ đốt mới cho xe hybrid. Một số tin rằng việc chuyển giao quyền lực từ từ là phù hợp, như cachs ông Sato đã học được từ người sếp lâu năm của mình.

Tuy nhiên, những xáo trộn nội bộ đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư. Họ dự định sẽ bỏ phiếu chống lại việc tái bổ nhiệm ông Toyoda vì lo ngại tính độc lập của hội đồng quản trị. Hai công ty nổi tiếng chuyên tư vấn đầu tư là Glass Lewis và Institutional Shareholder Services đã đứng lên kêu gọi phản đối.

Ở Nhật Bản, các thành viên hội đồng quản trị thường được bầu lại với sự ủng hộ gần như nhất trí của cổ đông. Tuy nhiên, việc các nhà đầu tư bỏ phiếu phản đối việc tái bổ nhiệm ông Toyoda có thể chỉ là thiểu số. Trong thập kỷ qua, số phiếu tái bổ nhiệm của ông Toyoda có tỷ lệ tán thành trung bình hơn 96%.

2023 là năm cuối cùng ông Toyoda chủ trì cuộc họp cổ đông thường niên của Toyota, được tổ chức tại trụ sở chính ở thành phố Toyota, phía tây nam Tokyo. Ông Toyoda đã rơi nước mắt và cho biết bản thân rất mong chờ được nhìn thấy tương lai tươi sáng ông Sato sẽ tạo ra.

Năm nay, ông Sato sẽ chủ trì cuộc họp.

Theo ông Yu, thuộc Trường Kinh doanh IMD, cách Toyota định hướng sự kế thừa có thể quyết định tương lai của công ty. “Câu hỏi quan trọng cần đặt ra là liệu Toyota có cần phải sáng tạo lại ngay bây giờ hay không”.

Trước đó, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản cho biết Toyota và 4 nhà sản xuất khác đã thừa nhận nhiều sai sót trong các cuộc kiểm tra về an toàn. Hãng hiện đã ngừng vận chuyển và bán các mẫu xe Corolla Fielder, Corolla Axio và Yaris Cross tại Nhật Bản do đơn đăng ký chứng nhận sử dụng những “dữ liệu không đầy đủ trong các bài kiểm tra khả năng bảo vệ người đi bộ và người ngồi trong xe”.

Glass Lewis, một cố vấn ủy nhiệm, cho biết: “Chúng tôi tin rằng ông Toyoda phải chịu trách nhiệm về việc không đảm bảo duy trì các biện pháp kiểm soát nội bộ phù hợp. Ông cũng không đảm bảo các biện pháp quản trị phù hợp được thực hiện tại các công ty con. Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các vấn đề trong toàn tập đoàn, người ta sẽ đặt ra câu hỏi liên quan đến văn hóa doanh nghiệp dưới sự lãnh đạo của ông Toyoda”.

Theo: The New York Times, Nikkei Asia

Vũ Anh

Vũ Anh

Link nội dung: https://antt.nguoiduatin.vn/con-dau-dau-cua-toyota-chu-tich-akio-toyoda-nam-giu-qua-nhieu-quyen-luc-1-nam-sau-khi-bo-nhiem-tan-ceo-van-tiep-tuc-dieu-hanh-du-an-lon-20516357.htm